Kỳ vọng lương, thưởng, phúc lợi... 2023

Thu Hằng
Thu Hằng
05/02/2023 07:15 GMT+7

Để "giữ chân người lao động" ngoài tăng thu nhập, cải thiện tiền lương, Nhà nước và doanh nghiệp cần có chính sách chăm lo về đời sống tinh thần thông qua các chế độ phúc lợi.

Người lao động kỳ VỌNG LƯƠNG TĂNG 10%/NĂM TRỞ LÊN

Theo báo cáo khảo sát lương năm 2023 vừa được Navigos Group - tập đoàn cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự công bố, hiện có 10 chế độ tiền lương, phúc lợi hàng đầu mà người lao động (NLĐ) được nhận, gồm: lương cơ bản; bảo hiểm y tế cá nhân; phụ cấp ăn uống; nghỉ phép 12 ngày; thưởng năm; trợ cấp điện thoại; nghỉ phép trên 12 ngày; bảo hiểm tai nạn 24/7; thưởng tháng; thưởng quý.

Khi được hỏi về kỳ vọng chính sách lương, thưởng của doanh nghiệp (DN) năm 2023, có đến 45,62% - chiếm gần một nửa số người tham gia khảo sát lựa chọn "lương sẽ được tăng đều hàng năm từ 10% trở lên". Về các khoản phụ cấp, trợ cấp, NLĐ kỳ vọng DN có "thêm nhiều phúc lợi từ các hoạt động tập thể, văn hóa, văn nghệ, du lịch", với tỷ lệ 5,5%. NLĐ cũng mong muốn DN có thêm các trợ cấp vào các ngày lễ, nghỉ trong năm (4,7%) và có sự tăng thêm các khoản phụ cấp cơ bản (4,58%).

Kỳ vọng lương, thưởng, phúc lợi... 2023 - Ảnh 1.

Năm 2023 có thể sẽ có 2 kịch bản tăng lương được đưa ra khi Hội đồng Tiền lương quốc gia họp

ĐÀO NGỌC THẠCH

Theo Navigos Group, do nhiều DN đang trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19 nên chưa thể áp dụng chính sách tăng lương hấp dẫn hơn cho nhân viên của mình. Cụ thể, mức lương tăng từ 5% đến dưới 10% là sự lựa chọn chiếm ưu thế với tỷ lệ 26,89%. Mức lương không đổi đứng thứ 2 với 23,29%. Theo sau là mức lương tăng ít hơn 5% và từ 10% đến dưới 15%, chiếm lần lượt tỷ lệ 15,3% và 11,66%.

Đáng chú ý, khác với các năm trước, bên cạnh các kỳ vọng về lương, thưởng và phúc lợi, NLĐ có xu hướng thay đổi, bắt đầu quan tâm hơn đến các yếu tố về tinh thần và kỳ vọng vào một sự nghiệp hạnh phúc. Điển hình như việc họ "mong đợi sự an toàn từ DN, sự nghiệp vẫn ổn định khi có các yếu tố, rủi ro bất ngờ xảy ra" và "kỳ vọng văn hóa DN thay đổi, với môi trường cởi mở và thẳng thắn chia sẻ thông tin". Với kết quả khảo sát trên, có thể thấy, sự an toàn và ổn định nghề nghiệp cũng là một trong những kỳ vọng của NLĐ dành cho các DN trong năm 2023.

Ông Gaku Echizenya, Tổng giám đốc Navigos VN, cho hay: "Khảo sát lương 2023 đưa ra những kỳ vọng của NLĐ về mức lương, thưởng và phúc lợi trong năm 2023. Navigos Group hy vọng sẽ mang đến DN các góc nhìn mới để xây dựng chiến lược tuyển dụng và "giữ chân" nhân tài. Đồng thời, chúng tôi cũng hỗ trợ NLĐ nắm bắt xu hướng tuyển dụng để có sự chuẩn bị tốt nhất trong chặng đường phát triển sự nghiệp sắp tới".

XEM NHANH 12H ngày 5:2: Nhìn lại vụ án Nguyễn Phương Hằng | Mỹ bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc

XÂY DỰNG DOANH NGHIỆP LÀ "NGÔI NHÀ" THỨ HAI CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG

Mặc dù gặp khó khăn liên tiếp do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 và cắt, giảm đơn hàng, song ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty may Hưng Yên, cho biết dù Nhà nước không tăng lương, DN vẫn tăng cho NLĐ ít nhất là 5%/năm.

