Kỳ vọng án lệ: Tông xe vào CSGT tội giết người

Phan Thương
Phan Thương
03/04/2020 06:35 GMT+7

Ngoài 8 án lệ sẽ có hiệu lực áp dụng từ 15.4, từ 2016-2019, TAND tối cao đã công bố 29 án lệ , qua đó giúp các tòa án viện dẫn, áp dụng đưa ra hơn 600 bản án, quyết định, được dư luận đồng tình.

Một trong các án lệ đó là để xử hành vi người vi phạm tông xe vào CSGT.
Án lệ để xử hành vi người vi phạm tông xe vào CSGT được Hội đồng thẩm phán (HĐTP) TAND tối cao thông qua năm 2018 (án lệ số 18/2018). Trước khi có án lệ, đã xảy ra nhiều vụ việc người điều khiển ô tô, xe máy tông thẳng vào CSGT khi bị lực lượng này yêu cầu dừng xe xử lý vi phạm, nhưng khi vụ án được đưa ra xét xử lại có nhiều tranh cãi xung quanh việc xác định tội danh với hành vi này.

“Giết người đang thi hành công vụ”

Trước thực tế nêu trên, HĐTP TAND tối cao chọn bản án phúc thẩm tháng 5.2018 của TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử bị cáo Phan Thành H. làm án lệ để xét xử các vụ án tương tự. Nội dung án lệ xác định hành vi điều khiển xe đâm thẳng vào CSGT là phạm tội giết người với tình tiết định khung: “giết người đang thi hành công vụ”.

Tông thẳng vào CSGT phải được xem là hành vi giết người

Về hành vi đâm xe vào CSGT của tài xế, quá trình bình chọn án lệ, một số chuyên gia pháp luật cho rằng hành vi của tài xế không nhằm mục đích cướp đi mạng sống của CSGT thì chỉ nên xử lý về tội chống người thi hành công vụ. Tuy nhiên HĐTP TAND tối cao xác định xe là nguồn nguy hiểm cao độ. Người điều khiển phương tiện phải hiểu, phải ý thức được nếu đâm xe vào CSGT có thể sẽ gây ra hậu quả chết người. Nhưng tài xế vẫn lao xe vào CSGT cho thấy sự manh động, liều lĩnh, côn đồ của người vi phạm. Vì vậy, việc CSGT không tử vong hoặc tránh né được chẳng qua là may mắn, thuộc trường hợp giết người không đạt nên người tông thẳng vào CSGT phải được xem là hành vi giết người.
Nội dung án lệ này như sau: theo bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Hà Tĩnh, ngày 30.6.2017, Tổ tuần tra kiểm soát của Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an tỉnh Hà Tĩnh (PC67) gồm 4 cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về an toàn giao thông từ Km 468 đến Km 517 QL1A. Thời điểm này, Từ Công T. và Phan Thành H. điều khiển một ô tô đầu kéo lưu thông từ Nam ra Bắc. Khi đến địa phận TP.Hà Tĩnh, tổ tuần tra phát hiện H. lái xe vi phạm tốc độ nên ra tín hiệu dừng phương tiện. H. dừng xe nhưng cho rằng xe mình không vi phạm tốc độ nên không xuất trình giấy tờ; đồng thời tranh cãi với tổ tuần tra. Sau đó, H. lên xe ô tô đóng cửa lại (xe vẫn đang nổ máy). Lúc này, chiến sĩ CSGT Lê Hồ Việt A. đang đứng phía trước bên phải đầu xe; còn chiến sĩ Nguyễn Anh Đ. đang đứng phía trước bên trái - cách đầu ô tô khoảng 1 m, ra hiệu cho H. không được lái xe di chuyển. Tuy nhiên, H. không chấp hành hiệu lệnh mà bất ngờ điều khiển xe lao thẳng vào 2 CSGT. Thấy vậy, anh A. nhảy ra lề đường phía bên phải tránh được; còn anh Đ. không kịp tránh nên buộc phải bám vào cọng gương chiếu hậu phía trước bên trái trên nắp capo của xe. Khi xe đang chạy với tốc độ cao, H. chủ động đánh lái mạnh về phía bên trái vào sát dải phân cách giữa đường nhằm hất anh Đ. xuống rồi bỏ trốn. Bị đánh lái đột ngột, anh A. văng khỏi xe, chấn thương sọ não, gãy chân, tổn hại sức khỏe 40%.
Một người dân đã dùng điện thoại di động quay lại quá trình H. thực hiện hành vi này.
Trong vụ án này, H. bị tòa tuyên 7 năm tù về tội giết người, với tình tiết định khung: “giết người đang thi hành công vụ”.

