[KỲ CUỐI] Lật tẩy ‘động’ livestream khiêu dâm, cờ bạc: Cơ quan chức năng ở đâu?

28/06/2021 09:00 GMT+7

Nhiều chuyên gia đã lên tiếng và mong muốn thực trạng livestream khiêu dâm, chào mời cờ bạc đầy nhơ nhuốc và vi phạm pháp luật này cần nhanh chóng bị dẹp bỏ, xóa sổ.

Theo ông Trần Viết Quân, Giám đốc Công ty ứng dụng di động Xanh, sở dĩ hiện nay xuất hiện nhan nhản các app livestream khiêu dâm, quảng bá cờ bạc như thế vì nguồn doanh thu quảng cáo từ các ứng dụng khiêu dâm, hay doanh thu trong các game cờ bạc là rất lớn. Do nhu cầu lớn và dòng tiền doanh thu lớn nên dù vi phạm pháp luật nhiều cá nhân và tổ chức vẫn tập trung cho ‘miếng bánh’ này. Và đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh thì người dân ở nhà nhiều, các ứng dụng thuộc nhóm giải trí dễ dàng được tải và sử dụng hơn thời điểm bình thường.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Đào Lưu, Giảng viên Trường ĐH Văn Lang, cho rằng đây là những hành vi không đúng đắn và cần lên án của xã hội. "Đây là thực trạng đáng báo động khi một số người trẻ có những hành vi ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục như khoe thân khiêu dâm hay thậm chí hành vi phạm pháp như kêu gọi người khác tham gia đánh bạc", bà Lưu nói.
Chia sẻ với những cô gái đang là idol, bà Lưu nhắn nhủ: "Nếu xem việc khỏa thân kiếm tiền như một cái nghề thì cái giá mà bạn phải trả sẽ vô cùng đắt. Hãy luôn cẩn trọng và sáng suốt trước khi hành động. Việc bạn khoe thân không làm tăng giá trị của bạn một chút nào. Đó là còn chưa kể đến những hệ lụy như rơi vào vòng lao lí khi bạn lôi kéo người khác xem những văn hóa phẩm thiếu lành mạnh hay lôi kéo người khác đánh bạc là phạm pháp".

Nhiều cô gái livestream khiêu dâm, chào mời bài bạc mà không biết nhiều hệ lụy đang chực chờ họ

Chặn đứng, dẹp bỏ bằng cách nào?

Theo ông Quân, rất cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng để điều tra, nhất là đối với các ứng dụng có lượng người dùng lớn và có nhiều yếu tố vi phạm pháp luật. "Có thể căn cứ xem một lượng lớn truy cập đang đi vào tên miền không chính thức nào, hay dòng tiền lớn đang đi qua các kênh thanh toán nào để kiểm tra...", ông Quân đề xuất.
Theo bà Lưu, bản thân mỗi người trẻ cần có những cái nhìn đúng đắn về những hành vi thiếu chuẩn mực. Rèn luyện một thói quen và hành vi sử dụng mạng xã hội lành mạnh, văn minh. Phụ huynh cần tăng cường giáo dục cho con cái những chuẩn mực giá trị, chia sẻ và can thiệp kịp thời khi phát hiện con cái có những hành vi thiếu nghiêm túc. Cơ quan chức năng, cần nâng cao đẩy mạnh nhận thức của người dân về luật an ninh mạng. Cần có những quy định cụ thể, chặt chẽ về những hành vi sử dụng mạng thế nào là vi phạm và đâu là chuẩn mực và tăng cường kiểm soát và xử phạt những website, trang mạng có những nội dung thiếu lành mạnh.
Ông Ngô Văn Huấn, thạc sĩ xã hội học tại TP.HCM, cho rằng hiện tượng này là loại "vi rút giá trị xấu", có khả năng lây lan và luôn tồn tại trong cộng đồng.
"Vậy phòng chống thì có thể áp dụng như chiến lược chống dịch. Nghĩa là xác định mục tiêu (siêu F0). Tiến hành truy vết, cách ly, điều trị bằng các biện pháp kỹ thuật và hành chính. Sau đó khoanh vùng chia cắt, giám sát chặt chẽ, nhất là các biện pháp công nghệ. Và ‘tiêm vắc xin; bằng cách sử dụng sức mạnh cộng đồng để cung cấp thông tin, phản công bằng việc lan tỏa, cổ vũ, định hướng những giá trị tốt đẹp (vi rút an toàn) để qua đó chúng ta tạo miễn dịch cộng đồng", ông Huấn nói.

