Kon Tum tìm giải pháp giữ chân công chức, viên chức

06/08/2023 06:45 GMT+7

Thời gian qua, nhiều nhân viên bảo vệ rừng, cán bộ địa chính tại Kon Tum liên tục nghỉ việc mà một trong những nguyên nhân chính là lương thấp, công việc áp lực.

THIẾU LỰC LƯỢNG BẢO VỆ RỪNG

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum cho biết trong 3 năm qua, toàn ngành có 181 cán bộ, nhân viên làm công tác bảo vệ rừng nghỉ hưu, thôi việc, bỏ việc.

Kon Tum tìm giải pháp giữ chân công chức, viên chức - Ảnh 1.

Công việc bảo vệ rừng chưa được quy định là ngành nghề nặng nhọc, độc hại

ĐỨC NHẬT

Theo quy định của Chính phủ, mỗi địa bàn có rừng sẽ do một kiểm lâm địa bàn phụ trách. Tuy nhiên, toàn Kon Tum có 103 địa bàn có rừng nhưng chỉ có 90 kiểm lâm địa bàn phụ trách. Vì vậy, nhiều kiểm lâm phải làm việc gấp nhiều lần khối lượng công việc theo quy định. Cá biệt, có những kiểm lâm phải đảm nhận một lúc hai, ba địa bàn rộng.

Trong đó, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp H.Kon Plông là đơn vị có nhiều cán bộ nhân viên nghỉ việc nhất tỉnh. Trong 3 năm, đơn vị này có đến 31 cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng thôi việc. Ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp H.Kon Plông, cho hay nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc lực lượng bảo vệ rừng bỏ việc là do lương thấp, các chế độ chính sách chưa tương xứng, khối lượng công việc chuyên môn nhiều, áp lực cao, trách nhiệm lớn.

"Công việc bảo vệ rừng rất gian nan vất vả, không kể ngày đêm, kể cả thứ bảy, chủ nhật và các ngày lễ lớn. Lực lượng bảo vệ rừng thì ít nhưng địa bàn quản lý lại rộng. Công việc áp lực đã khiến nhiều cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng nghỉ việc", ông Hải giải thích.

Ngoài ra, theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum, mặc dù công việc bảo vệ rừng thường nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với côn trùng và vi sinh vật gây bệnh nhưng chưa được quy định trong danh mục ngành nghề nặng nhọc, độc hại. Ngoài ra, lâm tặc ngày càng tinh vi, liều lĩnh hoạt động cả ngày lẫn đêm. Trong khi đó, quyền hạn của lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách còn hạn chế, đã gây khó khăn và áp lực... Điều kiện kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, kéo theo nhu cầu đất ở, đất sản xuất tăng cao cũng tạo áp lực lên công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng.

Kon Tum tìm giải pháp giữ chân công chức, viên chức - Ảnh 2.

Cán bộ địa chính nghỉ việc khiến công tác địa chính, xây dựng bị ách tắc

ÁCH TẮC HