Ký sự Tây Bắc ‘Đi cùng Long’ - Hành trình kết nối những yêu thương

17/11/2023 10:30 GMT+7

'Đi cùng Long' (NXB Đà Nẵng, 2023) là tập ký sự của nhà báo Đoàn Hạo Lương viết trong những cuộc hành trình lên vùng cao Tây Bắc. Đó cũng là hành trình bỏ phố lên rừng của một chàng trai trẻ và những chuyến đi trải nghiệm, khám phá vùng cao Tây Bắc của Đoàn Hạo Lương.

Tập sách dày gần 350 trang, gồm 3 chương, trong đó có 45 ký sự và những chùm ảnh phóng sự theo chủ đề. Đọc tập ký sự Đi cùng Long, bạn không chỉ được biết thêm về con người, bản sắc văn hóa và cảnh đẹp Tây Bắc, mà còn được nghe kể những câu chuyện về chàng trai Võ Văn Phi Long, "một Tarzan" bỏ phố lên rừng cắm bản. Giữa muôn vàn lý do cho câu chuyện bỏ phố lên rừng về quê lập nghiệp của giới trẻ hiện nay… thì Long lại không nằm trong đa số đó bởi Long muốn làm một điều gì có ý nghĩa cho xã hội khi mình còn trẻ. Long đã chọn xã Ma Quai, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu để thực hiện tâm huyết của mình, giúp đỡ bà con người Mông tiếp cận cách làm kinh tế để thoát nghèo bằng các mô hình trồng đào, mận, lê hiệu quả hướng dẫn bà con cách chăn nuôi dê lấy thịt để các em có việc làm… Long còn ấp ủ thành lập một kênh YouTube có tên là Gánh TV với mong muốn chung tay "Gánh thay âu lo, trao cho điều ước" cùng bà con vùng cao.

Ký sự Tây Bắc ‘Đi cùng Long’ - Hành trình kết nối những yêu thương  - Ảnh 1.

Bìa cuốn sách Đi cùng Long (NXB Đà Nẵng, 2023) của tác giả - nhà báo Đoàn Hạo Lương

V.N.G

Trong chuyến đi cùng Long vào tháng 10.2022, lần đầu tiên Lương đã đứng ra thực hiện thành công chuyến thiện nguyện từ Đà Nẵng lên Sìn Hồ. Tiếp nối những hành trình ý nghĩa này, Lương đầu tư công sức viết quyển ký sự Tây Bắc Đi cùng Long để gây quỹ từ thiện cho trẻ em vùng cao.

Lương chia sẻ: So với các em ở thành phố luôn có cuộc sống sung túc, đủ đầy thì trẻ em vùng cao còn gặp nhiều khó khăn, vất vả. Nhiều em còn thiếu ăn, thiếu mặc và phải nghỉ học nửa chừng. Dù trong hoàn cảnh khó khăn nào, các em cũng vẫn rất ngoan, luôn là những cậu bé, cô bé trong sáng và hồn nhiên. Đó là lý do Lương đã chọn các em làm đối tượng ưu tiên để giúp đỡ trong những chương trình thiện nguyện. Sau những cuộc hành trình lên Tây Bắc, Lương đã có ý tưởng xuất bản một quyển sách gồm những ký sự đã viết trong chuyến đi. Quyển sách này như một dự án nhỏ gây quỹ để nối dài những hành trình thiện nguyện khi trích một phần kinh phí từ việc bán sách.

Trong Chương I: Lên rừng cắm bản, có 4 ký sự và chùm ảnh phóng sự Cuộc sống của Phi Long ở bản Căn Tý 2. Trong ký sự Cuộc hẹn bất ngờ, một cuộc gặp gỡ được xem là nhân duyên giữa Lương và Long, bạn đọc sẽ nhìn thấy một chàng trai đầy hoài bão và tâm huyết khi bỏ phố lên rừng, một chàng trai muốn là người đi gieo hạt hơn là người hưởng thụ thành quả cho riêng mình. Và khi đã quyết định làm việc gì thì không ai có thể ngăn cản được.

