Kỷ luật… cống thoát nước!

17/08/2017 10:40 GMT+7

Hơn 50 trẻ em tử vong vì đuối nước dưới ao hồ, cống thoát nước, bãi tắm tự phát chỉ trong một năm tại Quảng Ninh, nhưng câu hỏi trách nhiệm thuộc về ai vẫn chưa có lời giải đáp.

Ngày 14.8, trên đường đi học về, em Phạm Bích Diệp, học sinh lớp 6, Trường THCS Lý Tự Trọng, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) không may bị trượt ngã xuống một cống nước không có nắp đậy. Nước đã cuốn trôi nữ sinh cùng chiếc xe đạp ra hồ nước lớn cách đó 1 km. Em tử vong và 7 giờ sau mới được tìm thấy.
Điều đáng nói, chưa một cá nhân, cơ quan nào chịu trách nhiệm về cái chết oan uổng của em.
Trong đám tang của em Diệp, hàng trăm người không kìm được nước mắt khi chứng kiến cảnh “tre khóc măng”. Ai cũng xót thương cho Diệp một nữ sinh có gương mặt thanh tú, chăm ngoan, học giỏi. Cái chết tức tưởi của em làm dấy lên sự phẫn nộ của nhiều người trước sự thờ ơ, tắc trách của cơ quan chức năng trong việc để miệng cống hớ hênh không có nắp đậy, tấm đan, hay biển cảnh báo khi đường ngập… 
Nhiều người thốt lên, giá như hôm đó có lực lượng chức năng đứng làm nhiệm vụ, cống thoát nước có rào chắn thì đã không xả ra cơ sự này. Tận mắt đến hiện trường, nhìn miệng cống thoát nước kể trên tại tổ 10, khu 2, phường Giếng Đáy, TP.Hạ Long, chúng tôi không khỏi rùng mình. Miệng cống rộng hoác và sâu hoắm thế kia thì đến người lớn ngã xuống còn chết huống gì trẻ em.
Cái chết của em Diệp không phải là cá biệt. Theo ông Hồ Việt Hùng, Chủ tịch UBND phường Giếng Đáy, vào năm ngoái (2016), chính tại cống nước này, một cụ bà khoảng 80 tuổi cũng tử vong do bị ngã xuống cống khi trời mưa. Chủ tịch phường Giếng Đáy cũng cho biết, chính quyền địa phương sẽ làm rào chắn xung quanh cống này để không xảy ra thảm họa lần thứ ba.
Thật rùng mình khi biết rằng số trẻ em tử vong liên quan đến đuối nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh xảy ra liên tiếp trong thời gian vừa qua. Theo Sở Lao động - Thương binh - Xã hội tỉnh Quảng Ninh, từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn có tới 56 trẻ em tử vong do đuối nước. Đây là con số báo động với Quảng Ninh, địa phương có đường bờ biển dài, các huyện vùng cao có nhiều ao hồ, sông suối và cứ đến dịp hè là người dân, trong đó có rất nhiều trẻ em, lại đến tắm tại các bãi tắm tự phát. Trong khi đó, rất nhiều khu vực ao hồ sông suối, mương thoát nước trên địa bàn toàn tỉnh không có các biện pháp đảm bảo an toàn hay biển cảnh báo.
Cũng mới đây thôi, ngày 15.8, tại P.Yên Hải, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh, hai bé gái mới 5 - 6 tuổi đi tắm ở một hồ nước gần nhà đã bị tử vong vì đuối nước. Hồ nước này cũng không có biển cảnh báo hay có cơ quan nào quản lý. Trước đó, ngày 29.7, có đến 3 học sinh tại thị trấn Hải Hà, H.Hải Hà, Quảng Ninh, khi đi tắm ở một khúc sông gần nhà cũng bị đuối nước, tử vong.
Sau mỗi lần xảy ra các vụ việc thương tâm trên, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đều có sự thăm hỏi, hỗ trợ kinh phí và động viên gia đinh nạn nhân. Đồng thời, chính quyền địa phương cũng họp rút kinh nghiệm, rà soát hệ thống cống thoát nước hoặc ra văn bản chỉ đạo phải siết chặt tình trạng này. Nhưng vụ này cứ tiếp nối vụ kia, hàng chục trẻ em tiếp tục chết thương tâm dưới ao hồ, cống thoát nước, bãi tắm tự phát mà ngoài trách nhiệm quản lý của gia đình thì không biết lỗi còn do ai nữa?
Ở TP.Hạ Long, rất dễ dàng bắt gặp những miệng cống hở hoác như những cái bẫy người: ở tổ 37, khu 3, phường Hà Trung; tổ 4, khu 4, phường Hà Lầm; những đường phố lớn như Lê Thánh Tông, Nguyễn Văn Cừ cũng có. Và ai dám khẳng định sẽ không có người dân nào bị “sập bẫy” những chiếc cống tử thần khi mùa mưa bão, ngập lụt đang đến?
Trong vụ việc của nữ sinh Phạm Thị Bích Diệp, những người có trách nhiệm từ cấp phường đến sở, ngành của tỉnh Quảng Ninh cho rằng vì trời mưa lớn. Một lãnh đạo P.Giếng Đáy thì giải thích hệ thống mương nước, nơi xảy ra tai nạn đã được xây dựng từ những năm 1980 và thiết kế không có tấm đan hay rào chắn (!?).
Theo đại diện gia đình em Diệp, có rất nhiều đoàn thể chính quyền, các sở ngành đến chia buồn trong tang lễ của em, nhưng không ai nói lời xin lỗi.
Và nếu không có một cá nhân, tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm, xin lỗi gia đình những em bé bị đuối nước như em Diệp, đồng nghĩa với việc có thể bị xử lý kỷ luật vì lỗi tắc trách, thì có lẽ đành phải kỷ luật cái... cống thoát nước vậy!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.