Kỳ 4: Truyền thuyết Núi Cơm trên dốc Cổng Trời

30/01/2017 10:00 GMT+7

Người Dẻ ở xã Đăk Blô, H.Đăk Glei (Kon Tum) có truyền thuyết đặc sắc về ngọn Núi Cơm cao ngất trời trong vùng. Qua truyền thuyết, người Dẻ giải thích thêm nhiều địa danh bản địa.

Chúng tôi tìm về xã Đăk Blô, H.Đăk Glei (Kon Tum) nổi tiếng quanh năm mây phù bao phủ. Đêm, chúng tôi được nghe kể truyền thuyết Núi Cơm xứ này của đồng bào dân tộc Dẻ, giữa đêm lửa rừng bập bùng, miên man.
Vượt qua Cổng Trời
Hơn 15 giờ, từ trung tâm TP.Kon Tum, xếp đồ đạc gọn gàng vào chiếc ba lô, đổ đầy bình xăng, chúng tôi thẳng tiến về xã Đăk Blô. Vượt qua nhiều con dốc cao, ngoằn ngoèo, thẳng đứng thì cũng đến được đỉnh dốc Cổng Trời. Chiếc xe máy bốc khói khét lẹt vì đoạn đường từ ngã ba xã Đăk Man (H.Đăk Glei) vào xã Đăk Blô bị hư hỏng nghiêm trọng. Con dốc lại quá cao, khúc khuỷu.
18 giờ, màn đêm đã bao phủ. Mười mấy cây số đường rừng chúng tôi không gặp được một bóng người, nên cũng có cảm giác lạnh lạnh sống lưng. Phải đến gần 19 giờ, xe chúng tôi mới đến nơi.
Làng người Dẻ dưới chân Núi Cơm Ảnh: P.A

Do có báo trước nên ông A Ngỗi, Bí thư Đảng ủy xã Đăk Blô, dọn cơm tối đợi sẵn. Ông A Ngỗi bảo: “Làm một chén rượu cho ấm bụng nhé”?. Chưa đợi khách trả lời, A Ngỗi đến chiếc tủ đặt ngay cạnh cửa chính ra vào, múc một ca rượu lớn, thế là mọi người cùng ngồi xúm quanh chiếc bàn hình chữ nhật. Cậu con trai út của A Ngỗi xuống bếp bê đĩa thịt chuột hun khói, dọn lên. Chỉ có khách thật quý, người Dẻ mới đãi khách bằng món chuột rừng ấy.

Trong lúc uống rượu, A Ngỗi kể chuyện đời mình. Ông mồ côi mẹ từ năm mới lên 2 tuổi, 10 tuổi mồ côi cha và được dân làng nuôi dưỡng. Năm lên 16 tuổi thì ông phải ưng vợ theo ý của dân làng. Điều đặc biệt của người Dẻ là đàn ông không được phép bỏ vợ đi lấy vợ khác, nếu ai vi phạm sẽ bị làng phạt rất nặng và đuổi ra khỏi làng.

Ông kể về tục “củi bắt chồng”, về khu rừng "ma" huyền bí với tục “thiên táng"..., nhưng chúng tôi thích thú nhất khi ông kể về truyền thuyết Núi Cơm, ngọn núi cao sừng sững, uy nghi cao vút lên trời nằm ở phía cuối làng - biểu tượng no đủ của người dân Đăk Blô.       

Truyền thuyết Cổng Trời
A Ngỗi bảo, dốc Cổng Trời đã cao, còn ngọn Núi Cơm đầy vun còn cao hơn nữa. Nơi đây có truyền thuyết rất đặc biệt mà người làng ai cũng biết.
Tợp ngụm rượu cay, A Ngỗi kể, ngày xưa lâu lắm rồi, làng Bunr Koong và làng láng giềng Bunr Tôn trù phú nhất vùng: trâu đầy chuồng, ruộng nương đầy lúa, lúa ăn mãi không hết. Người người khi ấy ai cũng chăm chỉ đua nhau ra ruộng, ra rẫy để tuốt lúa đem về.

