'Kỳ duyên' phục hồi điện Cần Chánh: Hé mở dấu tích từ lòng đất

Bùi Ngọc Long
Bùi Ngọc Long
22/02/2024 07:02 GMT+7

Tháng 7.2023, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia tiến hành khai quật khảo cổ học nền điện Cần Chánh, hé mở nhiều dấu tích quan trọng.

Ngày 23.8.2023, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức công bố kết quả khai quật khảo cổ học nền điện Cần Chánh.

Qua khai quật khảo cổ học đã phát hiện, thu thập nhiều hiện vật gồm mảnh sành sứ, gạch… và bắt đầu lộ ra các dấu tích của phần nền móng cũ công trình điện Cần Chánh.

Kết quả khai quật đã xác định được các tầng nền móng qua các thời kỳ khác nhau của điện. Cụ thể, các nhà khảo cổ xác định điện Cần Chánh chỉ còn nền móng xây bằng gạch vồ và đá Thanh (trên nền gốc của công trình), các chân đá tảng đá Thanh còn tương đối nguyên vẹn. Các bậc cấp phía nam, bắc, đông, tây xây bằng gạch vồ mặt ốp đá Thanh bị xô lệch. Các lớp địa tầng và quá trình biến đổi nền móng qua các thời kỳ, xác định nền điện bị sụt lún và quá trình này vẫn đang diễn ra.

'Kỳ duyên' phục hồi điện Cần Chánh: Hé mở dấu tích từ lòng đất- Ảnh 1.

Hình ảnh các hố đào khảo cổ học nền móng điện Cần Chánh

TL H.H.HÀNH

Theo ông Hồ Hữu Hành, Giám đốc Công ty CP tu bổ di tích Huế, kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu trước đây đều xác định nền móng kiến trúc của ngôi điện vẫn giữ nguyên vẹn, không có sự biến đổi. Tuy nhiên, qua các hố đào trong lòng nền và ở bó móng phía ngoài đều cho thấy nền móng hiện trạng đã thu hẹp và tôn cao hơn so với nền điện thời Gia Long. Về kết cấu, kiến trúc nền điện thời Gia Long không có gì khác so với hiện trạng. Gia cố được đầm bằng kỹ thuật truyền thống bởi gạch ngói vỡ vụn và đất laterit nện chặt; đáy gia cố được đệm cát. Tùy từng vị trí mà đệm cát có độ nông sâu khác nhau. Phía đông, phía tây và phía bắc đệm cát dày khoảng 60 - 70 cm; riêng mặt phía nam, là khu vực chịu lực lớn, thân móng cao, nên đệm cát sâu đến

110 cm. Việc sử dụng đệm cát ở hệ thống bó móng và trụ gia cố chân cột cũng như sử dụng đất sét đầm chặt cùng với cát ở lòng nền cho thấy nền đất điện Cần Chánh yếu, dễ bị úng ngập. Do đó nền điện bị sụt lún nghiêm trọng.

TỪNG TRẢI QUA 11 LẦN TU SỬA

Theo Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, việc khảo cổ điện Cần Chánh là cơ sở quan trọng để xây dựng phương án tu bổ, phục hồi di tích. Trong quá trình khai quật, khảo cổ, Trung tâm tiếp tục tổng hợp các hình ảnh, tư liệu về điện Cần Chánh qua nhiều nguồn lưu trữ, trong đó có những bức ảnh của người Pháp đã chụp khi điện còn nguyên vẹn, từ đó đối sánh để đưa ra giải pháp trùng tu chuẩn mực và phù hợp nhất.

Kết quả khai quật khảo cổ học cũng đã xác định được nền móng kiến trúc các thời kỳ. Trong đó, qua các hố đào trong lòng nền và ở bó móng phía ngoài đều cho thấy nền móng hiện trạng đã thu hẹp và tôn cao hơn so với nền điện thời Gia Long. Về kết cấu, kiến trúc nền điện thời Gia Long cũng không có gì khác so với hiện trạng. Kết quả khảo cổ học cũng đã tìm thấy dấu tích nền móng từ khi xây dựng vào năm 1804 thời vua Gia Long đến khi bị phá hủy vào năm 1947, điện Cần Chánh đã trải qua 11 lần tu sửa với những mức độ khác nhau. Công tác khảo cổ học giúp xác định yếu tố nguyên gốc của nền móng công trình và các giai đoạn biến đổi địa tầng.

Một số ý kiến cho rằng quá trình phục dựng điện Cần Chánh phải tiến hành khoan thăm dò địa chất để thiết kế xây dựng nền móng đảm bảo độ bền vững cho công trình. Và giai đoạn lựa chọn phục dựng ngôi điện nên chọn vào thời vua Khải Định, bởi thời điểm đó điện Cần Chánh là một trong những công trình kiến trúc đẹp tiêu biểu của nhà Nguyễn.

Đối chiếu với sử liệu cho thấy vào năm 1887, điện Cần Chánh được tu bổ với quy mô lớn. Toàn bộ ngôi điện được tháo dỡ và dựng lại sau khi sửa chữa, nên vua và các đại thần làm việc tại điện Khâm Văn (vườn Cơ Hạ) trong 8 tháng. Kết quả khai quật cũng có thể xác định vào giai đoạn này nền móng kiến trúc điện đã được thay đổi như hiện nay, đồng thời cũng tôn cao lòng nền. Qua kết quả khai quật, ở khu vực phía bắc phát hiện nền điện thời Đồng Khánh bị sụt lún nghiêm trọng nhiều chỗ.

Theo sử liệu, đến thời vua Thành Thái, nền điện đã được đổi lát bằng gạch hoa, gạch phủ trùm lên toàn bộ bề mặt của chân tảng và mặt đá phân chia khu vực nội điện. Do đó, khi đổi lát gạch hoa, người xưa thêm một lớp gia cố nền, lớp này chỉ có ở những vị trí lõm lún.

Đến thời vua Khải Định, qua ảnh tư liệu cho thấy đây là giai đoạn bộ mặt kiến trúc có nhiều thay đổi. Cửa kính bảng khoa đã được lắp dựng, thêm phần đá tảng cổ bồng, hệ thống khung gỗ bên trong đã được sơn son thếp vàng. Từ các hố đào, phát lộ dấu vết chân tảng cổ bồng gắn trên bề mặt chân tảng vuông ở phía dưới, trong khi đó mặt cắt nền không thấy xuất hiện lớp vữa và gia cố mới của nền kiến trúc.

Đến thời vua Bảo Đại, kiến trúc đã có sự biến đổi khác biệt so với các giai đoạn trước. Ngoài những sự thay đổi về máng xối, bờ nóc, bờ quyết... thì phát hiện dấu tích móng gạch vồ nằm phía trong của móng bó nền ở mặt phía đông và tây. Móng gạch vồ có kích thước rộng 30 cm, mạch liên kết bằng vôi vữa màu trắng xám, mạch to, thô. Đây có thể là dấu tích còn lại của tường nhà bít đốc đầu hồi ở mặt đông và tây. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.