Kỳ công luyện chó cứu nạn

18/02/2018 05:00 GMT+7

Bản năng hoang dã của loài chó là hung dữ, nhưng chó tham gia tìm kiếm cứu nạn chuyên nghiệp phải có tính khí hiền lành, đòi hỏi huấn luyện viên kiên nhẫn khổ luyện, vừa kiềm chế tính hung dữ vừa phát huy tối đa khứu giác của loài vật này.

Chiến thắng thiết bị hiện đại
Phòng truyền thống Trường trung cấp 24 Biên phòng (Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng) đang lưu giữ tiêu bản đặc biệt 2 chú chó Poma và Altop, từng lập công lớn trong tham gia tìm kiếm cứu nạn. Từ năm 2007 - 2012, Poma tìm kiếm thành công 28 người, còn thành tích của Altop là 14 người. Khi hai chú chó này qua đời, nhà trường giữ nguyên tiêu bản bộ da lông, phục chế và trưng bày tại phòng truyền thống.
Đội trưởng Đội sử dụng chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn (Trường trung cấp 24 Biên phòng), đại úy Đào Duy Hà, cho biết bộ môn huấn luyện chó tìm kiếm cứu nạn ra đời năm 2006, chỉ 1 năm sau đã lập công lớn khi thực hiện nhiệm vụ tại vụ sập núi đá thủy điện Bản Vẽ (Nghệ An) vùi lấp hàng chục công nhân vào tháng 12.2007. “Trước khi điều chó vào, những thiết bị dò tìm kim loại hiện đại nhất ở Việt Nam lúc đó cũng được sử dụng tìm kiếm để dò tìm, định vị các máy cẩu, lần manh mối tìm công nhân, nhưng không mang lại kết quả”, đại úy Hà nhớ lại.
Giữa mỏ đá ngổn ngang, cặp chó Poma và Altop dưới sự chỉ huy của huấn luyện viên kiên nhẫn rà soát tìm kiếm và nhanh chóng phát hiện 13 vị trí có hơi người. Lực lượng chức năng cho máy móc san ủi, đào bới và tìm thấy được 11 thi thể, trong đó có thi thể nằm sâu 13,7 m dưới đống đất đá. “Tôi nhớ, khi họp, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải (hiện là Bí thư Thành ủy Hà Nội) yêu cầu phải múc toàn bộ đá sạt lở để tìm người, dù ước chừng khối lượng công việc cần làm khoảng 3 tháng liên tục, chi phí tiêu tốn khoảng 30 tỉ đồng. Nhưng khi sử dụng chó tìm kiếm cứu nạn chỉ mất hơn 10 ngày và tốn khoảng 2 tỉ đồng cho chi phí vận hành máy móc thiết bị hỗ trợ”, đại úy Hà kể.
Kỳ công luyện chó cứu nạn 1
Trung úy Đoàn Văn Hoàn và chú chó tìm kiếm cứu nạn Poma
Săn tìm và khổ luyện
Việc tuyển chọn chó để đưa vào huấn luyện tìm kiếm cứu nạn vô cùng khắt khe. Đại tá Nguyễn Xuân Phương, Phó hiệu trưởng Trường trung cấp 24 Biên phòng, cho biết chó được chọn trong đàn bố mẹ giống nhập khẩu từ Anh, Đức và Bỉ nhưng đã qua thời gian thuần dưỡng, thích nghi với khí hậu thay đổi theo mùa của Việt Nam. Chọn chó tìm kiếm cứu nạn, khứu giác là yếu tố then chốt. Chó con sinh sau 3 tháng tuổi, các chuyên gia chọn con có khứu giác tốt bằng cách quan sát tỉ mỉ chó trườn bò, dùng mũi hít ngửi đồ vật. Trong số hàng trăm con chó ra đời mỗi năm, tỷ lệ chọn đưa vào huấn luyện chỉ có 10 - 20%. Sau đó, chó tiếp tục trải qua quy trình đánh giá chỉ số thần kinh và chỉ giữ lại những con có thần kinh ở mức “cân bằng và linh hoạt”, đưa vào huấn luyện các kỹ năng. Sau khoảng 2 năm sàng lọc, số chó tinh nhuệ chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.
