Ký ức tuổi thơ

02/12/2020 08:00 GMT+7

Năm 1946, đa số dân làng bỏ nhà cửa ruộng vườn đi theo kháng chiến. Trong đêm đông tối mờ mịt, cha tôi cõng tôi cùng gia đình gồng gánh tất tả lặng lẽ rời khỏi Hòa Lộc quê tôi...

Thôn Hòa Vinh, Tiên Sơn, Tiên Phước là điểm dừng chân cuối cùng.
Tuổi thơ của tôi cũng bắt đầu từ đó. Ngày đầu tiên tôi đi học lớp vỡ lòng. Phòng học là ngôi đình làng mái ngói rêu phong tường vôi loang lổ. Trong những ngày đầu kháng chiến dụng cụ học tập rất khan hiếm. Tôi còn nhớ rất rõ “Lá chuối sứ già làm giấy để viết tập”. Còn cây viết là “cọng tre vót nhọn”. Ấy thế mà điểm chín điểm mười cũng “nhảy múa lung linh”.
Tuyệt diệu làm sao: “Đôi dép mo cau mới toanh chính hiệu” đã đồng hành cùng tôi từ những bước chân khập khiễng trên con đường sỏi đá theo mẹ đến trường. Tuổi học trò của tôi bắt đầu là thế đó. Bạn bè của tôi là tốp trẻ loi choi địa phương tản cư lẫn lộn, ngây ngô nhí nhố ngộ nghĩnh dễ thương.
Tuổi ấu thơ của tôi hồn nhiên vô tư vui với tiếng ve kêu, chim hót rộn rã sớm chiều. Những năm tiếp theo học cấp 1, tôi phải sống xa nhà ít nhất cũng là sáu bảy cây số đường rừng. Vài ba tuần mới được về nhà. Và cứ thế mẹ tôi chiều thứ bảy lại đứng chờ đợi tôi dưới chân dốc Xoài chẳng quản nắng mưa. Mẹ lại cõng tôi lên con dốc đá bậc thang quanh co ngoằn ngoèo vắng bóng người qua. Mỗi lần mỏi chân ngồi nghỉ, mẹ tôi ôm tôi vào lòng vỗ về yêu thương, dặn dò đủ chuyện, nhất là phải lo học hành.
Tuổi thơ tôi lớn dần lên hằng ngày trong hoàn cảnh khó khăn, nhưng cũng lắm niềm vui. Học trò cấp 2 thời ấy là phải biết sống “tự túc”. Tức là tự đi chợ, kiếm củi, nấu ăn. Nhưng “thực đơn” chẳng có gì cầu kỳ ngoài rau - mắm - cà - tương là chủ yếu. Cá hấp - thịt heo là “thực phẩm cao cấp”. Mỗi tháng lâu lâu mới dám “cải thiện” vài ba lần. Cứ mỗi lần như thế quanh mâm cơm chiều ba bốn đứa “nhập tiệc liên hoan”.
Từ đây tôi bắt đầu cảm nhận được nhịp sống tất bật vất vả của cuộc đời muôn màu muôn vẻ đã diễn ra quanh tôi. Đêm hè núi rừng oi bức giấc ngủ chập chờn. Tiếng vạc ăn đêm, tiếng cú kêu sau hè bất chợt đánh thức. Tôi còn thấy bên nong tằm mới lớn với ngọn đèn dầu leo lét, mẹ tôi vẫn còn cặm cụi cần mẫn chăm sóc giữa đêm khuya.
Năm 1952, lại xảy ra trận đói dù qua nhanh, nhưng gia đình tôi cũng không thể thoát ra khởi vòng xoáy đó. Mẹ tôi lại chịu thương, chịu khó, đêm đêm chăm chút vá may:
“Nâng niu tấm áo chẳng lành,
Thương con mẹ thức thâu canh vô vàn.
Con thương tấm áo vá quàn,
Thương từng múi chỉ, từng đường kim khâu”
(Vá áo cho con)
Trải qua những năm tháng xuôi ngược với núi rừng đã luyện cho đôi chân tuổi thơ của tôi dần dần vững vàng cứng cáp. Con đường Tiên Phước - Tam Kỳ biết bao lần tôi đã đi qua. Hố Bà Già - Đèo Bà Đạt - Dốc Cần Xay ai qua đó trưa, chiều cũng sợ, nhưng đã trở thành bình thường quen thuộc.
Mùa đông ở núi rừng lại đến, mẹ tôi lại dầm mình dưới những cơn mưa phùn lất phất:
“Lưng còng bên luống cải
Mặc gió lạnh mưa rơi
Chân tay run lạnh cóng
Nhìn tôi mẹ mỉm cười”
(Mùa hoa cải)
Mẹ tôi cũng như bao nhiêu người mẹ khác, suốt đời tận tụy hy sinh cho chồng con với tất cả tấm lòng yêu thương vô bờ bến. Rồi để một ngày mẹ tôi trăn trối: “Để cho nó học. Đừng báo tin”. Đó là di ngôn của mẹ tôi trước lúc lâm chung. Đến phút cuối cùng cuộc đời mẹ tôi vẫn còn lo lắng cho tôi. Ngày về thọ tang mẹ, rừng núi phủ trắng sương chiều. Hiểu được nỗi lòng của mẹ, tôi quay lại Trường trung học Phan Châu Trinh, Tam Kỳ. Tiếp tục học cho xong chương trình cuối cấp. Đến tháng 9.1954 trường học đóng cửa, phải ngừng hoạt động. Buổi học cuối cùng năm ấy, thầy trò lưu luyến chia tay hẹn ngày hội ngộ.
Hòa bình lập lại, gia đình tôi quay về cố hương. Nhưng mẹ tôi nằm lại nơi núi rừng cô quạnh mưa gió đìu hiu. Ngày rời xa mộ mẹ lòng tôi đau xót bồi hồi, quá khứ tuổi thơ lại hiện về càng thêm nhớ thêm thương. Nhưng chính những năm tháng đầu đời ấy đã dạy dỗ tôi nên người, biết sống hòa đồng, tự lập.
Nhờ đó mà sau này đã giúp tôi phấn đấu thực hiện được phần nào hoài bão của mẹ năm xưa. Trong một chuyến về nguồn, tôi ghé lại thăm chốn cũ. Tiên Sơn bây giờ khác lạ. Thung lũng Hòa Vinh đêm về điện sáng lập lòe ngọn thấp ngọn cao. Nhưng tình người vẫn nồng ấm thân thương như thuở nào. Màu xanh ngút ngàn vẫn tiếng chim hót râm ran. Mùi thơm của núi rừng vẫn ngan ngát quanh tôi. Về lại nơi đây, đứng trên nền ngôi nhà cũ. Tôi nhớ mẹ, nhớ cha, nhớ anh chị em quây quần bên mâm cơm chiều rau mắm đạm bạc ấm cúng xa xưa…
“Trở về dốc đá tuổi thơ,
Còn đâu bóng mẹ đứng chờ dưới mưa!”
(Ngày về)
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.