Sở Thông tin truyền thông TP.HCM vào cuộc

Sau loạt bài Lật tẩy "động" livestream khiêu dâm, chào mời cờ bạc, ông Nguyễn Đức Thọ, Chánh Thanh tra Sở Thông tin truyền thông TP.HCM, cho biết sẽ tra soát lại những app livestream mà Báo Thanh Niên phản ánh, đăng tải trong bài viết. Với các trường hợp các trang mạng xã hội trực tuyến, ứng dụng app livestream đã được cấp phép, Sở Thông tin truyền thông sẽ phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tiến hành kiểm tra thực tế so với đề án xin cấp phép, sau đó xử lý theo quy định pháp luật.
Cũng theo ông Thọ, sẽ yêu cầu ngừng cài đặt, cung cấp dịch vụ trên website, kho ứng dụng app store và google play. Ngoài ra, sẽ áp dụng các biện pháp kỹ thuật ngăn chặn việc cung cấp dịch vụ trên mạng, cũng như đề nghị tước quyền sử dụng giấy phép.
Chia sẻ thêm về mức xử phạt, ông Thọ cho biết đối với mạng xã hội và các ứng dụng app livestream trên mạng internet cung cấp dịch vụ trao đổi, chia sẻ thông tin, hình ảnh, clip video có nội dung khiêu dâm, dung tục thì chủ thể thiết lập mạng xã hội, ứng dụng app sẽ bị xử phạt theo điểm b khoản 3 Điều 100 NĐ 15/2020/NĐ-CP về chủ động cung cấp thông tin dâm ô, đồi truỵ, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Còn đối với cá nhân lợi dụng mạng xã hội để sử dụng, chia sẻ những hình ảnh, clip video có nội dung dâm ô, đồi truỵ sẽ bị xử phạt theo điểm b khoản 1 Điều 101 NĐ 15/2020. Ngoài ra, căn cứ theo tính chất và mức độ vi phạm, sẽ chuyển hồ sơ để xem xét hành vi phạm tội truyền bá văn hoá phẩm đồi trụy. Còn về việc quảng cáo, chào mời hoặc cung cấp dịch vụ đánh bạc sẽ bị xử lý theo quy định về tổ chức đánh bạc và đánh bạc. 

Đối diện những mức phạt nào?

Theo luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP.HCM), bên cạnh luật An ninh mạng, thì ngày 17.6 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành quyết định số 874/QĐ-BTTTT về bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội.
"Hiện nay đã có đầy đủ các chế tài để xử lý các hành vi khiêu dâm, tổ chức đánh bạc trên không gian mạng. Tuy nhiên có thể thấy hiện nay mức xử phạt hành chính cũng như hình sự còn rất thấp. Do đó, cần phải có các chế tài mạnh hơn và yêu cầu xóa bỏ các app này trên hệ thống", ông Bình đề xuất.
Theo Luật sư Nguyễn Trung Tín (Đoàn Luật sư TP.HCM), hoạt động của các app khiêu dâm và tổ chức chơi bài bạc là vi phạm pháp luật, vi phạm thuần phong mỹ tục và có thể bị xem xét xử lý hành chính hoặc trong một số trường hợp nhất định sẽ bị xem xét xử lý hình sự.
Cụ thể, hành vi tổ chức đánh bạc có thể bị xem xét, xử lý ở mức phạt hành chính từ 10 – 20 triệu đồng, theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP và có thể bị xử phạt bổ sung. Về hình sự, có thể xem xét xử lý về tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc theo Điều 322 Bộ luật Hình sự, mức phạt từ có thể lên đến 10 năm tù.

Những sòng bạc trên các app livestream

Hành vi khiêu dâm có thể bị xử lý hành chính theo khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP với mức phạt từ 10 - 20 triệu đồng. Ngoài ra còn có thể bị xem xét xử lý theo Điều 326. Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, mức phạt có thể lên đến 15 năm tù.
"Những cô gái làm việc trên các web, app này đều có thể bị xem xét xử lý hành chính hoặc thậm chí là hình sự đối với các hành vi khiêu dâm, mời chào người khác đánh bạc. Về mức độ xử phạt những cô gái này có thể bị xem xét xử lý hình sự về hành vi giúp sức cho những đối tượng cầm đầu, tổ chức đường dây đánh bạc thông qua mạng, internet; xử lý hành chính về hành vi khiêu dâm theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP", ông Tín nói thêm…
Luật sư Tín bày tỏ mong muốn các cơ quan, ban ngành có liên quan như Bộ thông tin truyền thông, Bộ văn hóa, thể thao và du dịch, kết hợp với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) cần có biện pháp mạnh tay hơn nữa để kiểm tra, rà soát các trang web, nền tảng, ứng dụng có nội dung vi phạm pháp luật như đánh bạc, khiêu dâm… Bên cạnh đó, cần sử dụng các công cụ kỹ thuật để ngăn chặn kịp thời các trang web, app khiêu dâm, cờ bạc, phòng ngừa, bảo vệ cho các server, website, cơ sở dữ liệu, bằng các thiết bị an ninh mạng (phần cứng), các phần mềm chống các web, app này... 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.