Trước thời điểm này, vào tháng 7.2018 Long từng tham gia một số dự án thiện nguyện như Công trình nước sạch, khám và phát thuốc miễn phí, hỗ trợ người dân gặp khó khăn do thiên tai và hỗ trợ học đường. Từ đây đã cho Long thêm nghị lực, sự quyết đoán và là một chàng trai nhanh nhạy, tháo vát, nhìn cuộc sống xung quanh bằng góc nhìn đa chiều và quý trọng giá trị của cuộc sống… Từ một chàng trai trẻ sống ở phố với đầy đủ tiện nghi vật chất… thì nay Long chọn sống đơn độc giữa rừng thiếu thốn mọi bề để có cơ hội thực hiện tâm huyết của mình.

Trong chương II: Tây Bắc vào xuân, ngoài 22 ký sự, bạn đọc sẽ được thưởng ngoạn những chùm ảnh phóng sự in màu tuyệt đẹp về vùng cao Tây Bắc vào mùa xuân: Rực rỡ sắc xuân; Chợ phiên San Thàng; Độc đáo kiến trúc nhà trình tường; Đặc sắc phong tục tập quán.

Lương từng chia sẻ rằng: Từ khi còn sinh viên ngoại ngữ cho đến lúc ra trường và đi làm, một trong những câu hỏi mà anh hay hỏi người nước ngoài nhiều nhất, đó là "Bạn đã đến Việt Nam bao lâu và nơi nào bạn yêu thích nhất?". Hầu hết du khách nước ngoài đều trả lời là "Tây Bắc". Sau này lên Tây Bắc, anh mới hiểu tại sao người nước ngoài lại thích Tây Bắc đến vậy. Một Tây Bắc xinh đẹp như nàng tiên kiều diễm, quyến rũ khi khoác lên mình sắc hoa thơm ngát của núi rừng hoang sơ, hùng vĩ. Những ngày sống ở đây có lẽ là những ngày đẹp đẽ và hạnh phúc nhất trong cuộc đời anh. Và khi trở về, anh như bị thôi miên, lúc nào cũng nghĩ mình sẽ trở lại nơi đó và sống những ngày tháng còn lại. Anh thường nói vui, đó là "hội chứng Tây Bắc", vì vẻ đẹp nơi đây khiến ai đã một lần đặt chân đến đều ngỡ ngàng thích thú và không muốn quay về.

Lương viết Đi cùng Long cũng là một cách để ghi lại một phần ký ức đẹp đẽ, không chỉ cho riêng mình mà cho cả Long và những người bạn đã gặp nhau trong cuộc hành hành trình này, và cho những ai yêu Tây Bắc, một vùng đất nằm ở địa đầu tổ quốc đẹp như một bức tranh kỳ vĩ, khoáng đạt và giàu bản sắc văn hóa.

Ngoài những nét đẹp ta bắt gặp trong quyển sách này như mùa hoa cải, trang phục phụ nữ vùng cao, đám cưới người Mông, kiến trúc nhà trình tường, Tả Lèng mùa nước đổ, sắc màu văn hóa ở chợ phiên San Thàng… được ghi lại trong từng ký sự, thì một ký sự tưởng như chẳng liên quan gì, lại khiến người đọc phải dừng lại lâu hơn một chút vì yêu thương và tiếc nuối: Ký sự Thương lắm, Gấu ơi!

Trong ký sự này xuất hiện một chú chó tên Gấu. Trong một lần Lương cùng Long đến bản Pa Chi Ô để thưởng ngoạn, nơi Long từng tham gia làm dự án thiện nguyện, nhân tiện ghé thăm người quen và xin mang một chú cún về nuôi. Trong đàn chó nhỏ, Long đã chọn một chú cún lông xù màu trắng, gương mặt tinh nghịch và dễ thương như một chú gấu trúc. Gấu được Lương và Long đưa về từ bản Pa Chi Ô để chăm sóc. Lương kể, có lần Long tâm sự: Vài bữa anh sẽ về xuôi, chỉ có Gấu ở đây làm bạn với em giữa chốn rừng không mông quạnh này. Nhưng rồi Gấu mất tích trong một lần Long xuống Hà Nội công tác, một ngày xảy ra nhiều chuyện ngổn ngang không lường trước được. Gấu mất đi trong sự yêu thương và tiếc nuối của hai người bạn trẻ. 

