Kỳ 2: Hơn 1.000 ca khúc nhạc Phạm Duy ai sở hữu?

10/05/2013 14:30 GMT+7

(TNO) Trong giới nhạc sĩ Việt Nam, có thể nói cố nhạc sĩ Phạm Duy thuộc hàng sáng tác nhạc "khỏe" nhất với hơn 1.000 bài hát. Tuy nhiên, khối lượng ca khúc đồ sộ này cũng để lại không ít rắc rối...

(TNO) Trong giới nhạc sĩ Việt Nam, có thể nói cố nhạc sĩ Phạm Duy thuộc vào hàng những người sáng tác nhạc "khỏe" nhất với hơn 1.000 bài hát. Tuy nhiên, khối lượng ca khúc đồ sộ này cũng để lại không ít rắc rối...

>> Hoãn đêm nhạc Tình ca Phạm Duy
>> Đêm nhạc tưởng nhớ nhạc sĩ Phạm Duy
>> Rắc rối chuyện thừa kế di sản nhạc Phạm Duy
>> Phạm Duy - "Nghìn trùng xa cách

Gia tài âm nhạc đồ sộ

Gặp nhạc sĩ Phạm Duy vào tháng 10 năm ngoái, khi tuổi đã cao, sức đã giảm, ông vẫn "khoe" đã hoàn thành 10 bài Hương ca, 10 bài phổ nhạc từ thơ Bích Khê mang tên Dị khúc đồng thời hoàn tất Truyện Kiều với 37 khúc, dài gần 3 tiếng đồng hồ. Những tác phẩm này đều đang trong quá trình xin cấp phép để phát hành rộng rãi.

Tính đến này, "gia tài" mà nhạc sĩ Phạm Duy để lại phải có đến hơn 1.000 bài hát. Chính nhạc sĩ từng thú nhận rằng đến ông còn không nhớ chính xác đã sáng tác, phổ nhạc bao nhiêu ca khúc vì: “Sáng tác xong tôi phải quên ngay để không bị lặp lại trong các ca khúc sau. Nếu có ai hỏi đến bài nào thì tôi mới lục lọi lại trí óc của mình”.

Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, chỉ có hơn 100 ca khúc, tức khoảng 1/10 trong gia tài âm nhạc đồ sộ của nhạc sĩ Phạm Duy là được cấp phép phổ biến rộng rãi.

Đây cũng là nỗ lực của Công ty văn hóa Phương Nam và gia đình nhạc sĩ trong suốt nhiều năm qua. Từ năm 2005 đến nay, Công ty Phương Nam đã phải tiến hành gần 20 đợt gửi công văn xin phổ biến nhạc Phạm Duy (mỗi đợt thường xin từ 15-20 bài).


Cố nhạc sĩ Phạm Duy - Ảnh: Thiên Hương

Ai cũng biết nhạc sĩ Phạm Duy đã ký hợp đồng độc quyền các tác phẩm với Công ty văn hóa Phương Nam từ năm 2005 (thời điểm nhạc sĩ Phạm Duy hồi hương). Theo phía Công ty văn hóa Phương Nam thì đây là hợp đồng "trọn gói", nghĩa là độc quyền khai thác tất cả các tác phẩm của nhạc sĩ Phạm Duy (đã được cấp phép). Các tác phẩm bao gồm nhiều loại hình như ca khúc, sách biên khảo, hồi ký... Thời hạn khai thác tác phẩm là 20 năm, kể từ khi ca khúc đó được cấp phép lưu hành tại Việt Nam.

Theo hợp đồng, quyền khai thác được định nghĩa là "đưa các tác phẩm vào đời sống xã hội dưới mọi hình thức" vì vậy các cá nhân, đơn vị nếu muốn khai thác các tác phẩm của nhạc sĩ Phạm Duy đều phải thông qua Công ty Phương Nam.

Tại thời điểm ký kết, có nguồn tin cho biết giá trị của hợp đồng lên đến 400.000 USD. Tuy nhiên, hợp đồng độc quyền này cũng làm dấy lên nhiều lo ngại về tình trạng độc quyền ca khúc mặc dù đến thời điểm hiện tại, việc sử dụng các sáng tác của nhạc sĩ Phạm Duy (đã được cấp phép trong nước) vẫn diễn ra khá suôn sẻ dưới hình thức ca sĩ, đơn vị tổ chức thỏa thuận trực tiếp với Công ty Phương Nam.


