Ký sự pháp đình: Ngày mai của Châu Sum

17/09/2017 09:22 GMT+7

Khi nghe thẩm phán công bố quyết định đình chỉ vụ án vào ngày 11.9, những người thân và cả luật sư đều thở phào, riêng bị cáo Châu Sum vẫn ngồi thẫn thờ, đôi mắt nhìn ra xa như vô hồn...

Châu Sum (31 tuổi) bị truy tố tội chống người thi hành công vụ. Theo hồ sơ vụ án, khoảng 8 giờ tối 30.3.2015, Sum đến một công ty giày ở xã Tân Kiên (H.Bình Chánh, TP.HCM) tìm em trai đang làm công nhân để xin tiền về quê. Bảo vệ không cho Sum vào vì công nhân đang tăng ca. Do trước công ty có bảng ghi tiếng nước ngoài, lại từng nghe kể có nhà đầu tư người Trung Quốc hay chèn ép công nhân VN, Châu Sum cho rằng em mình cũng đang bị chèn ép. Vậy là Sum qua khu lưu trú của công nhân (đối diện công ty), vào phòng của em mình lấy một cây kéo và một con dao đem ra mài; chuẩn bị thêm một chai nhựa đựng tương ớt pha nước, với mục đích đi tìm giám đốc công ty để “hỏi tội” về việc bắt công nhân tăng ca.
Thấy Sum quay lại, bảo vệ công ty liền báo công an. Lực lượng chức năng tới và xảy ra xô xát, Sum bị khống chế, bắt giữ.
Sau khi làm việc với Công an Bình Chánh, Sum đón xe về quê lang bạt chăn trâu bò thuê mà không hay biết có giấy triệu tập của cơ quan điều tra nên bị truy nã. Sum bị bắt tạm giam ngày 2.8.2016, hơn 2 tháng sau được cho tại ngoại.
Đứa con khờ khạo
Nhà Sum nghèo, đến mức miếng ăn còn không đủ no. Mẹ mất sớm khi hai anh em Sum còn nhỏ. Không vốn liếng, đất đai, cha Sum, ông Châu Se (47 tuổi, ngụ An Cư, Tịnh Biên, An Giang) đưa các con lang bạt theo đàn vịt trên những cánh đồng vùng biên giới tỉnh An Giang với Campuchia.
Nhưng rồi ông trời chẳng thương người nghèo, đàn vịt gặp phải đại dịch chết không còn một con. Vậy là trắng tay! Khi anh em Châu Sum đủ lớn thì ba cha con cùng làm “thợ đụng”, từ chăn bò, phụ hồ đến cắt lúa mướn, ai kêu gì làm nấy, miễn có tiền cơm cháo nuôi nhau… Cuộc sống cơ cực khiến người cha chưa đầy 50 tuổi nhưng hom hem như ông cụ 70.
Theo cha lang thang khắp vùng biên giới chăn trâu mướn nên anh em Sum không được học hành nhiều. Thấy Sum khờ khạo, chủ trâu chỉ cho ăn cơm, không trả tiền công. Những lúc như vậy, Sum chẳng nói chẳng rằng, lẳng lặng bỏ về nhà rồi tìm chủ trâu khác.
Năm 2014, khi thấy em lên Sài Gòn tìm được việc làm, hằng tháng gửi tiền về phụ cha thì Sum cũng xin theo tìm việc. Mặc dù làm ở một tiệm cắt kính 8 tháng và chỉ được trả tất thảy 3 triệu đồng nhưng Sum rất vui và gửi hết về cho cha. Sau đó, do chủ không trả tiền công, Sum xin nghỉ, đi tìm việc khác. Những đồng tiền dành dụm ít ỏi tiêu hết mà việc mới không có, Sum tính chuyện về quê làm lụng cùng cha nên tìm đến chỗ em xin tiền xe và xảy ra cớ sự.
Tình người chốn công đường
Con vướng vòng lao lý, ông Châu Se phải bỏ cả việc mưu sinh tất tả theo con hầu tòa. Nhưng bản tính ít nói, chất phác, ngại giao tiếp, nên mỗi lần lên TP.HCM ông đều phải nhờ người thân hoặc hàng xóm đi cùng, để có gì còn nói hộ một câu. Lần đầu lên TP.HCM, cha con ông cùng người thân bắt xe đò ở Tịnh Biên (An Giang) từ 22 giờ đêm hôm trước, đến Bến xe Miền Tây lúc tờ mờ sáng hôm sau, rồi dắt díu nhau đi bộ hơn 7 km tới TAND H.Bình Chánh, lặng lẽ ngồi ở góc sân tòa chờ.
Luật sư Huỳnh Khắc Thuận, người bào chữa theo chỉ định cho Châu Sum, cho biết khi tiếp xúc trực tiếp, ông thấy bị cáo chậm chạp, giống người chậm phát triển não, nên đề nghị cho giám định tâm thần. Đề nghị này được tòa chấp thuận. Giám định đưa đến kết luận Sum gây án do suy luận bệnh lý chi phối, mất năng lực nhận thức và điều khiển hành vi.
Ngày 23.8, trong lúc chờ phiên tòa xử, chúng tôi cố gắng tiếp xúc với Sum nhưng chỉ nhận được những câu trả lời nhát gừng một, hai từ, hoặc là sự im lặng với ánh mắt vô cảm. Một đồng nghiệp đưa ổ bánh mì ngọt, Sum háo hức nhận lấy không nói không rằng ngấu nghiến ăn. Đến khi tòa hoãn xử do vắng kiểm sát viên, Sum quay qua hỏi người mợ: “Xong chưa, về được chưa?”.
Nghe con hỏi, ông Châu Se thở dài. Mỗi lần lên thành phố, ông và người thân phải đi xin tiền của nhiều người làng xóm, người cho một chục, người cho hai chục ngàn mới đủ tiền xe đò. Lần này, tiền xin được chỉ đủ lượt xe đi, giờ chẳng biết tiền đâu để trở về. Nghe tâm sự của ông Se, luật sư Huỳnh Khắc Thuận cùng vài người khác quyên góp tiền cho cha con ông. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa cũng móc tiền túi dúi vào tay người cha tội nghiệp. Tất cả được 3,1 triệu đồng, vừa để cho chuyến về, vừa chuẩn bị đi “hầu tòa” lần sau.
Chứng kiến cảnh những gương mặt thường nghiêm nghị nơi công đường, nay cầm tiền đưa tận tay người nhà bị cáo ân cần như đưa người thân, mới thấy tình người nơi đâu cũng luôn ấm áp lạ. Nhưng rồi chúng tôi cũng không khỏi chạnh lòng, khi nhìn cha con Sum lui cui dắt díu nhau khỏi tòa. Mai này, người cha khốn khổ kia sức tàn lực kiệt, không biết cuộc sống của đứa con khờ khạo sẽ ra sao…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.