Đại úy Hà cho rằng, bản năng của loài chó rất hung dữ. Nhưng đối tượng tìm kiếm cứu nạn là con người, đòi hỏi huấn luyện viên phải tìm cách chế ngự, kiềm chế bản năng nguy hiểm này, để chó nếu tìm thấy người sống phải biết cứu người, khi tìm thấy người chết không được lao vào cắn xé, chỉ dùng tiếng kêu báo hiệu. Ngay từ nhỏ, chó được tách đàn, nuôi nhốt ở khu riêng biệt, tránh yếu tố ngoại cảnh, kích thích hung dữ từ trong bầy đàn. Cho đến khi 8 - 12 tháng tuổi, chó bắt đầu được giao cho từng huấn luyện viên làm quen luyện tập, thành lập phản xạ có điều kiện theo nguyên tắc từ dễ đến khó, đơn giản đến phức tạp.
Theo đại úy Hà, mỗi con chó đều có đặc tính riêng, quy trình huấn luyện bắt buộc huấn luyện viên phải xác định được đồ vật chó yêu thích nhất làm vật chủ đưa các nguồn hơi nhận dạng trong suốt vòng đời huấn luyện.
Luyện và cho ra "lò" những chú chó tinh nhuệ nhất, cán bộ chiến sĩ đã không quản ngại dùng cơ thể mình cho các bài tập. Trong các bài tập thực địa sát hạch chó, cán bộ, chiến sĩ trực tiếp nằm sâu trong ngách hầm tối tăm, nóng bức, thậm chí phải đeo mặt nạ có ống thở nằm sâu dưới bùn đất. “Tùy thuộc vào yêu cầu độ nông sâu đặt nguồn hơi, cán bộ chiến sĩ phải nằm yên trên thao trường 3 - 4 giờ cho chó luyện tập”, đại úy Hà nói.
Kỳ công luyện chó cứu nạn 2
Chó tìm kiếm cứu nạn phải luyện tập hằng ngày trên thao trường để sẵn sàng làm nhiệm vụ đột xuất Ảnh: P.Hậu
Chăm chó như... chăm trẻ
Gần 10 năm mở chuyên ngành huấn luyện chó tìm kiếm cứu nạn, sau cặp chó huyền thoại Poma và Altop đầu tiên, Trường trung cấp 24 Biên phòng đã sản sinh ra cặp chó tìm kiếm cứu nạn đặc biệt tinh nhuệ với tên gọi Pocka và Tosy. Gần đây nhất, cặp Pocka và Tosy lần lượt do trung úy Đoàn Văn Hoàn, trung úy Đặng Hùng Sơn chăm sóc, huấn luyện, đã góp công lớn tìm thấy thi thể vận động viên leo núi người Anh Aiden Webb gặp nạn giữa núi rừng Fansipan (huyện Sa Pa, Lào Cai) vào tháng 6.2016. Khi được tung vào rừng, nhờ nguồn hơi trên quần áo, giày của nạn nhân để lại ở khách sạn, Pocka và Tosy xác định thành công điểm cuối cùng của du khách trước khi mất tích. Một ngày sau, thi thể của Aiden Webb được phát hiện dưới thác nước gần tọa độ chó nghiệp vụ đánh dấu.
Trung úy Hoàn nhớ nhất lần Pocka bị sốt cao, nằm bệt ở chuồng nuôi, anh phải bế thốc lên bệnh xá cho bác sĩ thú y điều trị. Pocka không muốn rời xa chủ, trung úy Hoàn cắp chăn chiếu lên bệnh xá nằm trông chó. “Gần 1 tuần điều trị, em tự tay bón, đút cho Pocka từng thìa cháo, muôi sữa. Có đêm nó sốt cao, em thức trắng ôm nó trên tay, vỗ về nằm im cho bác sĩ tiêm thuốc, truyền dịch”, trung úy Hoàn nói.
Còn với chó Tosy, trung úy Sơn cũng dành nhiều thời gian hơn 8 giờ làm việc mỗi ngày để gần gũi, chăm sóc.
Huấn luyện viên phải dành thời gian dắt chó đi dạo, chải lông cho chó, bởi đây là lúc dễ làm thân nhất. Khoảng thời gian này, huấn luyện viên phát hiện cá tính nổi trội của chó để luyện phản xạ hằng ngày. “Nghề của chúng tôi là sống, làm bạn với chó. Người hôi hám nhưng ai cũng yêu nghề, nỗ lực để chú chó của mình tìm được nạn nhân trong thiên tai, sự cố”, trung úy Sơn chia sẻ.
Nghiêm cấm bạo hành khi huấn luyện
Theo đại tá Nguyễn Xuân Phương, các huấn luyện viên bị nghiêm cấm sử dụng các hành vi thô bạo như đấm đá, dùng dây roi quất, vụt chó. Khi bị đối xử thô bạo, tâm lý, thần kinh của chó bị ức chế sẽ không bao giờ tuân thủ theo hiệu lệnh huấn luyện, làm hỏng các phản xạ hình thành trong huấn luyện.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.