Kỳ tích của một người mẹ

10/05/2015 07:00 GMT+7

Trong cuộc đời người phụ nữ ấy, có lẽ cuộc chiến với căn bệnh tự kỷ của con là cuộc chiến cam go, khốc liệt nhất.

Trong cuộc đời người phụ nữ ấy, có lẽ cuộc chiến với căn bệnh tự kỷ của con là cuộc chiến cam go, khốc liệt nhất.
 
Từ trên xuống: Cường đạp xe chở mẹ đi dạo trong xóm, vào bếp nấu ăn, gọt trái cây cho mẹ - Ảnh: Tâm Ngọc
Chị đã phải sống bằng một tinh thần thép của một chiến sĩ khi ra trận. Gian truân, khổ ải không kể đâu cho hết nhưng thành quả mà chị có được ngày hôm nay cũng ngọt ngào, hạnh phúc không gì sánh được.
Quyết không bỏ cuộc
“Con tôi sinh ra lành lặn như bao đứa trẻ khác. Chưa mừng thì đã vội thấp thỏm khi hơn 3 tháng cháu vẫn chưa biết hóng chuyện, 8 tháng chưa thể tự ngồi. Lớn chút nữa, bé chỉ thích ở trong xó tối, thờ ơ với cha mẹ. 3 tuổi, bé vẫn đại, tiểu tiện đều một nơi nhất định như trong xó nhà, góc giường; vẫn không nói được từ nào, chỉ thích đi bằng 10 đầu ngón chân”, chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn (43 tuổi, ở KV.5, P.Trần Quang Diệu, TP.Quy Nhơn, Bình Định), mẹ của em Nguyễn Mạnh Cường (học sinh lớp 6A7, Trường THCS Trần Quang Diệu), mở đầu câu chuyện về “cuộc chiến” của mình.
Thấy con có vẻ bất thường, chị Nhàn có hỏi han mọi người xung quanh thì được nghe là không sao, chắc cháu chỉ chậm nói và cá tính quá thôi. Nhưng đến khi Cường lên 5, mọi thứ vẫn không có thêm tiến triển gì, hai vợ chồng chị dắt con vào TP.HCM để khám bệnh.
Khi nghe bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 kết luận cháu bị tự kỷ rất nặng, khó mà điều trị khỏi, đôi vợ chồng trẻ choáng váng. “Tự kỷ là gì? Lần đầu tiên tôi mới nghe qua. Năm 2003, chúng tôi vào ở hẳn TP.HCM để con được bác sĩ điều trị, còn mẹ theo học các lớp điều trị về bệnh tự kỷ. Chồng tôi, ngày đi làm thuê, tối về trông con cho tôi đi bán vé số. Thuê trọ chỗ nào cũng chỉ được một vài hôm thì bị đuổi vì không ai chịu nổi cảnh con tôi gào khóc, cắn xé. Ban đầu bé bị trầm cảm, sau khi điều trị một thời gian thì chuyển sang tăng động. Bé thường xuyên đập phá, tự cắn xé mình đến tứa máu. Những lúc đó, tôi ôm bé vào lòng, để con cắn mẹ cho đã cơn. Có lúc tôi nghĩ quẩn: “Hay là hai mẹ con cùng chết”. Nhưng khi tỉnh lại, tôi quyết không bỏ cuộc”, chị Nhàn kể lại.
Nhiều đêm ôm con đang gào khóc, đập phá cấu xé trong căn phòng trọ ọp ẹp, chật chội, tôi khóc nghẹn và chán nản vô cùng. Nhưng rồi, nhìn thấy con ngủ say, gương mặt đáng yêu ấy chìm trong những giấc mơ nào đó thật hiền lành, tôi lại thấy mình có động lực và như được tiếp thêm sức chiến đấu
Chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn
Còn mẹ thì còn con