Nhạc sĩ Phạm Duy trong đêm nhạc mừng thọ của mình vào năm 2012 - Ảnh: Thiên Hương

Chia sẻ với Thanh Niên Online, ca sĩ Đức Tuấn cho biết: "Không biết các ca sĩ khác thế nào, còn tôi thì thường trả khoảng vài chục triệu mỗi năm cho Công ty Phương Nam để sử dụng các ca khúc đã được cấp phép của nhạc sĩ Phạm Duy tại các chương trình ca nhạc trong suốt năm đó. Còn với những album riêng, tiền tác quyền mà tôi phải chi trả cho một ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy vào khoảng 2 triệu đồng/bài. Với những nhạc sĩ khác thì tôi làm việc với VCPMC (Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam - PV)".

Ca sĩ Ánh Tuyết đồng thời là chủ phòng trà ATB (TP.HCM) cũng cho biết xưa nay chưa gặp khó khăn gì nhiều trong việc chi trả tiền tác quyền mà phòng trà vẫn trả tiền tác quyền theo từng quý hoặc từng năm với mức giá thương lượng giữa hai bên.

Hơn 1.000 ca khúc thuộc về ai?

Thực tế, mọi chuyện sẽ không có gì rắc rối nếu không xuất hiện thông báo được cho là của gia đình nhạc sĩ Phạm Duy tại Mỹ rằng: “Kể từ ngày thông báo này (ngày 23.3 - PV), tất cả các sáng tác, hình ảnh, nhạc, tên, thông tin cá nhân, tiếng hát, lời phát biểu của cố nhạc sĩ Phạm Duy và cố ca sĩ Duy Quang sẽ không được sử dụng trên mọi phương diện, trình diễn công cộng (show ca vũ nhạc, có thu hình hay không thu hình), phát thanh, phát tuyến truyền hình, internet, sách báo, quảng cáo và tất cả các hình thức sử dụng thương mại. Mọi sử dụng không được chấp thuận (trên văn bản) bởi gia đình Phạm Duy hay luật sư đại diện là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của gia đình Phạm Duy và sẽ bị truy tố trước pháp luật. Luật pháp Hoa Kỳ có hình phạt chính là 250.000 USD cho mỗi vi phạm và mức án tù”.

Kể từ sau khi nhạc sĩ Phạm Duy qua đời (ngày 27.1.2013), có lẽ khán giả trong nước vẫn đinh ninh rằng gia tài âm nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy vẫn do Công ty Phương Nam quản lý và có thay đổi chăng thì cũng chỉ có thể là chuyện nhạc sĩ Duy Cường, người con túc trực bên nhạc sĩ Phạm Duy những năm ông sống tại Việt Nam, sẽ đứng ra làm người đại diện cho phía tác giả.

Thế nhưng, trước thông báo này, người ta mới vỡ lẽ rằng thì ra tại Mỹ vẫn có một "gia đình nhạc sĩ Phạm Duy" cũng chịu trách nhiệm quản lý gia tài âm nhạc của ông.


Nhạc sĩ Phạm Duy và con trai, nhạc sĩ Duy Cường - Ảnh do gia đình cung cấp

Theo thông tin từ bà Ngọc Trâm, Giám đốc Dự án Phạm Duy (thuộc Công ty văn hóa Phương Nam), trong di chúc của nhạc sĩ Phạm Duy, nhạc sĩ Duy Cường sẽ là người trực tiếp làm việc với Phương Nam khi nhạc sĩ Phạm Duy mất, cũng như quản lý di sản của ông khi hợp đồng 20 năm giữa Phương Nam và nhạc sĩ Phạm Duy kết thúc. Chính nhạc sĩ Duy Cường cũng xác nhận với Thanh Niên Online rằng anh là người “được bố chỉ định quản lý di sản này”.

