Kỳ lạ Trường Lũy : Quy mô ấn tượng

27/03/2022 07:30 GMT+7

Khi nói đến lịch sử trung cận đại vùng đất Quảng Ngãi , các sử gia thường nhắc đến những vụ “nổi dậy” hoặc “bạo loạn” của người thượng Đá Vách.

Đây là cách sử dụng từ ngữ theo quan điểm khác nhau, nói về những vụ đụng độ bằng vũ lực giữa người Kinh (chính xác là quân đội của triều đình phong kiến Việt Nam) và các nhóm vũ trang của các dân tộc thiểu số ở miền tây Quảng Ngãi, chủ yếu là người Hrê sống ở núi rừng thuộc khu vực núi Đá Vách (Thạch Bích) và lân cận.

Một đoạn thành đá bao quanh bảo Thiên Xuân (xã Hành Tín Đông, H.Nghĩa Hành, Quảng Ngãi)

LHK

Sưu cao thuế nặng, chính sách cai trị thiên về vũ lực, tệ quan lại nhũng nhiễu, địa chủ cướp bóc và sự xúc phạm tập tục của các dân tộc thiểu số là những nguyên nhân chính làm bùng lên những cuộc bạo động, nhiều khi đẫm máu, kéo dài từ thời các chúa Nguyễn cho đến nửa đầu thế kỷ XX. Ngoài ra cũng phải kể đến sự xung khắc giữa 2 xu hướng trái ngược nhau trong quá trình hình thành quốc gia Việt Nam thống nhất, đó là xu hướng tập quyền, xây dựng bộ máy cai trị vững mạnh từ trung ương đến địa phương để tạo ra nguồn lực Nam tiến, khai thác vùng đất mới, mở dần về phương Nam và xu hướng cát cứ, phân quyền của một số thế lực địa phương.

Mục đích của việc xây dựng Trường Lũy phần nào có thể nhận thấy trong khi trình bày về lịch sử hình thành của nó, đặc biệt là khi tiếp cận các tư liệu lịch sử chính thống, cũng như truyền ngôn trong dân gian.

Sách Đại nam nhất thống chí cho biết như sau:

“Lũy dài Tĩnh Man: Ở cách tỉnh thành 23 dặm, phía bắc giáp địa giới H.Hà Đông tỉnh Quảng Nam, phía nam giáp địa giới H.Bồng Sơn tỉnh Bình Định, lũy dài 177 dặm. Hồi đầu bản triều đặt binh sáu đạo để phòng giữ ác man Thạch Bích; năm Gia Long thứ 4, đặt cơ Thập Kiên làm đạo Bình Man, đắp 115 sở bảo, sau đổi làm cơ Lục Kiên, theo địa thế các bảo, sở mà đắp thêm lũy dài, đặt 27 lân phụ lũy, mỗi lân đặt một cai lân và một phó lân, thay phiên nhau đóng giữ; năm Minh Mệnh thứ 3 đổi cai lân làm bát phẩm bá hộ, phó lân làm cửu phẩm bá hộ; năm thứ 9 đổi Lục Kiên làm năm cơ Tĩnh Man…” (Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí (tập 2); bản dịch Phạm Trọng Điềm; NXB Thuận Hóa, 1992; trang 430 - 431).

Từ trái sang: PGS-TS Nguyễn Giang Hải (Phó viện trưởng Viện Khảo cổ học), TS Nguyễn Tiến Đông (đã mất) thành viên nhóm nghiên cứu Trường Lũy và tác giả bài viết, trong một đợt khảo sát Trường Lũy (năm 2009)

Trần Hoài

Đại Nam nhất thống chí, ở đoạn trích trên, và Đồng Khánh địa dư chí cùng cho biết Trường Lũy có chiều dài 177 dặm. Theo Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ Biên; NXB KHXH, 1988), một dặm có chiều dài tương đương 444,44 m; vị chi tổng chiều dài Trường Lũy là 78.665,88 m, xấp xỉ 79 km. Còn theo Từ lâm Hán Việt từ điển (Vĩnh Cao - Nguyễn Phố; NXB Thuận Hóa, 2001) thì 1 dặm = 1.800 xích (thước Trung Quốc) = 576 m; tính ra Trường Lũy có chiều dài là 101.952 m, tương đương 102 km.

Nếu theo chú giải của nhóm dịch giả - biên khảo bản dịch Đồng Khánh địa dư chí (Ngô Đức Thọ, Nguyễn Văn Nguyên, Philippe Papin, Phan Văn Các, Lê Việt Nga, Dương Thị The; NXB Thế giới, 2003) thì 1 dặm = 720 m, vị chi chiều dài Trường Lũy là 127.440 m, tương đương 127 km.

Luỹ (壘), trong Tĩnh Man Trường Lũy là một chữ Hán, thuộc bộ “Thổ” (土), ở dạng phồn thể có 18 nét; phần trên là 3 chữ “điền” (田) xếp theo hình tam giác; phần dưới là chữ thổ (土). Hán Việt từ điển (Thiều Chửu; Đuốc Tuệ, 1942), dịch: “Bờ lũy, tường chắn trong dinh quân hoặc che chở thành”. Hán Việt từ điển (Nguyễn Văn Khôn; Khai Trí, 1960), giảng: “Lũy: thành đắp bằng đất”. Phân tích từ nguyên học kết hợp khảo sát thực địa cho thấy, đúng như tên gọi, Trường Lũy về cơ bản được đắp bằng đất, ở một số đoạn kè đá ở bên ngoài để chống trôi trượt, xói lở trong mùa mưa lũ; hãn hữu, có một vài đoạn hoàn toàn bằng đá, nhưng chiếm một tỷ lệ rất thấp trong tổng chiều dài Trường Lũy.

Cách đây mấy năm, có những thông tin so sánh quy mô Trường Lũy của Việt Nam và Vạn Lý trường thành của Trung Quốc. Mọi sự so sánh đều có sự khập khiễng nhất định, nên tác giả bài viết này không muốn lặp lại điều mà các tác giả khác đã làm, mà chỉ trình bày một số nét chính về quy mô của Trường Lũy như trên để bạn đọc có thể tự đánh giá. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.