Cần thống nhất thực hiện nghiêm

Sau khi có án lệ, nhiều vụ việc đã được các địa phương áp dụng nghiêm minh. Điển hình, tháng 7.2019, Nguyễn Thanh Hùng (33 tuổi, ngụ TX.An Khê, tỉnh Gia Lai) lái ô tô chở gỗ lậu. Khi CSGT Công an H.Kông Chro phát hiện yêu cầu dừng xe kiểm tra, Hùng lái ô tô bỏ chạy khoảng 10 km, sau đó lao xe vào tổ CSGT đang làm nhiệm vụ chặn bắt khiến một cán bộ bị thương phải nhập viện cấp cứu.
Vụ việc này ban đầu, Công an tỉnh Gia Lai khởi tố Hùng về tội “chống người thi hành công vụ” nhưng sau đó chuyển sang tội danh “giết người”.
Tương tự, vào tháng 12.2019, khi đang tham gia xử lý một nhóm đua xe trên QL22, trung úy Nguyễn Phạm Thành Nhân (công tác tại Đội CSGT - Trật tự Công an H.Hóc Môn, TP.HCM) bị một “quái xế” chạy xe máy với tốc độ cao tông thẳng vào khiến anh tử vong sau đó. Ngày 3.1.2020, Công an TP.HCM tạm giữ hình sự Nguyễn Thành Long (22 tuổi, ngụ Q.12) để điều tra về hành vi “chống người thi hành công vụ” và có dấu hiệu của tội “giết người”. Đến nay, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đang hoàn tất kết luận điều tra theo hướng xử lý hình sự Long về tội “giết người”.
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn những vụ việc khiến dư luận băn khoăn. Như tại Quảng Trị ngày 7.2.2020, đại úy Nguyễn Việt Hải, công tác tại Đội CSGT - Trật tự Công an TP.Đông Hà, cùng tổ tuần tra kiểm soát làm nhiệm vụ trên QL9 (đoạn qua P.3, TP.Đông Hà), thì phát hiện một xe máy chạy với tốc độ cao nên ra hiệu lệnh dừng kiểm tra. Tuy nhiên, người lái xe là Nguyễn Văn Thắng (21 tuổi) đã lao thẳng vào đại úy Hải, khiến CSGT này bị gãy chân. Đến nay, đại úy Hải đã xuất viện nhưng vẫn đang nằm dưỡng thương tại nhà. Đáng lưu ý, người gây ra vụ việc này không bị xử lý hình sự mà các bên thỏa thuận bồi thường dân sự (?).
Luật sư Bùi Quang Nghiêm, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng án lệ được coi là nguồn văn bản pháp luật, mang tính thực tiễn cao khi pháp luật không tiên lượng được hết các tình huống pháp lý dẫn đến tranh cãi và không thống nhất trong áp dụng. Nội dung được chọn làm án lệ trong một bản án cụ thể có tính chuẩn mực, bắt buộc áp dụng, tạo sự bình đẳng trong việc xét xử các vụ án giống nhau, tiết kiệm công sức của người tham gia tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng, tạo ra sự công bằng trong xã hội.
“Về nguyên tắc áp dụng án lệ trong xét xử, TAND tối cao cũng yêu cầu thẩm phán, hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ để bảo đảm những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau; trường hợp không áp dụng thì phải nêu rõ lý do trong quyết định, bản án. Vì vậy, nếu xảy ra trường hợp các tòa không áp dụng án lệ đối với các vụ án có tình huống pháp lý tương tự thì bên bị ảnh hưởng quyền lợi có quyền khiếu nại hoặc kháng cáo, kiến nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm”, luật sư Nghiêm nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.