Còn với thông báo này, đại diện Công ty văn hóa Phương Nam khẳng định sẽ không ảnh hưởng gì đến hợp đồng giữa Phương Nam và cố nhạc sĩ Phạm Duy. Riêng chuyện khai thác, sử dụng các sáng tác của nhạc sĩ ở nước ngoài như thế nào thì đó là vấn đề của riêng gia đình nhạc sĩ.

 
Những cá nhân, đơn vị muốn sử dụng các tác phẩm của nhạc sĩ Phạm Duy tại Mỹ hoặc những quốc gia khác, có thể liên hệ với anh Phạm Duy Minh hoặc có thể liên hệ trực tiếp với tôi. Còn tại Việt Nam, xin thông qua Công ty Phương Nam
Nhạc sĩ Duy Cường

Tuy nhiên, nhiều người nhìn nhận rằng mọi chuyện không thể "không ảnh hưởng gì" được. Một số nguồn tin tại hải ngoại cho rằng thông báo gây chấn động này xuất phát từ mâu thuẫn liên quan đến tiền tác quyền giữa gia đình nhạc sĩ Phạm Duy tại Mỹ và một trung tâm băng nhạc ở hải ngoại.

Ngày 7.5, khi Thanh Niên Online liên hệ lại với nhạc sĩ Duy Cường, anh không nói về những rắc rối đã qua nhưng cho biết: "Những cá nhân, đơn vị muốn sử dụng các tác phẩm của nhạc sĩ Phạm Duy tại Mỹ hoặc những quốc gia khác, có thể liên hệ với anh Phạm Duy Minh (con trai của cố nhạc sĩ Phạm Duy hiện sống ở Mỹ - PV) hoặc có thể liên hệ trực tiếp với tôi. Còn tại Việt Nam, xin thông qua Công ty Phương Nam".

Anh Duy Cường cũng chia sẻ: "Từ sau khi vụ việc xảy ra, nhiều chương trình đã liên lạc với anh Duy Minh để được sử dụng các tác phẩm của Phạm Duy và không có vấn đề, trở ngại hoặc cấm cản gì".

Vụ việc xem chừng đã khép lại. Thế nhưng, người yêu nhạc Phạm Duy vẫn có quyền hoài nghi rằng sẽ còn có những thông báo tương tự nếu như ngay trong gia đình nhạc sĩ (ở Mỹ và ở Việt Nam) không sớm có sự thống nhất trong việc quản lý hơn 1.000 ca khúc của cố nhạc sĩ.

Thiên Hương

>> Hoãn đêm nhạc Tình ca Phạm Duy
>> Đêm nhạc tưởng nhớ nhạc sĩ Phạm Duy
>> Rắc rối chuyện thừa kế di sản nhạc Phạm Duy
>> Phạm Duy - "Nghìn trùng xa cách
>> Quang Dũng và "Tình ca Phạm Duy
>> Nhạc sĩ Phạm Duy: Tâm nguyện cuối đời
>> Nhà thơ Phạm Thiên Thư nói về Phạm Duy: “Trôi theo” dòng đời lặng lẽ
>> Nhiều bạn bè, ca sĩ... đến viếng nhạc sĩ Phạm Duy
>> Vĩnh biệt nhạc sĩ Phạm Duy
>> Nhà báo Nguyễn Công Khế: Anh Phạm Duy đã ra đi mãn nguyện
>> Nhạc sĩ Phạm Duy đã “nghìn trùng xa cách”
>> Nhạc sĩ Phạm Duy qua đời
>> Đêm nhạc tri ân nhạc sĩ Phạm Duy
>> Bên cầu biên giới của Phạm Duy được phép phổ biến
>> Ý Lan nức nở hát nhạc Phạm Duy
>> Nhạc sĩ Phạm Duy: 93 tuổi chưa phải là già
>> Phát hành 4 album nhạc Phạm Duy
>> Phạm Duy dị với Bích Khê
>> Nhạc sĩ Phạm Duy sẵn sàng cho sự ra đi!
>> Thêm 14 ca khúc của Phạm Duy được phổ biến
>> Thực phẩm duy trì vóc dáng
>> Ra mắt Trường ca Hàn Mặc Tử của Phạm Duy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.