Kỳ họp đầu tiên HĐND TP.HCM: Xem xét giải quyết các tồn đọng ở Thủ Thiêm

25/06/2021 06:37 GMT+7

Ông Nguyễn Văn Nên nhắc lại bài học về công tác giám sát của HĐND TP.HCM đối với việc triển khai, tổ chức thực hiện KĐTM Thủ Thiêm là minh chứng về sự hạn chế, chưa làm tròn trách nhiệm của ĐB trước cử tri TP.

Phát biểu tại kỳ họp, ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, cho rằng đây là thời điểm mà các đại biểu HĐND bắt đầu thực hiện cam kết, lời hứa của mình đối với cử tri khi tranh cử, qua đó thể hiện “danh dự và trách nhiệm” của đại biểu do dân cử.
Ngày 24.6, HĐND TP.HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026, tổ chức kỳ họp thứ nhất để kiện toàn nhân sự lãnh đạo HĐND và UBND TP.HCM khóa tới và quyết định một số vấn đề cấp bách. Cuộc họp dự kiến diễn ra trong 1 ngày rưỡi.

Nâng cao vai trò giám sát

Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM, cho biết kỳ họp sẽ xem xét thông qua 7 tờ trình của UBND TP.HCM như: Chế độ chính sách phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân bị tác động bởi dịch Covid-19 trên địa bàn TPHCM năm 2021; Dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; Chủ trương đầu tư dự án xây dựng, mở rộng QL50 (H.Bình Chánh)…
Đáng chú ý, các đại biểu (ĐB) sẽ xem xét thông qua 2 tờ trình liên quan đến những tồn đọng ở Khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm gồm: xin chủ trương điều chỉnh, bổ sung một số nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư KĐTM Thủ Thiêm và bổ sung dự toán thu chi ngân sách TP năm 2021.

Kiện toàn nhân sự chủ chốt

Trong phiên họp buổi sáng, HĐND TP đã làm công tác kiện toàn nhân sự HĐND và UBND TP. Theo đó, bà Nguyễn Thị Lệ tái đắc cử Chủ tịch HĐND TP.HCM khóa X; ông Nguyễn Văn Dũng tái đắc cử Phó chủ tịch HĐND TP.HCM khóa X. Nhân sự 4 ban của HĐNĐ TP.HCM gồm: bà Phạm Quỳnh Anh làm Trưởng ban Pháp chế; ông Lê Trương Hải Hiếu làm Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách; ông Cao Thanh Bình làm Trưởng ban Văn hóa - Xã hội và bà Nguyễn Thị Thanh Vân làm Trưởng ban Đô thị.
Đối với lãnh đạo UBND TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong tái đắc cử Chủ tịch UBND TP.HCM; 5 Phó chủ tịch gồm ông Lê Hòa Bình, bà Phan Thị Thắng, ông Võ Văn Hoan, ông Ngô Minh Châu và ông Dương Anh Đức.
Ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, đánh giá cao việc HĐND TP xem xét thông qua chủ trương điều chỉnh bổ sung một số nội dung bồi thường, hỗ trợ tái định cư để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân ổn định cuộc sống, trên cơ sở tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân ngay tại kỳ họp đầu tiên; đồng thời bổ sung dự toán thu, chi ngân sách TP.HCM năm 2021 nhằm tạo điều kiện cho việc thu hồi nợ, hoàn trả tạm ứng, thanh quyết toán các dự án ở Thủ Thiêm làm cơ sở xử lý rốt ráo những vấn đề, tồn đọng theo chỉ đạo, kết luận của Thủ tướng, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước và hướng dẫn của các bộ ngành T.Ư.
Ông Nên nhắc lại bài học về công tác giám sát của HĐND TP.HCM đối với việc triển khai, tổ chức thực hiện KĐTM Thủ Thiêm là minh chứng về sự hạn chế, chưa làm tròn trách nhiệm của ĐB trước cử tri TP. Do đó, ông đề nghị HĐND TP.HCM khóa X cần xây dựng mô hình hoạt động phù hợp với quy mô đặc điểm của đô thị đặc biệt, nâng cao chất lượng các kỳ họp, tăng cường vai trò giám sát trong quá trình triển khai các chương trình dự án quan trọng... Kỳ họp này là thời điểm mà các ĐB bắt đầu thực hiện cam kết, lời hứa của mình đối với cử tri khi tranh cử, qua đó thể hiện “danh dự và trách nhiệm” của ĐB do dân cử.

“Gom” tiền để hoàn trả ngân sách

Tại phiên họp chiều 24.6, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan trình bày 2 tờ trình liên quan đến các vấn đề của KĐTM Thủ Thiêm.

