Kỳ thi THPT quốc gia: Làm giám thị, cực mà... vui!

27/06/2019 10:38 GMT+7

Nếu có ai hỏi cảm nghĩ của giám thị coi thi như thế nào, thì rất dễ gặp câu trả lời này: Cực lắm, nhưng mà… vui!

Làm giám thị coi thi đúng là rất cực, vì bao giờ cũng phải đến điểm thi sớm và về rất muộn. Trách nhiệm nặng nề. Nội quy coi thi nặng chình chịch như “vòng kim cô”. Giám thị chỉ được phép làm đúng, không được làm sai. Làm đúng là nghĩa vụ, không khen không thưởng; làm sai, sẽ bị kỷ luật! Có thắc mắc thì hỏi để làm theo đúng quy trình, tuyệt đối không được “sáng tạo” để làm lấy nhanh.

Thấy thí sinh cắn bút vì đề khó, “ngứa ngáy” vì “bệnh nghề nghiệp” nhưng buộc phải… kiềm chế. Mắt thấy bài thí sinh làm sai mà buộc làm ngơ như không thấy. Không đứng gần, không chăm chăm nhìn thí sinh. Không gật, không lắc đầu như biểu hiện tán đồng, phật ý. Không cười ra tiếng. Đi nhẹ, nói khẽ. Kiềm chế mọi cảm xúc. Phát xong đề là lẳng lặng như người máy để theo đúng khuyến cáo của đề: “Giám thị không được giải thích gì thêm”. Đang ký giấy thi mà nghĩ về… thời tiết là nhầm từ ô giám thị sang ô giám khảo như chơi. Thời gian 120 phút (trước đây có môn thi 150, 180 phút) mà dài như cả thế kỷ. Ngồi nghĩ trăm thứ trên đời nhưng không dám lơ là, vì chỉ cần quay lưng là thí sinh có thể liếc bài, quay cóp...
Làm giám thị cực lắm, nhưng mà vui. Vui vì lâu lâu mới được làm “cán bộ” (coi thi) nên ra vẻ oai lắm, thí sinh nào cũng nhìn với vẻ lấm lét, kiêng nể. Vậy nên trước đây mới có mấy câu thơ vui: “Giám thị nhìn em giám thị cười/Em nhìn giám thị lệ em rơi!”. Coi thi là dịp để giáo viên các trường phổ thông giao lưu, là cơ hội để giáo viên phổ thông và giảng viên đại học kết bạn. Nhớ kỳ thi năm ngoái, có giám thị một trường đại học đã chở đến hội đồng một bao sách do chính thầy này viết để tặng cho các thầy cô.
Dạy học mà không làm công việc coi thi và chấm thi thì… chưa phải giáo viên. Có đi coi thi, chấm thi căng thẳng mới cảm nhận được hết ý vị của kỳ nghỉ hè. Hơn nữa, đi theo các thí sinh trong mùa thi, lo cùng cái lo của các em, vui buồn cùng cái vui buồn của các em là thiên chức, trách nhiệm của người dạy học. Nặng nề thật đấy nhưng rất hạnh phúc. Vì được cùng chung sức đem đến sự công bằng cho thí sinh, được trực tiếp chứng kiến thành quả giáo dục của mình, được thấy các em thật sự trưởng thành… Đó là một niềm vui lớn!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.