Với ký sự Nơi trái tim thuộc về, người đọc sẽ chùng lại khi nhìn thấy Long, một chàng trai vốn là người thành phố, nhưng những ngày trở về phố, chàng trai đó như người lạc lõng, đi đâu cũng nhớ bản… Từ một người vốn thích cuộc sống tự do bay nhảy giữa núi rừng… thì nay bỗng như con chim bị giam lỏng trong nhà giữa phố phường chật chội…

Trong chương III: Mùa lúa chín - Mùa yêu thương, ngoài 19 ký sự như Tiếp thêm nghị lực cho trẻ em vùng cao, Chuyến đi "bão táp", Cùng ăn cùng ở với đồng bào Mông, Lai Châu sương ủ ở đồi chè, Ngỡ ngàng ruộng bậc thang Mù Cang Chải…, bạn đọc còn được ngắm vẻ đẹp của những người phụ nữ, những đứa trẻ hồn nhiên ở vùng cao, cũng như vẻ đẹp của những cánh đồng lúa chín, của núi rừng, được ghi lại dưới góc máy của tác giả qua 5 chùm ảnh phóng sự: Vẻ đẹp phụ nữ vùng cao; Hồn nhiên trẻ em Tây Bắc; Nối dài những hành trình thiện nguyện; Ngỡ ngàng mùa lúa chín; Khám phá vẻ đẹp núi rừng Tây Bắc.

Trong ký sự Tiếp thêm nghị lực cho trẻ em vùng cao, bạn đọc sẽ bắt gặp hình ảnh các em nhỏ ngồi tụm năm tụm bảy ngoài lề đường chơi ô ăn quan, hoặc đi hái quả dại ven rừng về chia nhau ăn. Một số em lại thích ngồi trầm ngâm trên những mỏm đá cao trên sườn đồi nhìn xuống thung lũng như những ông cụ non, trông rất cô đơn và buồn tẻ… Những em bé mặt mũi lem luốc ở trần hoặc mặc nhũng chiếc áo mỏng, đi chân đất giữa mùa đông giá lạnh như cắt da cắt thịt… Những hình ảnh này đã ám ảnh Lương, khiến anh luôn tự nhủ mình phải làm một điều gì đó có ý nghĩa cho các em khi trở lại.

Trong ký sự Chuyến đi "bão táp", Lương bị lật xe ô tô tải trên đường chở đồ thiện nguyện lên bản. Nhưng nhìn ánh mắt, nụ cười của các em Lương cảm thấy hạnh phúc trở lại. Cũng như trong ký sự Mùa yêu thương, Lương tâm sự: Niềm vui lớn nhất của chúng tôi là tất cả áo quần mới và cũ được người dân lấy hết về dùng. nhìn gương mặt các em nhỏ hồ hởi, vui sướng ôm những bộ quần áo trên tay, chúng tôi mới cảm nhận được ý nghĩa của công việc thiện nguyện…

Long là một người truyền cảm hứng khi bỏ phố lên rừng để thực hiện những dự định tốt đẹp cho đồng bào vùng cao. Cũng chính từ đây Lương đã viết cuốn sách này nhằm truyền đi một thông điệp tích cực của hai người bạn trẻ.

Kết thúc cũng là lúc bắt đầu, ký sự cuối cùng của chương này, Lương viết: Chúng tôi dừng chân ở hành trình này không có nghĩa là kết thúc. Bởi bản thân Long đã là một nguồn năng lượng tích cực và nhân duyên giữa chúng tôi vẫn còn tiếp tục với những chuyến đi mới mang lại những điều ý nghĩa cho bản thân và cuộc đời…

"Chúng ta tồn tại nhờ những gì ta nhận, nhưng chúng ta sống nhờ những gì cho đi" (Winston Churchill), đọc Đi cùng Long, người đọc cũng muốn cảm ơn những chàng trai đã mang trong mình một tâm huyết, một hoài bão yêu thương để cho đi. Vùng đất hoang sơ Tây Bắc đã lưu lại một phần ký ức đẹp đẽ trong cuộc đời của Long và Lương, cũng như những người dân trên vùng cao ấy sẽ luôn nhớ về họ bằng một tấm lòng…



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.