Kỷ nguyên của thời trang thuần chay

26/04/2019 11:33 GMT+7

Trước sự phản đối mạnh mẽ của phong trào bảo vệ động vật, môi trường và sự bùng nổ tín đồ ăn chay, ngành công nghiệp thời trang đã phải từ bỏ các chất liệu da, nhựa tổng hợp... và tìm đến các thành phần từ thiên nhiên.

Không thể đi ngược dòng chảy

Tổ chức Bảo vệ Quyền lợi Động vật PETA hoạt động đã lâu, nhưng trong khoảng thập niên trở lại đây, một số thương hiệu lớn của ngành công nghiệp thiết kế thời trang như Gucci, Michael Kors, Ralph Lauren, Burberry... mới lên tiếng “nói không” với chất liệu da thuộc và lông thú. Tác hại ô nhiễm trái đất do các chất liệu dệt may gây ra đã được các nhà môi trường gióng chuông báo động cả nửa thế kỷ trước, nhưng mãi đến gần đây, các nhà tạo mốt tên tuổi như Stella McCartney, Vivienne Westwood hay các nhãn hiệu tầm trung như Kuma Design, Labante London, Shrimps... mới khởi động dòng thời trang bền vững thân thiện môi trường. Thế nhưng, thực sự luồng chảy cách mạng để bảo vệ thiên nhiên và hành tinh xanh này chỉ mạnh lên, trở thành cơn lũ mới, là nhờ vào sự tăng vọt lượng "dân số đặc biệt" trên toàn cầu: những tín đồ ăn chay.

Các hoạt động bảo vệ động vật đã tác động mạnh mẽ đến ngành thời trang Ảnh: New York Times

Từ lâu, thế giới có hơn 1,45 tỉ người ăn chay chiếm hơn 21,8% dân số thế giới. Trong thập niên qua con số ấy đã tăng lên đáng kể. Chỉ riêng ở Mỹ, số liệu năm 2018 cho thấy, trong vòng 3 năm, tỷ lệ người ăn chay ở quốc gia này đã tăng đến 600%. Đây quả thực là lượng người tiêu dùng, là khối khách hàng khổng lồ trong tương lai cho thị trường may mặc mới. Tất cả các lý do vừa kể đã khiến ngành công nghiệp thiết kế thời trang muốn ăn nên làm ra để thu lợi nhuận không thể “đi ngược dòng chảy” và trào lưu thuần chay chính thức hình thành.

Diễn viên Mena Suvari, trong chiếc mũ và áo khoát "thuần chay" Ảnh: New York Times 

Nữ diễn viên Mena Suvari, người đẹp của American WomanAmerican Beauty là một trong các tín đồ trung thành của thời trang thuần chay ấy. Ở tuổi 39, cô không chỉ ăn chay mà còn sống chay, tức “chay” trong thực phẩm mà còn “chay” cả đến quần áo, ăn mặc. Một lần ngồi trong nhà hàng Moby tại Little Pine, Los Angeles (Mỹ) với chiếc túi da thuộc trị giá 1.300 USD bên cạnh, Mena cảm thấy mình lạc lõng, dị hợm. Sau đó cô đã quyết định loại bỏ mọi thứ trang phục liên quan đến da và lông thú, lập một tài khoản Instagram dành cho chủ đề thời trang thuần chay, và bật lên ý tưởng bắt tay với một nhà sản xuất để tự thiết kế trang phục cho dòng thời trang mới này.      

Tuần lễ Thời trang Vegan, một cột mốc son

Đó cũng là lý do người ta thấy Mena Suvari ngồi hàng ghế đầu tại Tuần lễ thời trang Vegan (VFW - Vegan Fashion Week) đầu tiên trên thế giới vừa được khai mạc tại Los Angeles tháng 2 vừa qua. Phải nói rằng sự ra đời của VFW tựa một mốc son cho cuộc cách mạng ăn mặc mới, là phát súng khởi động hành trình chinh phục thị trường thời trang thân thiện môi trường, đồng thời cũng là sự đáp đền xứng đáng cho những nỗ lực của nhiều thương hiệu thời trang, của hàng loạt ngôi sao nổi tiếng cũng như các nhà hoạt động vì động vật, vì thiên nhiên. VFW được kỳ vọng sẽ trở thành sự kiện thường niên của làng mốt quốc tế trong tương lai, sánh vai cùng các tuần lễ thời trang truyền thống khác.

Tuần lễ thời trang Vegan được kỳ vọng sẽ trở thành sự kiện thường niên của làng mốt quốc tế trong tương lai Ảnh: New York Times

Sự mong mỏi ấy không hề huyễn hoặc, bởi tại VFW đầu tiên ấy đã có đến 54 công ty có sản phẩm là thời trang thuần chay tham dự, với mục tiêu là trở thành đối trọng với các dòng thời trang nhanh gây hại môi trường, cắt đứt nguồn sử dụng các sản phẩm từ động vật và làm biến mất hàng da ở các cửa tiệm thời trang. Một số tên tuổi thiết kế dù nhỏ nhưng đã có hướng đi rất rõ ràng và cụ thể trong cuộc chiến về may mặc nhưng mang tính nhân văn này.

