Kỳ diệu ca phẫu thuật cắt nối phế quản cứu bé gái chỉ còn 1 lá phổi

25/06/2020 16:22 GMT+7

Bệnh nhi bị u phế quản và đã phải cắt bỏ một bên phổi. Bệnh tái phát, u bít kín phế quản còn lại, khí quản và thùy phổi. Bác sĩ đã phẫu thuật ngoạn mục, cắt phế quản, nối phổi với khí quản, cứu sống bệnh nhi.

Bệnh nhi chỉ còn 1 bên phổi

Hôm nay (25.6), thạc sĩ - bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết: Bé gái T.T.Q.N (12 tuổi, ngụ Đồng Nai) từ năm 2018 đã được chẩn đoán u phổi trái tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM). Lúc đó, bệnh nhi phải phẫu thuật cắt bỏ phổi trái và chỉ còn một bên phổi phải.
Đến tháng 3.2020, bệnh nhi ho nhiều, khó thở và đi khám lại tại Bệnh viện Nhi đồng 2, sau đó, chuyển sang Bệnh viện Ung bướu (TP.HCM). Kết quả CT scan ngực và nội soi phế quản ghi nhận: theo dõi u tái phát ở đỉnh phổi phải.
Bệnh nhi được điều trị ở Bệnh viện Ung bướu, rồi tiếp tục được chuyển qua Bệnh viện Nhi đồng 1.

Phẫu thuật cứu sống bé gái một lá phổi có khối u hiếm gặp

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, bé khó thở và tiến triển suy hô hấp nặng, không thể thở được, phải hỗ trợ thở ô xy liên tục.
Qua các chẩn đoán, xét nghiệm hình ảnh, các bác sĩ nhận thấy, bệnh nhi có u ở phế quản, xâm lấn lên phía trên gốc phế quản và khí quản, đồng thời lan xuống cả thùy trên của phổi phải.
“Bệnh nhi chỉ còn một bên phổi, khối u hiện lại gần như bít kín bên phế quản còn lại. Khi nội soi, bác sĩ cũng phải giật mình vì đường thở hẹp kín, ngay cả ống nội soi nhỏ nhất cũng không luồng vào được. U nằm ngay “độc đạo” nên không khí không thể đi vào phổi, khiến bệnh nhi không thể thở được”, bác sĩ Hiếu đánh giá.
Vì vậy, nếu bệnh nhi không được can thiệp gì thì chắc chắn sẽ tử vong.

Ca mổ ngoạn mục

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 đã mời các bác sĩ Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) đến cùng hội chẩn và quyết định phối hợp phẫu thuật cho bệnh nhi. Bác sĩ Đào Trung Hiếu là phẫu thuật viên chính.
Bác sĩ Hiếu đã cắt bỏ phế quản gốc bên phải và phần thấp nhất của khí quản, một phần thùy trên của phổi phải (những vị trí u xâm lấn), sau đó, lấy phế quản trung gian cắm vô khí quản nối lại đường thở cho bệnh nhi.
Ca phẫu thuật diễn ra ngày 12.6, kéo dài hơn 5 giờ và đã hoàn thành thành công.
Bệnh nhi được chăm sóc hậu phẫu. Hiện tại đã ổn định sức khỏe, bình phục, có thể tự thở, sinh hoạt lại bình thường.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Hiếu, hiện giờ, bệnh nhi chỉ còn 2/5 phổi nên chức năng hô hấp chỉ bằng 4/10 so với người bình thường.
Qua giải phẫu bệnh phẩm sau phẫu thuật, các bác sĩ xác định u phế quản của bệnh nhi là dạng bướu nguyên bào sợi cơ viêm. Đây là một bướu ác tính, có tỉ lệ tái phát khoảng 2%, nhưng có thể điều trị với hóa trị.
Vì vậy, bé sẽ được chuyển qua Bệnh viện Ung bướu để tiếp tục các liệu trình điều trị tiếp theo.
“Bướu nguyên bào sợi cơ viêm ở phế quản, phổi rất hiếm gặp. Ca bệnh này rất khó nhưng nếu không làm gì thì bệnh nhi sẽ từ từ suy hô hấp và tử vong. Làm hết sức thì có cơ may có thể cứu được bệnh nhi, cho dù vô cùng khó khăn. Mình đã làm hết sức và phép màu đã đến - bé được cứu sống”, bác sĩ Hiếu chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.