Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng - Kỳ 1: Bước chân vào nghề

21/02/2004 08:06 GMT+7

Trong những nhà tình báo siêu hạng của chúng ta, có 2 điệp viên vừa được phong quân hàm cấp tướng vừa được phong danh hiệu anh hùng. Đó là Phạm Xuân Ẩn và ông.

Tên của vị lão tướng này cho đến nay vẫn chưa hề xuất hiện trên sách báo. Cuộc đời ông là một chuỗi dài những chuyện hào hùng gay cấn xuyên suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới của Tổ quốc, trong đó có hơn 20 năm hoạt động đơn độc giữa Sài Gòn. Bằng lòng yêu nước vô bờ bến và tài năng bẩm sinh, ông đã thực hiện nhiều điệp vụ siêu hạng, trong đó có việc cứu ông hoàng Norodom Shihanouk và cứu ông Nguyễn Văn Linh (sau này là Tổng bí thư Đảng). Ông là ai vậy? Đồng đội gọi ông là Ba Quốc, còn trong giấy tờ, ông là Đặng Trần Đức, Thiếu tướng Anh hùng quân đội nhân dân Việt Nam... Năm nay đã 83 tuổi, ông vẫn chưa được nghỉ hưu. Và khi chúng tôi khởi đăng loạt ký sự này thì ông đang nằm bệnh viện vì một căn bệnh hết sức hiểm nghèo...

GỬI ANH GIAO Ký sự nhân vật: Ông Tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng - Kỳ 1: Bước chân vào nghề - Ảnh 1.

Ảnh chụp bài báo đăng trên Thanh Niên ngày 21.2.2004

Hai năm trước, khi thu thập thông tin để viết thiên ký sự về tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn, chúng tôi có dịp "thâm nhập" vào các mạng lưới tình báo và được gặp nhiều điệp viên siêu hạng. Chúng tôi bị cuốn hút bởi các chiến công và những câu chuyện ly kỳ của họ, đã đành là như vậy rồi. Nhưng càng thâm nhập sâu, càng hiểu nhiều hơn về họ, chúng tôi càng bị một sức cuốn hút khác, mạnh mẽ hơn. Đó là những nhân cách lớn được tạo ra từ lòng yêu nước và tâm hồn trong trẻo của họ. Ai trong số họ cũng có một cuộc đời đầy sóng gió nhưng tất cả đều sống thầm lặng. Họ không hiếu danh. Đức tính đó cuốn hút chúng tôi, nhưng cũng gây cho chúng tôi không ít khó khăn, bởi họ không muốn nói về mình.

Lần đầu tiên chúng tôi biết về ông Ba Quốc là từ câu chuyện với ông Mười Nho, một cán bộ chỉ huy tình báo lão thành. Trong những lần nói chuyện với chúng tôi về Phạm Xuân Ẩn, ông Muời Nho có kể chuyện về ông Ba Quốc và "hứa" sẽ giới thiệu chúng tôi gặp ông nguời mà ông Mười Nho cho là cũng rất "lừng lẫy". Nhưng đến lần gặp sau thì ông Mười Nho lắc đầu, ông nói ông đã "cố gắng hết sức" để thuyết phục, nhưng ông Ba Quốc không đồng ý để ai viết về mình. Chúng tôi đem câu chuyện này nói với một sĩ quan tình báo quân đội, nguời hay lui tới chỗ ông. Anh này cũng lắc đầu: "Khó lắm. Ông ấy sống âm thầm, vĩnh viễn không muốn ai biết chuyện của ông ấy". Cuối cùng, chúng tôi phải nhờ đến người chỉ huy cao nhất của cơ quan tình báo quốc phòng. Đó là một vị tướng trẻ, từng làm trợ lý cho ông Ba Quốc. Vị tuớng trực tiếp dẫn chúng tôi đến giới thiệu với ông Ba Quốc bằng một lời "bảo lãnh" khiến chúng tôi hơi bất ngờ: "Thưa chú, Báo Thanh Niên là tờ báo nổ phát súng đầu tiên vào tập đoàn tội ác Năm Cam và những kẻ bảo kê cho Năm Cam, chú có thể yên tâm". Và hoàn toàn không giống như chúng tôi hình dung. Thiếu tướng Anh hùng quân đội nhân dân Việt Nam Đặng Trần Đức không phải là một ông già nghiêm nghị, khó tánh và lập dị. Ông trả lời vị tướng trẻ bằng một nụ cuời cực kỳ hiền từ. Trên khuôn mặt nhiều nếp nhăn nhưng đầy thần sắc của ông vừa lộ rõ khí phách, vừa ẩn chứa những nét bao dung đôn hậu. Sau này chúng tôi mới biết, ngày xưa khi làm sĩ quan trong Đặc ủy Trung ương tình báo Sài Gòn, ông mang tên Tá, biệt hiệu là Tá "bụt", vì dưới mắt mọi nguời ông hiền như bụt".

