Kỳ bí lăng mộ cổ: Lăng thân phụ Thái hậu Từ Dũ

20/01/2016 05:48 GMT+7

Lăng Hoàng gia, hay còn gọi là lăng Thượng thư Phạm Đăng Hưng (thân phụ Thái hậu Từ Dũ) tọa lạc bên phải quốc lộ 50, trên gò đất cao ráo mà người dân trong vùng gọi là giồng Sơn Quy, thuộc ấp Lăng Hoàng gia, xã Long Hưng, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang.

Lăng Hoàng gia, hay còn gọi là lăng Thượng thư Phạm Đăng Hưng (thân phụ Thái hậu Từ Dũ) tọa lạc bên phải quốc lộ 50, trên gò đất cao ráo mà người dân trong vùng gọi là giồng Sơn Quy, thuộc ấp Lăng Hoàng gia, xã Long Hưng, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang.

Kiến trúc lăng Phạm Đăng Hưng - Ảnh: Lương Chánh TòngKiến trúc lăng Phạm Đăng Hưng - Ảnh: Lương Chánh Tòng
Phạm Đăng Hưng (1764 - 1825) có tên tự là Hiệt Củ, người Tân Hòa, thành Gia Định (nay là ấp Lăng Hoàng Gia, xã Long Hưng, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang). Ông đã giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều Nguyễn, là thân phụ của Thái hoàng Thái hậu Từ Dũ (Từ Dụ), là ông ngoại của vua Tự Đức và là cha của phò mã Phạm Đăng Thuật.
Nấm mộ hình lá sen úp
Tên gọi “lăng Hoàng gia” không biết xuất hiện từ thời điểm nào, vì theo quy định của triều đình, danh từ Hoàng gia chỉ gắn với nội tộc, không được gọi với ngoại tộc. Nhưng có lẽ, do vị thế của Phạm Đăng Hưng nên người Nam bộ mới gọi khu lăng của ông là “lăng Hoàng gia”. Khu di tích có diện tích hàng ngàn mét vuông với phức hợp các công trình kiến trúc: đền thờ, sân vườn, đường nội khu, hồ sen, giếng nước, lăng mộ... xây dựng vào nhiều thời điểm khác nhau từ đầu thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20.
Đền thờ Phạm Đăng Hưng được vua Thành Thái xây dựng vào năm 1888, trùng tu tôn tạo vào năm 1921 với những đặc điểm kiến trúc và trang trí nội thất cũng như bài trí đồ tế tự mang tính cung đình. Đây là một công trình kiến trúc hiếm có ở Nam bộ với các đồ án hoa văn trang trí rồng phụng, hoa lá hóa rồng, bát bảo, tứ quý..., có kỹ thuật chạm trổ tinh xảo, sơn son thiếp vàng mang phong cách hoàng gia.
Tiêu biểu trong quần thể di tích là kiến trúc lăng mộ Phạm Đăng Hưng. Dấu tích hiện tồn cho thấy kiến trúc khu lăng mộ được xây bằng hợp chất với nhiều lớp thời gian khác nhau, trong đó đáng chú ý là những viên gạch thẻ xây ở khu vực giếng nước có các ký hiệu của các xưởng gạch triều đình giai đoạn đầu thế kỷ 19 như Đinh nhị, Giáp tam...
Hiện tại kiến trúc lăng Phạm Đăng Hưng nhìn về hướng bắc, mặt bằng kiến trúc có dạng hình thuẫn, cao dần từ ngoài sân tế vào trong bình phong hậu, kích thước tổng thể rộng ngang 19 m, dài sâu 26 m, cao nhất (bình phong hậu) so với cốt nền là 4 m. Kết cấu kiến trúc từ ngoài vào trong gồm: trụ biểu hai bên, sân tế, nhà bia tả hữu, khu cửa lăng, nhang án, bia mộ, nấm mộ, bình phong hậu Toàn bộ khu kiến trúc khu lăng được bao quanh bởi hai lớp tường thành kết hợp với các trụ biểu. Nhiều đồ án hoa văn bằng chất liệu hợp chất đề cá hóa rồng, ngũ quả, lá nho, đèn lồng, đài hoa… mang những đặc điểm điển hình trong trang trí mỹ thuật thời Nguyễn giai đoạn đầu thế kỷ 20 chịu ảnh hưởng của phương Tây đã từng gặp trên lăng Khải Định ở Huế.
Điều đặc biệt là nấm mộ Thượng thư có dạng gò cao, hình bát giác, như một lá sen lớn úp xuống. Tương truyền khi an táng, ông được an vị trong tư thế ngồi. Trước nấm mộ dựng một tấm bia được lập vào năm Minh Mệnh thứ 6 (1825), “do các con trai là Tá và Tuấn cùng dâng kính thờ tự”.
Tấm bia lưu lạc hơn 1 thế kỷ
Bia của vua Tự Đức ngự chế
Bia của vua Tự Đức ngự chế
Năm 1857, vua Tự Đức ra lệnh cho đại thần Phan Thanh Giản và Trương Quốc Dụng tạc bia và ngự chế minh văn ghi nhớ công đức để dâng tiến vào khu lăng mộ của ông ngoại mình là Thượng thư Phạm Đăng Hưng ở Gò Công. Thế nhưng mãi hơn 1 thế kỷ sau tấm bia mới về đến khu lăng một cách hết sức kỳ bí sau hành trình dài chìm nổi cùng thời cuộc.
Số là khi bia được tạc xong theo lệnh vua Tự Đức, sau khi vận chuyển từ Huế vào Gò Công, tấm bia đã lọt vào tay người Pháp trong quãng thời gian thực dân Pháp nổ súng xâm lược VN (1858) và trở thành chiến lợi phẩm của họ.
Năm 1860, trong trận đụng độ giữa người Pháp và nghĩa quân yêu nước ở chùa Khải Tường (nay là khu vực Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Q.3, TP.HCM), một viên sĩ quan Pháp tên Barbé bị tử trận. Đồng đội của y đã tạc đè lên trên minh văn ngự chế của vua Tự Đức hình thánh giá và minh văn chữ Pháp với nội dung: đây là nơi an nghỉ của Barbé - đại úy thủy quân lục chiến, tử trận trong trận phục kích ngày 7.12.1860… rồi đem dựng tại nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi (nay là khu vực công viên Lê Văn Tám).
Sau khi giải tỏa nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi để xây dựng công viên, cơ quan chức năng phát hiện và nghiên cứu tấm bia mới biết được đây là tấm bia gốc do vua Tự Đức tạc dâng khu lăng mộ của ông ngoại tại Gò Công. Năm 1998, TP.HCM đã thực hiện bàn giao tấm bia cho tỉnh Tiền Giang để trả về cho khu lăng mộ của Thượng thư Phạm Đăng Hưng sau hơn 1 thế kỷ lưu lạc và bị xâm hại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.