[Kỳ 2] Nghề kiếm tiền ngày cận tết: Dịch vụ chụp ảnh ăn nên làm ra

Tấn Đạt
Tấn Đạt
28/12/2022 06:00 GMT+7

Vào dịp tết, một số người trẻ “ hốt bạc ” khi kiếm được hàng chục triệu đến cả trăm triệu đồng nhờ nghề chụp ảnh.

Tạo không gian tết để thu hút khách

Bắt đầu từ giữa tháng 12, studio tại F34 Hoa Mai (P.Hiệp Thành, Q.12, TP.HCM) của anh Nguyễn Văn Đức (28 tuổi) đã ngập tràn sắc xuân với hơn 10 tiểu cảnh trang trí pháo, bao lì xì, đèn lồng, câu đối, cùng với hoa mai, hoa đào; rồi mô hình bánh tét, bánh chưng được chính tay người trong tiệm thực hiện và trang trí tỉ mỉ, đồng thời trang phục cũng được anh đầu tư thêm.

Anh Đức đã bắt đầu với nghề chụp ảnh hơn 3 năm nay. Ngoài đi chụp sự kiện, tiệc tùng thì dịp tết là thời gian anh bận rộn nhất trong năm. Bắt đầu từ Giáng sinh kéo dài đến hết mùng 9 tết, anh Đức cùng 4-5 thợ luôn tất bật với lịch chụp hình cho khách.

Studio của anh Đức rộn ràng đón khách chụp hình tết

Tấn Đạt

“Từ giữa tháng 12, mỗi ngày tôi chụp cho 4-5 khách. Họ chủ yếu chọn gói chụp ảnh gia đình với giá 1 - 2,5 triệu đồng. Nếu cứ đà này, doanh thu trong mùa tết năm nay của tôi ít nhất sẽ dao động từ 200 - 300 triệu đồng”, anh Đức nói.

Tương tự, studio tại 232/5B Nguyễn Văn Lượng (P.17, Q.Gò Vấp, TP.HCM) của Nguyễn Thụy Anh Thư (27 tuổi) cũng nhộn nhịp đón khách từ giữa tháng 12. Tại đây, Anh Thư đã dựng xong cảnh tết theo phong cách miền Tây Nam bộ xưa, các góc trang trí theo kiểu cổ với chủ đạo là mai vàng, nhà lá, hàng tre, giếng nước…

“So với năm ngoái, không gian trang trí tết đều được tôi mở rộng để phục vụ các hội, nhóm. Có hơn 30 tiểu cảnh, trung bình 1 khu chụp chứa được 10-15 người, giá dao động từ 400.000 đồng đến gần 2 triệu đồng/gói chụp. Bắt đầu từ cuối tháng 12, lượng khách trung bình bên tôi khoảng 10 người/ngày”, cô gái 27 tuổi nói.

Để tăng thêm thu nhập, Thư còn hỗ trợ cho thuê bối cảnh để khách tự chụp với chi phí 100.000 đồng/người và các trang phục như áo dài, sườn xám, bà ba… với giá 100.000 đồng/bộ.

Các bạn trẻ tận dụng không gian ngoài trời để chụp ảnh tết

Không chụp dạo, chỉ nhận đơn đặt trước

Anh Lê Nguyễn Nhật Minh (32 tuổi), ngụ hẻm 163 Thành Thái, P.14, Q.10, TP.HCM, cũng rục rịch chuẩn bị máy móc và xếp lịch cho 10 khách hàng đặt chụp ảnh xuân vào đầu tháng 1.2023.

“Cứ vào dịp tết, tôi cùng các anh em làm nghề nhiếp ảnh nhận nhiều đơn đặt hàng. Chi phí mỗi lần chụp ảnh bình quân khoảng 800.000 - 1 triệu đồng. Trước tết 1 tuần, lượng khách tăng gấp đôi so với ngày thường. Trung bình mỗi dịp tết tôi có doanh thu từ 25 - 35 triệu đồng nhờ nghề chụp ảnh”, anh Minh kể.

