Kỳ 2: "Giải mã' lý do Facebook tưởng nhớ nhầm

10/04/2022 10:30 GMT+7

Không phải tự dưng mà Facebook tưởng nhớ với bất kỳ tài khoản nào. Mọi thứ đều có lý do. Trớ trêu thay, lý do ấy thường không phải từ khổ chủ gây ra...

Cần nói ngay, Facebook cho mọi người dùng quyền sở hữu và kiểm soát tài khoản. Mọi người dùng có thể tự quyết định điều gì sẽ xảy ra với tài khoản trong trường hợp bị qua đời. Một là tài khoản được tưởng nhớ. Hai là tài khoản bị xóa.

Khi tài khoản được cài đặt tưởng nhớ, có người liên hệ thừa kế, thì trong trường hợp chủ nhân tài khoản qua đời, nếu có thành viên trong gia đình hoặc bạn bè gửi yêu cầu, Facebook sẽ xét duyệt và "cấp"... chế độ tưởng nhớ trên trang cá nhân.

Phần lớn những tài khoản bị tưởng nhớ trên Facebook do kẻ xấu chơi khăm, thuê hacker phá

Nhưng trò chuyện với người viết, tất cả nạn nhân của tình trạng "còn sống trên đời mà... phải chết trên Facebook" đều cho biết họ chưa từng cài đặt tưởng nhớ. Vậy ai làm?

"Muốn tưởng nhớ tài khoản nào cũng được"

Qua tìm hiểu, trên nhiều hội, nhóm kín ở Facebook, cũng như ở các diễn đàn dành cho giới hacker, có nhiều bài đăng rao với nội dung: "cho bay màu Facebook", "nhận làm tưởng nhớ cho Facebook"...

L.Đ.P., người chuyên nhận "phá tài khoản" của người khác bằng cách đưa tài khoản cá nhân về trạng thái tưởng nhớ, cho biết: "Việc này chẳng có gì khó cả. Ông muốn tưởng nhớ tài khoản nào cũng được. Chuyển đây 6 triệu đồng, tôi sẽ cho nick (tài khoản) mà ông ghét về chế độ tưởng nhớ".

P. kể thêm thường xuyên nhận đơn đặt hàng với những yêu cầu tương tự. "Khi cạnh tranh trong làm ăn. Hoặc mâu thuẫn ganh ghét nhau ngoài đời. Hoặc đơn giản là thấy... ngứa mắt, muốn vô hiệu hóa tài khoản ấy thì họ liên hệ tôi làm", P. nói.

Cũng theo người này, việc những người không ưa nhau chơi khăm nhau bằng cách cho tài khoản "bay màu" (nghĩa là chiếm lấy tài khoản, hoặc xóa luôn tài khoản) đã cũ. "Cho tài khoản thành chế độ tưởng nhớ mới... thâm. Vì sẽ khiến đối phương tức tối. Họ còn sống mà bị nghĩ là đã chết", P. nói thêm.

Nhiều người khóc ròng vì tài khoản Facebook cá nhân bị... tưởng nhớ

Một thành viên cũng chuyên nhận dịch vụ khóa Facebook người khác là T.H.K. Theo K. mỗi tháng thường nhận từ 7 - 10 yêu cầu đưa tài khoản cá nhân Facebook về chế độ tưởng nhớ. Tiền công từ 5 - 10 triệu đồng.

Người này không ngần ngại cho biết: "Thường thì họ thuê phá tài khoản của đối thủ làm ăn, của tình địch, của đồng nghiệp hay trả thù những hiềm khích...".

Hỏi K. có bao giờ nhận "kèo" nhưng không thành công? K. thừa nhận: "Có. Nhưng đa phần đều suôn sẻ".

Phá bằng cách nào?

K. cho biết sau khi chiếm đoạt tài khoản người khác, tìm hiểu sẽ biết thông tin về ngày tháng năm sinh, hình ảnh của chủ nhân tài khoản ấy. Tiếp tục nhanh chóng cài đặt tưởng nhớ, chọn người liên hệ thừa kế cũng chính là K.