Ưu tiên gỡ điểm nghẽn hạ tầng

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, cam kết trong nhiệm kỳ mới, UBND TP sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhiệm kỳ đã đề ra, trong đó “ưu tiên hàng đầu là khống chế, kiểm soát bằng được đại dịch Covid-19”. Đồng thời, ban hành ngay các gói kích thích kinh tế, các gói hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp, giúp người dân vơi bớt khó khăn và giúp doanh nghiệp giảm đến mức thấp nhất tác động bởi dịch bệnh.
Về các điểm nghẽn về hạ tầng mà TP.HCM phải đối mặt hơn chục năm qua, ông Phong cam kết sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật, nhất là các dự án giao thông trọng điểm; đẩy nhanh chỉnh trang đô thị, ô nhiễm môi trường, ngập nước, ùn tắc giao thông… đảm bảo tốt điều kiện sống, sinh hoạt và làm việc của nhân dân. Ngoài ra, TP.HCM cũng đẩy mạnh cải cách hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương của nền hành chính và tăng cường vai trò giám sát, phản ánh, phản biện của người dân. “TP sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát để phòng ngừa sớm, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi quan liêu, tiêu cực, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức”, ông Phong khẳng định.
Ông Hoan thông tin việc bổ sung dự toán thu, chi ngân sách năm 2021 nhằm tạo điều kiện cho việc thu hồi nợ, hoàn trả tạm ứng, thanh quyết toán các dự án ở KĐTM Thủ Thiêm. UBND TP.HCM đã lấy ý kiến Bộ Tài chính và nhận được hướng dẫn về việc này.
Theo đó, dự kiến các nguồn thu phát sinh của TP.HCM đến cuối năm 2021 là 41.382 tỉ đồng, gồm: nguồn thu từ quỹ căn hộ thuộc chương trình 12.500 căn hộ là 14.184 tỉ đồng; nguồn thu từ đấu giá tiền sử dụng đất là 25.351 tỉ đồng; nguồn thu từ chuyển đổi nhà tái định cư thành nhà ở thương mại là hơn 1.656 tỉ đồng; nguồn thu bố trí quỹ nhà tái định cư của các hộ dân khoảng 164 tỉ đồng và các khoản thu ngân sách địa phương được hưởng 100%.
Trên cơ sở dự kiến nguồn thu bổ sung, UBND TP.HCM kiến nghị HĐND TP.HCM bổ sung dự toán thu ngân sách địa phương năm 2021 với số tiền là 41.382 tỉ đồng. Đồng thời, bổ sung dự toán chi ngân sách địa phương năm 2021 là 36.914 tỉ đồng để hoàn trả ngân sách nhà nước và vay tín dụng theo Thông báo số 26 ngày 1.4.2021 của Văn phòng Chính phủ. Dự kiến, số tiền trên sẽ được phân bổ dự toán chi cho Ban Quản lý đầu tư xây dựng KĐTM Thủ Thiêm để hoàn trả ngân sách và vay tín dụng.
Tại tờ trình xin chủ trương điều chỉnh, bổ sung một số nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân chịu ảnh hưởng bởi KĐTM Thủ Thiêm, ông Hoan kiến nghị HĐND TP.HCM xem xét, chấp thuận việc điều chỉnh mốc thời điểm đối với một số trường hợp để tính bồi thường, hỗ trợ cho phù hợp quy định của luật Đất đai.
Bên cạnh đó, tăng mức hỗ trợ đối với một số trường hợp để người dân ổn định cuộc sống cũng như điều chỉnh, bổ sung một số nội dung bất cập trong quá trình áp dụng các chính sách trước đó. Dự kiến, tổng kinh phí bổ sung cho công tác bồi thường, tái định cư của KĐTM Thủ Thiêm là 1.353 tỉ đồng; nếu tái định cư bằng căn hộ chung cư thì dự kiến cần 17.000 m2.
Kinh phí chi trả được cân đối từ nguồn thu tiền đấu giá quyền sử dụng đất trong KĐTM Thủ Thiêm. UBND TPHCM cam kết việc điều chỉnh, bổ sung các nội dung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thực hiện đúng quy định pháp luật, công khai, minh bạch, đáp ứng quyền và lợi ích người dân.

Hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 hàng trăm tỉ đồng

Tại phiên họp chiều 24.6, UBND TP.HCM trình HĐND TP thông qua nghị quyết về một số chế độ, chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch Covid-19 trên địa bàn TP với tổng mức hỗ trợ 886 tỉ đồng, từ ngân sách và các nguồn vận động hợp pháp khác.
Cụ thể, mức hỗ trợ cho người lao động (LĐ) tạm hoãn hợp đồng LĐ, nghỉ việc không hưởng lương là 144 tỉ đồng cho 80.000 người, tương ứng với mức hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người (hỗ trợ một lần).
Tổng mức hỗ trợ người LĐ không có giao kết hợp đồng LĐ (LĐ tự do) bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 dự kiến là 230 tỉ đồng với 230.000 người LĐ; hỗ trợ 10.000 hộ kinh doanh và thương nhân tại các chợ truyền thống với tổng kinh phí gần 100 tỉ đồng.
Đối với chính sách hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, UBND TP.HCM đề xuất chính sách hỗ trợ tiền ăn cho người bị áp dụng cách ly y tế là 144 tỉ đồng (10.000 người/ngày trong 180 ngày) và hỗ trợ 216 tỉ đồng cho người tham gia công tác phòng, chống dịch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.