Ông Dương chia sẻ: "Đến thời điểm này, đơn hàng bị cắt, giảm nhưng DN vẫn cố gắng duy trì việc làm cho NLĐ, không sa thải ai, thậm chí còn tuyển dụng thêm. Để có đơn hàng đến tháng 6, chúng tôi chấp nhận giảm giá thành, đa dạng hóa sản phẩm gia công. Mục tiêu không chỉ duy trì việc làm cho NLĐ mà còn phải tăng thu nhập của NLĐ".

Để NLĐ gắn bó hơn với DN, theo ông Dương, vấn đề quan trọng nhất vẫn là có thu nhập tốt. "Mức thu nhập hiện của NLĐ trong DN chúng tôi là 12,5 triệu đồng/tháng. NLĐ được hưởng các phúc lợi cơ bản, như: BHXH, BHYT, xăng xe, tiền ăn ca và được hỗ trợ tiền thuê nhà… Song như thế vẫn chưa đủ, so với mức thu nhập của lao động tại Trung Quốc chỉ bằng 1/2 và so với Nhật Bản chỉ bằng 1/4. Chúng tôi đang nỗ lực để có thể trả lương thỏa đáng, nâng đời sống cho NLĐ", ông Dương nói. Ngoài tăng thu nhập, lãnh đạo công ty này đang hướng tới xây dựng môi trường làm việc xanh, DN văn hóa để NLĐ gắn bó, coi DN chính là "ngôi nhà" thứ hai của mình.

Với các dự báo năm 2023, DN sẽ còn gặp nhiều khó khăn, ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, nhìn nhận DN muốn tồn tại và phát triển đều phải có chiến lược thu hút và "giữ chân" NLĐ. "Song song với tăng thu nhập, cải thiện tiền lương cho NLĐ, DN cần chăm lo về đời sống tinh thần thông qua các các chế độ phúc lợi khác, như: giải trí, nhà trẻ, mẫu giáo cho con em NLĐ. Đối với NLĐ, vật chất rất quan trọng nhưng tinh thần cũng không kém phần quan trọng. Khi đời sống tinh thần tốt hơn, năng suất lao động cũng sẽ tăng lên", ông Lợi nói.

Ngoài các yếu tố trên, ông Lợi cho rằng, DN cần phải thường xuyên nâng cao tay nghề cho NLĐ để họ thấy DN như một gia đình. Lúc khó khăn cũng như thuận lợi, dịch bệnh hay cắt, giảm đơn hàng, NLĐ vẫn gắn bó, gánh vác khó khăn cùng DN. "Sau dịch Covid-19, các DN cũng nên tính toán lập quỹ dự phòng hoặc quỹ hỗ trợ khẩn cấp, để có thể hỗ trợ NLĐ một khoản tiền trong những lúc khó khăn hoặc xảy ra các sự cố, như: dịch bệnh; biến đổi khí hậu; cắt, giảm đơn hàng…", vị này nhấn mạnh.

Cùng với chính sách hỗ trợ đào tạo và đào tạo lại lao động, bà Trần Thị Lan Anh, Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động VCCI, cho rằng cần thực hiện tốt chế độ phúc lợi, bởi như vậy DN sẽ có điều kiện để thu hút và "giữ chân" NLĐ gắn bó lâu dài, tạo động lực cho NLĐ nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.

"Có thể coi đây là một trong những giải pháp rất quan trọng trong việc ổn định và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của DN; đồng thời nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của NLĐ, góp phần vào sự phát triển bền vững của DN", bà Lan Anh nhìn nhận.

Kỳ vọng lương, thưởng, phúc lợi... 2023 - Ảnh 3.

Công nhân Khu chế xuất Linh Trung I, TP.Thủ Đức (TP.HCM) tan ca

NHẬT THỊNH


XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ TOÀN DIỆN, BAO TRÙM

Trước kỳ vọng được tăng lương của NLĐ, một thành viên của Hội đồng Tiền lương quốc gia cho biết, từ năm 2014 - 2022, lương tối thiểu vùng có mức tăng trung bình khoảng 9%. Năm nay, có thể hội đồng sẽ họp nhóm sớm hơn và có thể sẽ có 2 kịch bản tăng lương được đưa ra; tăng từ 1.7.2023 cùng với thời điểm tăng lương của khối công chức, viên chức hoặc tăng từ 1.1.2024.

