Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ diễn ra từ 7 - 8.7

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
19/04/2022 06:00 GMT+7

Do diễn biến và cách thức phòng, chống dịch bệnh đã thay đổi nên dự kiến sẽ chỉ có 1 đợt thi THPT, thí sinh là F0 sẽ được đặc cách tốt nghiệp.

Các địa phương thống nhất với lịch thi

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết Cục Quản lý chất lượng đang xin ý kiến của các sở GD-ĐT về dự thảo hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT. Dự kiến ngày 19.4 Bộ sẽ tập hợp đầy đủ các ý kiến góp ý và ban hành công văn hướng dẫn ngay sau đó. Trong dự thảo gửi các địa phương, lịch thi tốt nghiệp THPT năm nay là ngày 7 - 8.7. “Hiện ý kiến của các sở GD-ĐT đều thống nhất với dự thảo của Bộ”, ông Độ cho biết.

Trước đó, đầu năm 2022, Bộ đã có văn bản gửi các sở về dạy học ứng phó với tình hình dịch bệnh, yêu cầu riêng với khối lớp 12 việc điều chỉnh kế hoạch năm học sao cho hoàn thành trước 30.6 để kịp với lịch thi tốt nghiệp THPT. Xung quanh nội dung này, báo cáo của các địa phương và thực tế khi đi kiểm tra ở các trường THPT thì đến thời điểm này không gặp khó khăn về việc hoàn thành chương trình năm học, kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn có thể tổ chức như lịch dự kiến của Bộ.

Học sinh lớp 12 năm nay dự kiến tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT vào ngày 7-8.7

ĐÀO NGỌC THẠCH

Nên tổ chức một đợt thi cho cả thí sinh f0 ?

Hai năm gần đây, do dịch bệnh Covid-19, Bộ đều phải tổ chức 2 đợt thi tốt nghiệp THPT trong 1 năm, trong đó đợt thi thứ 2 dành cho thí sinh (TS) không thể tham dự kỳ thi đợt 1 do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, gồm TS ở những nơi bị phong tỏa, hoặc thực hiện cách ly xã hội và các TS là F0, F1, F2 theo phân loại của ngành y tế.

Theo Bộ, căn cứ thực tế diễn biến dịch Covid-19, trên cơ sở đề nghị của chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, Bộ sẽ xem xét để có thể tổ chức đợt thi bổ sung cho các TS không thể tham dự kỳ thi vào thời gian nói trên (7 và 8.7) do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Tuy nhiên, với tình hình phòng, chống dịch bệnh hiện nay, ý kiến của các cơ sở giáo dục là không nên tổ chức 2 đợt thi. Theo văn bản mới nhất của Bộ Y tế thì F1 không có triệu chứng cũng không phải cách ly y tế như trước, nước ta cũng không còn áp dụng phong tỏa, cách ly xã hội để phòng, chống dịch, không truy vết đến F2 nữa nên TS là F1 không có triệu chứng vẫn đi thi và đảm bảo 5K là phù hợp.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết: “TS là F0 được coi là bệnh nhân và sẽ được xét đặc cách tốt nghiệp THPT theo quy chế thi”. Ghi nhận của PV Thanh Niên cho thấy nhiều ý kiến đề nghị Bộ tạo cơ hội cho TS là F0 nếu có nhu cầu vẫn được dự thi để dùng kết quả xét tuyển vào ĐH mà mình mong muốn.

Bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội), cho rằng việc tổ chức 2 đợt thi trong bối cảnh này là không cần thiết vì tình hình dịch bệnh hiện nay đã khác rất nhiều so với 2 năm qua. Thực tế học sinh (HS) là F1 nếu sức khỏe tốt thì vẫn đi học bình thường nên các em dự thi cùng đợt là đương nhiên. “Số HS là F0 hiện nay ở mỗi trường cũng chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, nếu chỉ tính riêng từng khối lại càng ít hơn, ví dụ hiện nay toàn khối 12 của trường tôi chỉ còn 2 em và triệu chứng rất nhẹ”, bà Quỳnh thông tin.

