Kỳ án 16 năm, 20 lần ra tòa liên quan dự án đường Hồ Chí Minh

Nguyễn Tú
Nguyễn Tú
02/11/2019 08:00 GMT+7

Kỳ án tại dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua Kon Tum kéo dài 16 năm với nhiều tình tiết được cho rằng có dấu hiệu oan sai, vừa kết thúc phiên phúc thẩm với kết quả "có tội", tuy nhiên mức án lại được giảm rất sâu.

Chiều 1.11, sau 3 ngày xét xử phúc thẩm, TAND cấp cao tại Đà Nẵng tuyên án kỳ án lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng tại dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn Kon Tum.

HĐXX tuyên phạt Bùi Hải Nhân (Phó ban chỉ huy công trường Công ty 621) 3 năm 6 tháng tù (trừ thời hạn tạm giam còn chấp hành hơn 1 năm tù); Nguyễn Kim Sơn (Giám đốc Công ty 621), Lê Quang Tứ (Phó giám đốc Công ty 621), Trịnh Duy Minh (Giám đốc Công ty Thanh Nam) cùng 3 năm tù treo; Trịnh Duy Thông (Đội trưởng thi công Thanh Nam), Nguyễn Thanh Phương (Phó ban dự án Tổng công ty 6) cùng 2 năm 6 tháng tù treo, cùng tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Trong 5 bị cáo còn lại phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, Trần Thanh Hải (Đội trưởng Ban quản lý Kon Tum) bị tuyên phạt 1 năm 6 tháng tù treo; còn lại Nguyễn Thanh Phương (Phó giám đốc dự án), Trần Ngọc Thị (kỹ sư giám sát Văn phòng Tư vấn giám sát 8), Phạm Huy Thông (chuyên viên) và Nguyễn Đức Nam (Phó phòng Ban quản lý dự án) được miễn hình phạt.

Các mức án trên giảm rất sâu theo đề nghị của Viện KSND cấp cao tại Đà Nẵng trước đó. Ở phiên sơ thẩm năm 2018, TAND tỉnh Kon Tum tuyên phạt các bị cáo từ 1 năm tù treo đến 10 năm tù.

Theo vụ án, năm 2000, phương án nổ mìn phá đá được duyệt ở một số đoạn dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn Kon Tum không làm được do ảnh hưởng đường dây 500 kV. Bị cáo Bùi Hải Nhân cải tiến phương pháp nổ mới với sự tham gia của các bị cáo khác, đã đảm bảo an toàn đường dây, hoàn thành trước tiến độ; do điều chỉnh nên các bị cáo làm lại hồ sơ trình phê duyệt.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho rằng thi công khác nhưng thanh toán theo phương án cũ gây thiệt hại cho nhà nước nên khởi tố các bị can vào năm 2003. 16 năm qua nhiều lần thay đổi tội danh từ tham ô đến lừa đảo.

Năm 2009, TAND tỉnh Kon Tum tuyên 2 bị cáo không phạm tội lừa đảo, còn lại phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng nhưng miễn trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, Tòa phúc thẩm TAND cấp cao tại Đà Nẵng tuyên hủy bản án trên.

Các bị cáo tại phiên tòa với vụ án kéo dài 16 năm

Ảnh: Nguyễn Tú

Kháng cáo kêu oan

Năm 2017, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đổi tội danh sang lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ.

Các bị cáo kháng cáo kêu oan, xin giảm án. Tại phiên tòa phúc thẩm, các bên tranh luận kịch liệt, Viện KSND cấp cao tại Đà Nẵng giữ quan điểm các bị cáo có tội trên cơ sở vụ án gây thiệt hại hơn 3,6 tỉ đồng, nhưng đề nghị giảm án cho 2 bị cáo vì án sơ thẩm quá nghiêm khắc, 8 bị cáo được hưởng án treo hoặc miễn trách nhiệm hình sự.

Các luật sư bào chữa cho rằng vụ án có dấu hiệu oan sai, mấu chốt xác định có tội hay không nằm ở việc vụ án có gây thiệt hại hay không. Đại diện chủ đầu tư là Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh xác định không thiệt hại. Trong khi đó, kết luận giám định Viện kiểm sát và Tòa án dùng để định tội vừa thiếu, vừa tính sai; trong khi các cơ sở khác, các bộ ngành đã trả lời rõ nhưng không được cơ quan điều tra áp dụng. 

Đoàn Đại biểu Quốc hội Đà Nẵng: Kêu oan có căn cứ

Tuy nhiên, HĐXX bác quan điểm của luật sư bào chữa cho các bị cáo. Ở lời nói sau cùng, nhiều bị cáo nghẹn ngào, có bị cáo đang bị ung thư, cho rằng vụ án đã kéo dài 16 năm, 20 lần ra tòa; đường Hồ Chí Minh là công trình trọng điểm, đoạn các bị cáo thi công không có sự cố nhờ phương pháp cải tiến, nhưng từ “có công cải tiến” thành “có tội”...

Theo HĐXX, hậu quả vụ án đã được khắc phục ngay, điều kiện làm việc thời điểm mở đường Hồ Chí Minh năm 2000 nhiều khó khăn, nhưng các bị cáo vẫn có nhiều thành tích. Vụ án kéo dài 16 năm, các bị cáo cũng chưa hưởng lợi từ hành vi phạm tội nên cần giảm nhẹ hình phạt.

Đáng chú ý, liên quan kỳ án này, trước phiên tòa phúc thẩm, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Đà Nẵng có văn bản đề nghị làm rõ nghi vấn cơ quan tố tụng vi phạm pháp luật, gửi các cơ quan của Quốc hội vì cho rằng các bị cáo kêu oan có căn cứ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.