Để phát triển trong thời điện thoại thông minh

Anh Nguyễn Văn Đức cho rằng việc điện thoại “lên ngôi” không ảnh hưởng quá nhiều đến nghề chụp ảnh dịch vụ. “Bởi vì tôi vẫn đang ngày đêm tất bật chụp ảnh cho khách, làm việc với gần 10 nhân viên, mở các lớp đào tạo nhiếp ảnh…”, anh Đức khẳng định.

Tuy nhiên, anh Đức cho rằng một thợ ảnh muốn thích nghi và tồn tại được thì việc học kỹ thuật chụp ảnh chỉ là một phần, quan trọng là phải có các kiến thức marketing, kỹ năng tư vấn, chăm sóc khách hàng chuyên sâu và tỉ mỉ, cũng như phải nâng cao chất lượng dịch vụ.

Trong thời đại công nghệ số, anh Đức đã tận dụng các trang mạng xã hội để xây dựng thương hiệu. Anh luôn đưa ra những ý tưởng mới lạ, cảnh hậu trường buổi chụp ảnh gửi tới khách hàng... để quảng bá và phát triển thương hiệu.

Một số người trẻ cũng tận dụng bối cảnh sắc xuân có sẵn để tiết kiệm chi phí. Điển hình như anh Bảo Lam (33 tuổi) ngụ P.Tân Phú, Q.7, TP.HCM, ngoài công việc phiên dịch tiếng Hàn, anh còn có hơn 10 năm kinh nghiệm làm “phó nháy”. Bảo Lam cho hay anh không đi chụp ảnh dạo mà đưa khách đã đặt trước ra các địa điểm công cộng có trang trí bối cảnh tết, nhờ thế mà các bức ảnh của anh sinh động hơn.

Đến thời điểm hiện tại, anh Lam đã nhận 10 đơn đặt chụp ảnh ngày tết với giá gần 3 triệu đồng/đơn. “Để thu hút khách, tôi phải thay đổi ý tưởng liên tục và không lặp lại bối cảnh chụp của người khác”, anh Lam nói.

Giống như anh Lam, Nguyễn Hải Triều (22 tuổi), ngụ xã An Thạnh, H.Bến Cầu, Tây Ninh, cũng không chụp dạo ở chợ hoa xuân mà chỉ phục vụ khách đã đặt và lên kế hoạch trước.

“Bây giờ ai cũng có sẵn điện thoại và họ ít khi thuê mình chụp ảnh khi chưa biết mình là ai. Khách của tôi chủ yếu là những người đã biết đến thương hiệu của tôi từ trước rồi mới đặt hàng”, chàng trai 22 tuổi nói. Hiện tại, Triều đã chốt đơn 10 gói chụp hình Tết Quý Mão, với giá dao động từ 1,5 - 2 triệu đồng/gói.

ĐỌC THÊM

[Kỳ 1] Nghề kiếm tiền ngày cận tết: “Bắt trend” áo dài cô 2, cô 3...

Theo Triều, lượng khách chụp ảnh sẽ tăng dần và nhiều nhất từ 27 âm lịch đến hết ngày chợ hoa xuân. “Tôi hay chọn chụp cho khách ở chợ hoa để có được những bức ảnh sinh động và mình dễ tương tác với mẫu. Thường khách chụp hình ở không gian bên ngoài sẽ cảm thấy thoải mái, tự tin hơn. Khi đi chụp, tôi sẽ chuẩn bị một vài cành đào, mai, câu đối cho khách cầm trên tay và tạo dáng”, anh Triều chia sẻ và cho biết khách của anh thường rất thích những bức ảnh kiểu xóa phông “mịt mù” nên thợ chụp nào mà có lens (ống kính) khẩu độ lớn sẽ là ưu thế.

Trong các dịp lễ, tết, chị Nguyễn Thị Hồng Nhung (29 tuổi), làm nhân viên văn phòng tại 123 Võ Văn Tần, Q.3, TP.HCM, thường chi từ 3 - 4 triệu đồng để thuê thợ thực hiện bộ ảnh từ 10 - 15 tấm. “Những bức ảnh được chụp bằng máy cơ rất đẹp và chất lượng. Ngoài ra, các thợ chụp ảnh cũng biết canh góc chụp, tạo dáng, chỉnh sửa hình ảnh...; những điều này khi tự chụp bằng điện thoại thì không có được”, chị Nhung nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.