Một hôm, có gia đình nọ cũng ra đồng gặt lúa, vì quá trưa người mẹ chồng bảo cô con dâu về nhà nấu cơm, dặn: nếu nhà có khách thì nấu một hạt rưỡi gạo, nếu không có khách thì nấu nửa hạt gạo rồi đem vào rẫy cho bố mẹ ăn. Nửa hạt gạo trời khi ấy nấu ra nở to như cái nồi, 3 người ăn không biết đói, 6 -7 người ăn một hạt gạo không hết.

Cô con dâu băng rừng, vượt dốc về nhà, giữa đường gặp 1 con thằn lằn bất ngờ chạy ào qua đường, giật mình, cô quên lời mẹ chồng dặn, nên quay lại hỏi. Lần thứ 2, 3 rồi thứ 4, cô con dâu cũng tiếp tục gặp con thằn lằn tai quái, và cũng quên lời mẹ dặn. Quay lại đến lần thứ 4, mẹ chồng giận, bảo: " Mày thích nấu bao nhiều thì tùy."  

Về nhà, cô con dâu xúc cả một lon gạo cho vào nồi. Hạt gạo nấu lên nở ra, hạt này đến hạt khác, nở mãi nở mãi, ùn lên tới tận trời. Ông Trời sợ nồi cơm nở chọc đến mình nên làm mưa, làm gió và sai thần sét đánh gãy cột cơm ra ba khúc.

Con trâu trắng, vât hiến tế thần linh cùa đồng bào Tây nguyên Ảnh: P.A
Một khúc bên dưới nồi là ngọn Pêng Ơi (Núi Cơm) bây giờ, một khúc gãy văng bên cạnh người dân gọi là Pêng Hu (là dốc Cổng Trời ngày nay). Khúc còn lại văng ra xa hơn người dân gọi là Pêng Ay (đỉnh núi hiện thuộc địa phận Lào giáp với xã Đăk Blô). Sau cơn giận, ông Trời trách con người quá lãng phí lương thực, nên hóa kiếp cho hạt gạo nhỏ lại như ngày hôm nay.

Người dân ở Đăk Blô còn bảo phía dưới ngọn Núi Cơm vẫn còn ba hòn đá to bằng ngôi nhà đội một hòn đá rất to. Đó chính là chứng tích của cái kiềng ba chân mà cô gái dùng để nấu nồi cơm. Xen kẽ giữa 3 tảng đá to bằng ngôi nhà ấy là những tảng đá to bằng chiếc giường, có hình thù như củi và than, chính là để nấu cơm.

Hàng năm, người dân ở đây chỉ nhìn lên ngọn Núi Cơm cũng đoán biết được là năm nay được mùa hay mất mùa. Theo kinh nghiệm truyền đời, khi trời nắng, nhìn trên vách đá Núi Cơm có nước màu vàng rỉ ra là năm đó bà con trong xã làm ăn được mùa.

Còn nếu thấy núi Cơm cây cỏ xanh tốt, bám trên đá là năm đó sẽ bị mất mùa. Hễ mỗi khi mất mùa, thì bà con dân trong làng lại tổ chức ra Núi Cơm cúng kính để cầu xin ông Trời cho mùa sau làng được nhiều lúa gạo.

Hàng trăm năm qua, Núi Cơm vẫn được xem là biểu tượng sự ấm no, sung túc của người dân nơi đây. Ngày nay, nhiều người dân trong xã vẫn cho rằng 2 làng sống gần chân Núi Cơm là làng Bunr Koong và làng Bunr Tôn luôn no đủ, thịnh vượng hơn các làng khác trong xã vì các làng này ở gần nồi cơm nên không bao giờ thiếu ăn…

Ở Đăk Blô, còn nhiều câu chuyện kỳ bí khác mà có lẽ kể mãi cũng không hết chuyện...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.