Ran Enda, 36 tuổi, từng làm việc cho nhãn hàng Ralph Lauren với các sản phẩm da và lông thú, nay quyết lập công ty riêng. Chị đã thay chất liệu lông cừu bằng acrylic nhiều lớp và dùng vải tuýt không lông có thể giặt bằng máy để chế tác trang phục. Còn Johanna Ohayon Zenou chỉ mới 27 tuổi, nhưng với suy nghĩ “không vì ngày vui của một cô gái mà hại đến thú vật” đã sáng lập ra JOZ Couture, một công ty ở Paris chuyên thiết kế trang phục cô dâu và áo dạ hội làm từ bông hữu cơ tái chế, phục vụ các đám cưới thuần chay.

Phiên bản giày cho mùa đông không cần lột da hay vặt lông một loài vật nào Ảnh: New York Times

Cũng có thể bạn hơi ngỡ ngàng khi nghe đến thứ “ba lô thuần chay”. Đúng là có thật! Thương hiệu ba lô, túi xách Arsayo do nhà thiết kế Ary Ohayon sáng lập đã sử dụng loại vỏ cây bần, chất liệu làm nút chai, để thay thế cho da thuộc, với niềm tự hào là “chỉ bóc lấy vỏ mà không làm hại cây”. Riêng nữ stylist Rebecca Mink, từ năm 2000 đã âm thầm thiết kế bộ sưu tập nhỏ về ủng và giày cao gót “da rắn” cho những ngôi sao như Miley Cyrus, nhưng nhãn hàng Mink lại không hề phải lột da một con vật nào thuộc loài bò sát này.   

Từ thuần chay đến trào lưu thời trang bền vững

Thời trang thuần chay không chỉ liên quan đến động vật mà còn dính dáng đến môi trường, tức có tác động của các chất liệu bền vững. Ngoài da thuộc gây ra nỗi đau ở động vật, các loại sợi tổng hợp như polyester vốn tốn rất nhiều năng lượng để tạo ra mà lại không dễ dàng phân hủy, hiện cũng là kẻ thù của Hành tinh xanh. Lại nhắc đến chuyện “ăn mặc cho đôi chân”. Gần đây, New Rock, một thương hiệu giày dép của Tây Ban Nha, đã bắt đầu sản xuất các lô giày mới được làm bằng Piñatex, một chất chiếc xuất từ lá dứa có nguồn gốc bền vững để thay thế da. Hiện công ty giày này còn dự định thử nghiệm với các sợi dừa tạo ra chất liệu làm đế trong và nhựa ngô để làm gót cho chúng.

Các bộ sưu tập thời trang từ các chất liệu chiết xuất từ cây táo, nhựa thay cho da bò Ảnh: New York Times

Tại Tuần lễ Thời trang Thuần chay vừa qua, các người mẫu sải bước trên đường catwalk mặc áo khoác biker vàng hào nhoáng cũng bằng chất liệu Piñatex và đi giày mềm đế nhựa vừa kể. Bộ sưu tập còn có áo choàng bằng thứ da chiết xuất từ nhựa táo của nhà thiết kế nữ người Slovenia, Matea Benedetti. Chưa bằng lòng với sản phẩm của mình, Matea hi vọng sẽ thử nghiệm thành công chất liệu da cho các loại dây đeo làm bằng chất chiết xuất từ xơ sợi trái cam và từ cả một vài loại cà phê gốc châu Á nữa. Ở VFW, người ta còn nói nhiều đến các chuyện tưởng như viễn tưởng, chẳng hạn chế tạo da từ nấm hay từ tế bào collagen sinh học được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm...

Điều đó cũng dễ hiểu, bởi có mặt tại bất cứ tuần lễ thời trang nào luôn là những người nổi tiếng, các ngôi sao, lớp danh sĩ hoạt động nhân quyền. Chính họ là cánh tay đắc lực cho thời trang thuần chay phát triển qua các hoạt động ở trào lưu thời trang bền vững mà họ phát động và đeo đuổi suốt thập niên qua. Tại đó, họ luôn bám sát hai tiêu chí chính là sử dụng vật liệu thân thiện môi trường và tuân thủ các tiêu chuẩn sản xuất đạo đức. Có thể kể ra một vài tên tuổi. Rapper kiêm nhà thiết kế thời trang Pharrell Williams ra mắt dòng trang phục biến nhựa thu thập từ đại dương thành denim. Cựu đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama quảng bá nghề dệt sợi batik truyền thống của châu Phi qua các nhãn hiệu Maki Oh và Osei Duro. Một rapper Mỹ khác, Will.i.am. hợp tác với Coca Cola tạo ra EkoCycle, chiến dịch chuyển các đồ phế thải, chai nhựa và lon nhôm thành các sản phẩm cao cấp như tai nghe, quần jeans, đồng phục thi đấu của NBA và giày thể thao. Còn siêu mẫu Lily Cole ra mắt bộ sưu tập giày sử dụng cao su Amazonia hoang dã, một chất liệu chỉ có ở rừng mưa Amazon.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.