Thời gian đầu khi mới phát hiện bệnh của Cường, chị Nhàn bị mọi người gièm pha và cho rằng cậu bé bị khùng và cả nhà Cường cũng có vấn đề vì dám bán hết mọi tài sản ít ỏi trong tay để lo cho một đứa con như thế... Nghe vậy, người mẹ trẻ ấy lại nhẹ nhàng giải thích rằng cháu bị chứng tự kỷ, có thể chữa khỏi. Kiên nhẫn với con. Kiên nhẫn với mình và với những thành kiến bao vây gia đình nhỏ bé của chị. Chị Nhàn tâm sự: “Với tôi, con là cuộc sống, còn mẹ thì còn con. Tôi không thể mất con. Tôi không thể để mất đi niềm tin là con sẽ khỏi bệnh, sẽ trở lại cuộc sống đời thường”.
Bằng niềm tin mãnh liệt đó, cuộc chiến với căn bệnh tự kỷ của con lại được ba mẹ tiếp tục. Anh chị lại đưa con rong ruổi khắp đường phố Sài Gòn bán vé số kiếm sống qua ngày và trang trải tiền chữa bệnh cho con. Trời không phụ lòng người, ba năm sau, Cường đỡ bệnh, vợ chồng chị Nhàn đưa con về Quy Nhơn, vừa học hỏi kinh nghiệm của các thầy cô ở Khoa Tâm lý, Trường ĐH Quy Nhơn vừa xin cho bé học ở Trung tâm bảo trợ xã hội Đồng Tâm. Chị Nhàn nhớ lại quãng thời gian cùng con học chữ: “Hàng tháng trời tôi phải ngồi học cùng con, giúp con tập trung và viết chữ, làm toán. Để có thể toàn tâm toàn ý lo cho con, vợ chồng tôi quyết định không sinh nữa. Tôi ở nhà, còn chồng phải sang Lào làm việc mới có được mức lương gần 4 triệu đồng/tháng, đủ lo cho cả gia đình”.
Cuộc sống nhiệm màu
Gặp Cường bây giờ, khó mà nhận ra đó từng là một cậu bé bị tự kỷ rất nặng mà bác sĩ phải bó tay. 16 tuổi, Cường cao 1m7, nặng 61 kg, gương mặt ưa nhìn và lanh lợi, hay cười. Sau khi học hết cấp 1 ở Trường tiểu học Ngô Quyền, Cường được học tiếp lớp 6 ở Trường THCS Trần Quang Diệu như các bạn bình thường khác. Cô Hà Nguyễn Thy Thy, cô giáo chủ nhiệm của Cường, nhận xét: “Cường là một học sinh ngoan, hòa nhập nhanh với các bạn và rất tình cảm. Hiện Cường vẫn chưa theo kịp chương trình như các bạn trong lớp nhưng em ấy là một học sinh có cố gắng, trên lớp vẫn lắng nghe thầy cô giảng và chép bài đều đặn”.
Với ba, nhất là mẹ Cường, thì con trai được như ngày hôm nay quả là một kỳ tích. Những ngày mà chị thức trắng đêm liên tiếp chỉ để nhích từng centimet lại gần con trong căn phòng tối. Những buổi chiều của hơn 6 tháng ròng, hai vợ chồng đạp xe 12 km để đưa con làm quen với biển vì Cường sợ nhất là nước biển. Ròng rã hơn 10 năm, chị bị buộc phải trở thành một chiến binh anh dũng để đưa con trở lại đời thường như bao người. Đời thường đó lại là thiên đường của mẹ và con.
Khi nghe hỏi, một cuộc chiến dai dẳng, cực nhọc như thế, có lúc nào chị thấy nản không, chị Nhàn gật đầu. “Có chứ! Nhiều đêm ôm con đang gào khóc, đập phá cấu xé trong căn phòng trọ ọp ẹp, chật chội, tôi khóc nghẹn và chán nản vô cùng. Nhưng rồi, nhìn thấy con ngủ say, gương mặt đáng yêu ấy chìm trong những giấc mơ nào đó thật hiền lành, tôi lại thấy mình có động lực và như được tiếp thêm sức chiến đấu. Cứ thế, mẹ con tôi đi đến ngày hôm nay. Vậy nên, những cha mẹ có con bị tự kỷ đừng bỏ cuộc”, chị Nhàn chia sẻ. Sau thành công với Cường, chị Nhàn trở thành địa chỉ tin cậy cho các bà mẹ có con tự kỷ khác. Bằng kinh nghiệm xương máu của mình, chị đã chữa được cho nhiều trẻ tự kỷ tại địa phương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.