Tiền mất, tật mang vì tai nạn khi làm thẩm mỹ:

Kỳ 3: Trị biến chứng đã khó, ổn định tâm lý bệnh nhân càng khó hơn

04/07/2023 08:00 GMT+7

Đầu tháng 6.2023, ông M. (62 tuổi, người Anh) đến Bệnh viện FV điều trị vết thương - hậu quả từ một sự cố khi căng da ở một Trung tâm thẩm mỹ. Các bác sĩ Khoa thẩm mỹ bệnh viện FV cho biết, vết mổ bị nhiễm trùng nặng, gây hoại tử da và có nguy cơ lan rộng.

Nhiễm trùng, hoại tử da vì căng da mặt tại thẩm mỹ viện không phép

Ông M. cho biết, vì tin lời tư vấn nhiệt tình cũng như thấy giá cả rất "phải chăng" của một trung tâm thẩm mỹ, ông đã quyết định căng da mặt tại đây. Không ngờ sau 8 ngày, vết mổ bị sưng tấy và chảy dịch. Quá lo lắng, ông M. vào Bệnh viện FV để điều trị.

Khi khám cho bệnh nhân, bác sĩ Trần Anh Tân (Viện Thẩm mỹ FV Lifestyle) nhận thấy vết mổ dài sát phần vành tai bị nhiễm trùng và hoại tử da. Một điểm khác là trung tâm thẩm mỹ kia đã khâu vết thương cho ông M. bằng stapler. Stapler là một dạng ghim khâu da, tuy giúp việc khâu vết thương nhanh chóng, nhưng vết khâu không đẹp nên ít được dùng trong phẫu thuật thẩm mỹ, bác sĩ Tân cho biết.

Kỳ 3: Trị biến chứng đã khó, ổn định tâm lý bệnh nhân càng khó hơn - Ảnh 1.

Bác sĩ Tân thực hiện phẫu thuật tại bệnh viện FV

FV

Bác sĩ Tân quyết định phẫu thuật điều trị nhiễm trùng cho bệnh nhân. Phải mất 4 tiếng đồng hồ bác sĩ mới cắt lọc hết tổ chức hoại tử và hoàn thành cuộc mổ. Hoại tử nhiều khiến vết thương bị khuyết tổ chức da khá nhiều; thêm vào đó bệnh nhân mới căng da mặt xong nên da rất căng. Điều này buộc bác sĩ phải cố gắng xoay xở khi khâu vết thương để tránh cho bệnh nhân một phẫu thuật ghép da phức tạp về sau.

"Ngoài ra còn phải đảm bảo không gây nhiễm trùng lần 2, chăm sóc vết thương ra sao để hạn chế sẹo lại là một vấn đề nữa", bác sĩ Tân phân tích. Rất may, được thực hiện trong phòng mổ được kiểm soát nhiễm khuẩn chặt chẽ, với sự tỉ mỉ cao độ của các bác sĩ, vết thương của ông M. sau đó đã lành, bệnh nhân được xuất viện ngày 18.6.

Điều trị tai nạn thẩm mỹ: Vô cùng phức tạp và khó khăn

Ông M. là một trong số nhiều trường hợp gặp tai nạn làm đẹp ở các trung tâm thẩm mỹ không đạt chuẩn và sau đó tìm đến Bệnh viện FV để "khắc phục hậu quả". Mới đây ngày 24.6, một phụ nữ gần 50 tuổi đến cấp cứu tại FV với biến chứng chảy mủ ở ngực do đặt túi ngực nước biển. Bác sĩ Nguyễn Thanh Vinh - Viện Thẩm mỹ FV Lifestyle tiến hành mổ cho bệnh nhân, hút ra hơn 300ml mủ và lấy khỏi cơ thể bà hai túi ngực đã bị mủ hóa. Nếu không điều trị kịp thời bệnh nhân có thể tử vong.

Kỳ 3: Trị biến chứng đã khó, ổn định tâm lý bệnh nhân càng khó hơn - Ảnh 2.