Bà Quỳnh cho rằng việc đặc cách cho TS diện F0 là rất nhân văn nhưng Bộ nên có hướng dẫn mở để đáp ứng tối đa nguyện vọng của TS. Cụ thể, nếu TS nào trong thời gian dự thi trở thành F0 thì có thể sử dụng quyền đặc cách để xét tốt nghiệp THPT. Mặt khác, TS là F0 nếu có đủ sức khỏe, có nguyện vọng dự thi để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH thì nên tạo điều kiện để các em được dự thi ở phòng thi hoặc khu vực dự thi riêng tại mỗi điểm thi. “Đây là mong muốn thực tế của TS và hiện nay đa số các trường hợp F0 đều ở mức độ nhẹ, nếu các em có nguyện vọng thì nên được đáp ứng”, bà Quỳnh đề nghị.

Đồng quan điểm, ông Bạch Đăng Khoa, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Giang, cho rằng bên cạnh quy định cho phép đặc cách tốt nghiệp THPT với TS là F0 trong thời gian diễn ra kỳ thi thì cũng nên tạo điều kiện cho các em dự thi trên cơ sở tự nguyện.

Ông Khoa cho biết trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT tới đây, Sở GD-ĐT Bắc Giang cũng đã hướng dẫn cho TS F0 thi cùng đợt thay vì tổ chức 2 đợt như năm trước. Ông Khoa nêu cách làm: TS F0 sẽ bố trí thi cùng đợt nhưng ở khu vực riêng, các điểm thi lên phương án chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất để tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT, bố trí 2 khu vực thi cụ thể. Khu vực thi số 1 dành cho TS bình thường, có số phòng thi theo danh sách TS trong phòng thi của hội đồng coi thi, TS đi vào khu vực thi số 1 theo cổng chính. Khu vực thi số 2 dành cho TS F0 thì riêng biệt với khu vực thi số 1, phân luồng TS đi vào khu vực thi số 2 theo cổng phụ. Ngoài ra, các trường gửi tới TS dự thi thông tin để mỗi TS phải xác định rõ đường đi từ nhà đến phòng thi, từ phòng thi về nhà theo mô hình phòng, chống dịch “một cung đường, hai địa điểm”.

“Với số lượng F0 giảm mạnh và ít triệu chứng như hiện nay thì kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng hoàn toàn có thể tổ chức như vậy để đáp ứng tối đa nhu cầu của TS”, ông Khoa đề nghị.

Ý kiến

Đề thi cần phù hợp để tuyển sinh ĐH

Kỳ thi tốt nghiệp THPT dự kiến tổ chức vào ngày 7 - 8.7, tôi cho rằng như vậy là hợp lý. Nếu đến ngày 31.5 HS lớp 12 hoàn thành chương trình thì các em có 1 tháng để ôn tập, hệ thống kiến thức. 1 tháng là phù hợp để giáo viên tập trung hệ thống các chuyên đề kiến thức, hướng dẫn kỹ năng làm bài, chứ nếu kéo dài cũng dễ khiến HS mệt mỏi, mất thời điểm vàng về kiến thức.

Vấn đề còn lại lúc này mà giáo viên, HS quan tâm là nội dung đề thi. Đề thi làm sao khiến phụ huynh an tâm, HS không bị thiệt thòi. Đề thi cũng không nên cho dễ, điểm cao mà phải làm sao phù hợp để TS có thể tham gia xét tuyển nhiều hình thức, nhiều loại hình trường.

Huỳnh Thanh Phú
(Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, Q.10, TP.HCM)

Thời gian tổ chức thi tốt nghiệp hợp lý

Thời gian dự kiến tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 là hợp lý. Phần lớn các trường đã hoàn thành chương trình giảng dạy cho HS lớp 12 vào giữa tháng 5. Căn cứ đề tham khảo minh họa của Bộ GD-ĐT thì mức độ yêu cầu không cao hơn so với năm trước nên các trường cũng yên tâm định hướng và xây dựng kế hoạch ôn tập, từ đó giúp HS chuẩn bị cho kỳ thi một cách tốt nhất.

Phạm Phương Bình
(Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP.Thủ Đức, TP.HCM)

Đầu tháng 7 là “điểm rơi phong độ”

Thời gian còn lại từ cuối tháng 5 đến hết tháng 6, giáo viên sẽ tập trung vào ôn tập để HS tham gia kỳ thi tốt nghiệp vào tuần đầu tiên của tháng 7 là hợp lý. Đây có thể coi là “điểm rơi phong độ”, còn nếu kéo dài nữa thì không nên.

Lê Văn Phước

(Hiệu trưởng Trường THPT Ernst Thalmann Q.1, TP.HCM)

Bích Thanh(ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.