"Tăng lương là nguyện vọng chính đáng của NLĐ. Theo thông lệ các năm trước, lương tối thiểu được điều chỉnh hàng năm. Với tình hình hiện nay, có thể mức tăng lương năm 2023 sẽ không có nhiều đột biến; nếu có tăng cũng chỉ ở mức như năm 2022", vị này nhìn nhận.

Để thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và NLĐ, tại buổi làm việc giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN ngày 1.2, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Kế hoạch - Đầu tư trong năm nay nghiên cứu, xác định và công bố "mức sống tối thiểu" của NLĐ và gia đình NLĐ. Đây là cơ sở để Hội đồng Tiền lương quốc gia xác định mức lương tối thiểu vùng hàng năm và khuyến nghị các định hướng chính sách tiền lương mức sống tối thiểu của NLĐ.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN, đề nghị chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, NLĐ, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, phát triển chất lượng nguồn cung lao động. Nhà nước tiếp tục có gói hỗ trợ lãi suất tiền vay cho các DN bị thiếu đơn hàng để DN trả lương cơ bản “giữ chân” NLĐ; đào tạo, đào tạo lại lao động, tái cơ cấu DN, chuyển đổi vị trí việc làm trong DN…
Về lâu dài, ông Hiểu cho rằng cần có chính sách thu hút đầu tư và tiền lương thỏa đáng, để NLĐ sau một thời gian làm việc phải có tích lũy ở mức cần thiết, khi gặp khó khăn, họ vẫn có tiền duy trì cuộc sống. Bên cạnh đó, phải mở rộng chính sách về BHXH nhằm đủ sức hỗ trợ NLĐ trong lúc khó khăn. Chính phủ chỉ đạo các tỉnh, TP có nguồn dự phòng cho hoạt động của DN nói chung, trong đó có hỗ trợ NLĐ trong thời điểm mất việc.

Bộ LĐ-TB-XH cho biết năm 2023 sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, hướng dẫn trong lĩnh vực quan hệ lao động, tiền lương, đáp ứng yêu cầu của cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế; tăng cường công tác theo dõi, giám sát thực hiện pháp luật lao động, tiền lương và quan hệ lao động tại các DN nhà nước, DN có vốn đầu tư nước ngoài, DN cho thuê lại lao động tại một số tỉnh, TP trọng điểm.

Đối với các chính sách hỗ trợ NLĐ, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho hay, thời gian qua, các chính sách xây dựng chủ yếu mới chỉ mang tính chất tình thế, trong đó có nhiều chính sách có tính chất giải quyết những việc trước mắt, tức thì. Năm 2023, Bộ LĐ-TB-XH sẽ xây dựng một nghị quyết chuyên đề về chính sách xã hội với tầm nhìn thông thoáng hơn, toàn diện hơn, bao trùm hơn đến năm 2035 và tầm nhìn đến 2045.

Bên cạnh lương, thưởng, theo các chuyên gia, chế độ phúc lợi là các chính sách đãi ngộ cần xây dựng càng sớm các tốt. Ông Bùi Sỹ Lợi lưu ý: "Muốn NLĐ "an cư lạc nghiệp", việc đầu tiên cần ưu tiên làm sớm và làm ngay chính là xây nhà ở cho công nhân, tiếp đến là xây dựng các thiết chế, như: phòng khám, trường học, trung tâm giải trí, siêu thị… Vấn đề này cần sự vào cuộc sát sao của tổ chức công đoàn, các bộ, ngành và chính quyền địa phương. Những chính sách hỗ trợ thiết thực này như là điểm tựa giúp NLĐ vơi bớt nỗi lo "cơm áo gạo tiền", từ đó tập trung cho công việc, năng suất lao động cũng vì thế được nâng cao".

Việc làm, nhà ở, xây dựng các thiết chế văn hóa cũng là 3 vấn đề trọng tâm được Thủ tướng giao cho các phó thủ tướng chủ trì phối hợp với các bộ, ngành giải quyết trong năm 2023.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.