Tiêm filler bằng silicon lỏng gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm

Shutterstock

Các tai nạn thẩm mỹ thường gặp là phẫu thuật mắt (căng nếp nhăn quá đà khiến mắt không khép lại được cả khi ngủ, gây khô mắt), nâng mũi (nhiễm trùng gây hoại tử sống mũi, mũi bị vẹo/lệch sang bên, tụ máu…), phẫu thuật nâng ngực (nhiễm trùng, co thắt bao xơ, tụ máu, thông liên túi, vỡ túi ngực…), phẫu thuật hút mỡ bụng (nhiễm trùng, hoại tử da, chảy và tụ máu, lệch rốn…)…

Chẳng hạn, biến chứng nâng mũi gây ra sẹo co rút làm hẹp lỗ mũi, khiến bệnh nhân không thở được. Với hút mỡ tạo hình thành bụng, Bệnh viện FV từng điều trị cho một vài bệnh nhân với biến chứng da bị kéo căng quá mức, máu không tới được vùng vết thương dẫn đến hoại tử da. Việc xử lý những trường hợp hoại tử da là rất khó: cần mổ chắt lọc phần hoại tử thật kỹ, rồi chăm sóc vết thương đặc biệt cẩn thận…

Gần đây rộ lên biến chứng tiêm filler làm đầy ngực, mông, má, mắt… Các bác sĩ FV cho biết, chất được đưa vào cơ thể các bệnh nhân bị tai biến, hóa ra là silicon lỏng - chất bị FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) cho vào danh sách cấm sử dụng. Và việc điều trị lấy silicon lỏng khỏi cơ thể vô cùng phức tạp. "Chẳng hạn, để lấy silicon lỏng được tiêm vào ngực thì có khi phải tiến hành như một phẫu thuật đoạn nhũ, cắt bỏ toàn bộ tuyến vú. Và cho dù như vậy cũng vẫn còn vài phần trăm silicon sót lại trong cơ thể, nguy cơ gây phản ứng viêm lan tỏa, gây mất thẩm mỹ, viêm cơ cứng và nguy cơ mổ tới mổ lui nhiều lần", bác sĩ Nguyễn Thanh Vinh cho hay.

Tiêm filler còn gây ra những nguy hiểm sức khỏe như tai biến tắc mạch, gây mù mắt. Biến chứng nặng hơn là thuyên tắc phổi, tắc mạch máu não gây liệt nửa người, yếu liệt chi và thậm chí tử vong.

"Các di chứng tai biến của sillicon là áp lực rất lớn với phẫu thuật viên. Phải là người nhiều kinh nghiệm mới lên được phác đồ và tiên lượng kết quả điều trị để giải thích cho bệnh nhân", bác sĩ Vinh chia sẻ.

Khó khăn nhất là ổn định tâm lý cho bệnh nhân

Một thách thức khác với bác sĩ điều trị tai nạn thẩm mỹ, đó là phải biết cách ổn định tâm lý cho bệnh nhân. Họ nôn nóng muốn vừa điều trị biến chứng vừa làm đẹp liền - điều đó là bất khả. "Bệnh viện FV có quy trình y khoa đảm bảo an toàn cho sức khỏe cho khách hàng: 6 tháng sau điều trị biến chứng, những tổn thương thực thể đã lành thì mới lên phác đồ làm đẹp. Do vậy, bác sĩ phải có nhiệm vụ giải thích cho bệnh nhân hiểu", bác sĩ Vinh phân tích.

Kỳ 3: Trị biến chứng đã khó, ổn định tâm lý bệnh nhân càng khó hơn - Ảnh 3.

Bác sĩ Vinh quan niệm, làm bác sĩ thẩm mỹ cần biết từ chối khách hàng

FV

Trong thực tế, có những bệnh nhân sau khi tìm tới FV điều trị tai biến sau "dao kéo", họ nôn nóng đi điều trị ở nơi khác. Và rồi sau đó họ trở lại gặp bác sĩ Vinh vì không hài lòng với kết quả khi làm thẩm mỹ vội sau tai nạn đáng tiếc.

"Làm bác sĩ thẩm mỹ không hề đơn giản: để tạo quy trình đơn giản và hiệu quả đòi hỏi phải trải qua quá trình học hành, tôi luyện tay nghề. Và điều quan trọng, bác sĩ không được đánh mất mình, phải biết từ chối khách hàng khi gặp các yêu cầu làm đẹp có nguy cơ gây hại cho sức khỏe của họ", bác sĩ Vinh nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.