Kỷ niệm 65 năm Hội Nhà văn Việt Nam (1957-2022): Mượn… tiền nhà thơ Tạ Hữu Yên

22/05/2022 11:00 GMT+7

Theo một thống kê không chính thức, thì nhà thơ Tạ Hữu Yên là người có thơ được phổ nhạc nhiều nhất Việt Nam - khoảng hơn 200 bài.

Đó là một con số thuộc hàng “khủng”, khi số nhạc sĩ phổ thơ Tạ Hữu Yên thì nhiều, nhưng người làm thơ thì chỉ… một.

Nhà thơ Tạ Hữu Yên (1927-2003)

tl

Nhà thơ Tạ Hữu Yên có thể đã làm thơ ngay từ kháng chiến chống Pháp, vì ông là người tham gia hai mùa kháng chiến, và đều làm một việc: binh vận.

Năm 1969, tôi nhập ngũ, được “bổ” về buổi phát thanh binh vận của Đài Tiếng nói Việt Nam - trực thuộc Tổng cục Chính trị. Và, tôi được vinh dự làm cùng phòng với nhà thơ Tạ Hữu Yên. Lúc đó, ông đã có thơ đăng báo khá nhiều, còn tôi mới chỉ có vài ba bài thơ nhỏ được đăng báo, nên tôi luôn nhìn và nghe ông với sự kính trọng đặc biệt. Ông đã cho tôi một số lời khuyên về công việc làm thơ, có điều tôi cảm thấy hơi khó theo, có lẽ vì cách nhau cả thế hệ, thơ ông đã định hình, còn thơ tôi thì còn… chưa thấy đâu. Ông là người có thâm niên về công tác binh vận, và ông làm công việc này cho tới khi đất nước giải phóng mới chuyển qua làm biên tập nhà xuất bản quân đội.

Mất hơn 5 năm tôi xa ông do tôi đi chiến trường, sau giải phóng, vào năm 1976, cơ duyên tôi lại được gặp ông. Bấy giờ, ông đã có hàng mấy chục bài thơ được phổ nhạc, trong đó có những bài rất nổi tiếng như Đôi dép Bác Hồ. Còn tôi thì khi gặp lại ông cuối năm 1976, tôi đã viết xong một trường ca, gửi xuất bản ở nhà quân đội. May mắn thế nào, người biên tập cho tác phẩm của tôi lại là nhà thơ Tạ Hữu Yên. Anh em gặp nhau tay bắt mặt mừng. Và, điều đầu tiên tôi đề nghị ông là cho tôi được… ứng tiền nhuận bút. Ông vui vẻ viết giấy đề nghị để tôi được nhận một số tiền khá lớn so với hồi ấy, dù tác phẩm của tôi chưa xong khâu biên tập. Đúng là anh em cùng cơ quan cũ có khác. Tôi biết ơn ông vì điều đó.

Năm sau, khi trường ca đã được xuất bản, tôi lại có dịp gặp Tạ Hữu Yên khi ông vào Đà Nẵng công tác và ăn ở tại cơ quan chúng tôi. Hồi đó mấy anh em văn nghệ đều nghèo lắm. Một buổi sáng, kẹt tiền quá mà không biết mượn đâu ra, tôi chợt nhớ “cụ” Tạ Hữu Yên đang ở khu nhà 1B Ba Đình với mình. Lại nhìn thấy “cụ” Yên lên sân thượng tập thể dục buổi sáng. Tôi bèn theo lên sân thượng đứng… hát. Tôi hát một bài nhạc của Nguyễn Thành phổ thơ Tạ Hữu Yên, bài hát về những “ký ức xanh” Hà Nội năm 1946: “Đêm, cái đêm rút qua gầm cầu/Anh, anh đã hẹn ngày mai trở lại/Sóng sông Hồng vỗ bờ hát mãi…”. Bài hát này bản thân nó đã rất xúc động, tôi lại hát trong tâm trạng… muốn vay tiền, nên càng… day dứt hơn.

Tôi đang say sưa hát thì nhà thơ Tạ Hữu Yên đã đứng sau lưng tôi từ lúc nào. Tôi quay lại nhìn ông, thấy “ông già” cũng có vẻ rất xúc động. Tôi bèn tranh thủ ngỏ lời: “Anh Yên ơi, anh cho em mượn mấy đồng, em đang cần tiền quá!”. Nhà thơ Tạ Hữu Yên xởi lởi: “Cậu cần bao nhiêu? Mình đi công tác nên không có nhiều tiền, nhưng cậu cứ cầm đi!”. Nói rồi, Tạ Hữu Yên rút túi lấy tiền cho tôi mượn, trong trạng thái cả hai anh em còn… lâng lâng vì bài hát của Nguyễn Thành.

Dĩ nhiên, sau đó có dịp tôi đã trả lại số tiền mượn, nhưng tôi rất biết ơn Tạ Hữu Yên. Người như thế thì thơ được phổ nhạc hàng trăm bài là đúng quá, đâu có gì phải ngạc nhiên!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.