"Sau đó, tôi sẽ làm cáo phó, giấy chứng tử... với những thông tin trùng khớp được đăng tải trên tài khoản Facebook. Tôi gửi yêu cầu để Facebook xét duyệt. Một thời gian ngắn thôi, tài khoản ấy sẽ được... "thờ" bằng cách có chữ tưởng nhớ đi kèm tên tài khoản, phía dưới ảnh đại diện".

Đây cũng là cách thông dụng mà nhiều hacker áp dụng hiện nay khi nhận "kèo" chơi khăm tài khoản Facebook cá nhân người khác.

"Việc làm cáo phó hay giấy chứng tử không khó. Tất cả đều giả mạo bằng thủ thuật photoshop. Nhưng Facebook không phát hiện ra được", P. kể.

Cũng theo P., hầu hết những tài khoản đã bị Facebook mặc định là đã qua đời, hiển thị chữ tưởng nhớ trên tài khoản thì rất khó để "cứu". "Trung tâm trợ giúp trên Facebook có hướng dẫn cách kháng nghị. Nhưng rất hên xui may rủi. Thường thì tài khoản sẽ "đi" luôn chứ không thể nào hoạt động trở lại như bình thường", P. cho hay.

Đã mất tài khoản còn mất tiền

Q.T.T. (27 tuổi), phụ trách bán hàng cho một hãng xe ở TP.HCM, cho biết từng bỏ hơn 20 triệu đồng cho một bên cung cấp dịch vụ "cứu tài khoản tưởng nhớ". Tuy nhiên, chờ đợi hơn 4 tháng, tài khoản vẫn "được" tưởng nhớ, còn tiền cũng không được trả lời.

Facebook mô tả về tài khoản tưởng nhớ

Hiện nay, có khá nhiều người tự xưng là chuyên gia xử lý các vấn đề về Facebook, nhận các dịch vụ liên quan việc: "cứu" tài khoản Facebook bị chiếm đoạt, đưa tài khoản Facebook bị tưởng nhớ trở lại trạng thái ban đầu... kèm cam kết "làm là được". Giá của dịch vụ này từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng. Tuy nhiên, theo như chia sẻ của nhiều người, những lời rao ấy đều là "quảng cáo láo". "Tiền mất tật mang là có thật. Đã mất luôn tài khoản khi bị hiểu lầm là đã qua đời, lại còn bị tốn tiền cho dịch vụ. Tôi cũng từng bị tốn 8 triệu đồng nhưng tài khoản vẫn "được"... tưởng nhớ. Thôi thì chấp nhận, lập tài khoản Facebook mới để sử dụng. Chứ bản thân cung cấp đủ loại giấy tờ, hình ảnh... còn không được, huống hồ gì nhờ bên thứ ba", L.T.H.H. (25 tuổi), là người mẫu ảnh, chia sẻ.

Trước sự việc này, nhiều dân mạng bày tỏ mong muốn năng lực kiểm duyệt của Facebook... thông minh hơn. Từ đó, có thể phát hiện những giấy tờ như: cáo phó, giấy chứng tử... giả mạo. Tránh trường hợp tưởng nhớ nhầm người còn sống.

"Một kinh nghiệm để tài khoản không bị báo cáo là đã qua đời, để không bị tưởng nhớ nhầm, đó là hạn chế đăng ảnh lên Facebook. Khi khai báo thông tin trên Facebook cần chính xác (để có sự cố, báo với Facebook, cung cấp giấy tờ trùng khớp với ngày sinh, chứ nhiều người "khai đại", khi kháng nghị, Facebook so sánh có sự sai lệch sẽ không giải quyết). Bên cạnh đó, đừng để chế độ công khai những thông tin cá nhân. Ngoài ra, phải cài đặt mật khẩu an toàn...", Huỳnh Trọng (29 tuổi, nhà ở 49 đường số 5, P.Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân, TP.HCM), nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.