"Anh Ba Quốc thâm nhập vào cơ quan an ninh địch lúc Pháp còn chiếm Hà Nội. Sau Hiệp định Genève, anh theo Pháp di cư vào Nam, làm việc rất sớm ở Sở Nghiên cứu chính trị xã hội (cơ quan mật vụ Phủ Tổng thống chính quyền Sài Gòn thời Ngô Đình Diệm - PV), sau đó là sĩ quan tình báo của Phủ đặc ủy Trung ương tình báo... Mỗi tháng ảnh có 2 lần báo cáo, mỗi báo cáo có khoảng 50-70 tin chính trị, có khi trên 100 tin. Anh viết tin ra rồi mã hóa bằng chữ tốc ký. Phải nói cường độ lao động của anh rất lớn hoạt động trong vùng địch với tinh thần tận tụy, dũng cảm... Anh Ba Quốc là một điển hình cơ cán tình báo đi sâu làm việc trong cơ quan an ninh tình báo cấp trung ương của địch là mục tiêu tình báo lý tưởng của bất cứ tình báo quốc tế nào, vì cơ quan này tập trung nhiều cơ mật cấp cao và đa dạng của địch. Nhờ bình phong này, anh tồn tại trong cơ quan an ninh địch từ 1950 đến 1974...". Đó là lời nhận xét của thiếu tướng Nguyễn Đức Trí, nguyên thủ trưởng cơ quan tình báo miền về ông. Nhưng đó là chuyện sau này.

Còn sau đây là vài dòng tiểu sử trước khi ông "thâm nhập vào cơ quan an ninh địch": Tháng 5.1945 ông là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng xã Thanh Trì (Hà Nội). Sau khi củng cố chính quyền xã, ông huy động nhân dân lên tham gia cuộc mít tinh ngày 19.8 tại Nhà hát lớn Hà Nội. Sau đó được điều về Hà Nội làm công an, tham gia phá một số vụ án, trong đó có vụ án Ôn Như Hầu. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông là đoàn trưởng mặt trận Khâm Thiên, đánh nhau với Pháp 1 tháng, sau đó được lệnh rút vào Đô Lương (Nghệ An), làm trưởng khu Đức Hòa. Tháng 5.1949, ông chuyển sang ngành tình báo quân sự và được giao nhiệm vụ vào hoạt động tại Hà Nội. Ông vào Hà Nội với danh nghĩa là đi tìm vợ con bị thất lạc và ông đã tận dụng tất cả các quan hệ để tìm chỗ đứng trong lòng địch. Ông nhờ một người quen là con rể của một nhân vật rất có thế lực ở Hà Nội. Nguời này đưa ông đến giới thiệu với bố vợ của ông ta là Đàm Y, quận trưởng quận l (Hàng Trống) và là tay chân đắc lực của Tổng trấn Bắc Việt Nghiêm Xuân Thiện. Ông đã thiết lập được mối quan hệ thân tình đặc biệt với Đàm Y và chính mối quan hệ này đã tạo một bước ngoặt cho cuộc đời hoạt động tình báo của ông sau này. Từ đây, ông buớc chân vào cơ quan công an của Pháp... (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.