Kỷ niệm Cứu quốc quân: Trở lại Võ Nhai

23/12/2021 06:30 GMT+7

Tôi về Võ Nhai. Trong thời gian đưa Trung ương đi Hội nghị, tôi vẫn chưa thoát ly hẳn gia đình. Nay trở về, như thế là đã vắng nhà từ tháng 2 đến tháng 6 (năm 1941).

Hồi này, ở nhà, anh em đã trừ mật thám đầu sỏ, bị lộ. Ở Võ Nhai, một số đồng chí hoạt động công khai cũng bị lộ. Địch truy tầm gay gắt. Một số đồng chí bị sa lưới. Gia đình một số anh em cũng bị khủng bố. Một số người ở Phú Thượng, Tràng Xá cũng chạy lên núi, không chịu để giặc bắt. Phần nữa, một bộ phận đi họp Hội nghị Trung ương lần thứ tám về bị lộ (do tên Công làm phản). Địch hoảng hốt liền tập trung quân từ Lạng Sơn sục vào Bắc Sơn, và từ Thái Nguyên tiến công vào Võ Nhai. Chúng định làm gọn hai việc trong một lúc: Một, lùng bắt các cán bộ lãnh đạo, cơ quan đầu não của Đảng để làm tan rã phong trào cộng sản ở Đông Dương mà chúng rất khiếp sợ; Hai, bóp chết phong trào đấu tranh của Bắc Sơn.

Nhà lưu niệm Thượng tướng Chu Văn Tấn tại Võ Nhai, Thái Nguyên

Khải Mông

Địch tiến tới đâu đóng đồn bốt tới đó, chia từng khu rừng để càn quét. Còn chúng tôi, nhớ lời Bác dặn khi ở Pác Bó, với Chương trình Việt Minh vừa mang về, chúng tôi cũng ra sức tuyên truyền, tổ chức quần chúng làm cho mọi người cùng tin tưởng quyết tâm hoạt động, làm cho phong trào chẳng những có bề rộng mà còn có cả bề sâu.

Võ nhai chống chọi lại với giặc

Bấy giờ lính ở Thái Nguyên và Lạng Sơn kéo về khủng bố Bắc Sơn vì chúng nghi có đội quân ở Trung Quốc về Bắc Sơn. Đình Cả, Tràng Xá cũng bị địch khủng bố chẳng kém Bắc Sơn. Lửa nhà cháy cứ bốc lên từng đám. Tiếng kêu khóc của cụ già, em bé, nghe sốt lòng sốt ruột. Trông cảnh xóm làng bị địch tàn phá càng căm thù địch, tôi càng lo cho Trung ương: Không hiểu Trung ương ở Bắc Sơn như thế nào và các anh Kiên, anh Giáo bảo vệ Trung ương như thế nào? Có được an toàn không? Tôi ở Tràng Xá (thuộc châu Võ Nhai), không thể biết hết tình hình ở trên Bắc Sơn được. Quần chúng đi chợ Bắc Sơn và chợ Đình Cả nói cho biết phần nào. Còn ở đây, chỉ thấy nó lùng sục rất táo tợn. Một số quần chúng hoang mang, lo sợ.

Dạo ấy, Tràng Xá đang mùa cấy mà lại mưa nhiều, nước lũ đổ về tràn ngập cả những dòng suối trước đây khô cạn. Một đêm không trăng sao của tháng 7 (năm 1941), một số anh em Cứu quốc quân định đến làng Đồng Tác, Đồng Thẩm lấy gạo quần chúng ủng hộ. Hai làng này đã bị bọn lính và mật thám hẹn ngày đến đốt phá. Anh em chưa vào đến làng đã thấy những bóng người lố nhố phía trước mặt, liền núp lại sau những gốc cây to và sau các mô đá, theo dõi xem có phải là lính không. Mắt họ căng trong bóng tối, chuẩn bị đối phó. Trông kỹ thấy rõ hai người: Một người đi chân thấp chân cao và một người to lớn đi trước. Anh em xì xào bảo nhau: “Trông ai như là Quốc Vinh!”. Lại thấy “họ” hướng về phía nhà anh Bạo là một cơ sở cách mạng. Anh em cũng định đến đấy. Thật là không hẹn mà gặp. Mừng rỡ và cảm động, anh em chạy ùa ra đón. Nhận nhau tíu tít. Người to lớn chính là Quốc Vinh, người kia là anh Chính; sau đến anh Vân và anh Sơn. Anh em thấy Trung ương về thì rất mừng, bảo nhau: “Có sự giúp đỡ rồi!”.

Anh Chính nói:

- Các đồng chí đưa chúng tôi về cơ quan!

- Các anh từ trên ấy về, mệt thì hãy nghỉ đã - Một đồng chí Cứu quốc quân trả lời - Rồi sẽ về cơ quan, các anh à!

Thì ra các đồng chí Trung ương đã sáng suốt sớm rời Bắc Sơn, lọt qua vòng vây khép chặt của địch, về Tràng Xá lại gặp ngay được bộ phận đi lấy gạo! Trung ương rời Bắc Sơn, song hai đồng chí Kiên và Giáo vẫn ở Khuổi Nọi để lãnh đạo quần chúng chống khủng bố.

***

Bóng đêm chưa đi hết, và ánh sáng ban mai cũng chưa về. Núi Lèo nằm phía đông - bắc xã Tràng Xá, cao khoảng 400 thước và chạy dài lên tận Quán Lũng. Chúng tôi đóng cơ quan ở trên núi, tiến và thoái đều có thế tốt...

Gần sáng, thấy một đồng chí Cứu quốc quân chạy về báo:

- Anh Chính đã về!

Nghe thấy nói “anh Chính về”, tôi mừng quá, vội chạy ra ngoài lán, đón các anh. Mọi khi, anh em đi lấy gạo dưới làng về thường đi lẻ tẻ. Lần này, hôm đi thì ít, hôm về lại nhiều hơn. Trông kỹ thấy rõ cả bóng anh Sơn, anh Chính và anh Vân. Khỏi phải nói nỗi vui mừng của chúng tôi! Trung ương về Tràng Xá thật đáp ứng với sự mong mỏi của chúng tôi. Anh Chính nói:

- Đồng chí Quốc Vinh dám đưa đường là điều đáng khen.

Quốc Vinh là người Bắc Sơn. Đây là lần đầu tiên anh về đây, nhưng đã khôn ngoan tránh được hết thảy những đội tuần tiễu và chòi gác của địch, bảo vệ các đồng chí Trung ương, đưa được tới nơi, tới chốn.

Anh Vân nắm lấy tay tôi rồi nói:

- Trên ấy nó làm dữ đấy!

Tôi rất xúc động. Có các anh về đây là có sự giúp đỡ trực tiếp của Trung ương rồi. Lòng thì muốn hiểu biết thêm tình hình, nhưng lại nghĩ ràng các anh đang mệt sau một cuộc đi khá căng thẳng, tôi mời các anh đi nghỉ.(còn tiếp)

(Trích hồi ký Kỷ niệm Cứu quốc quân, NXB Lao động)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.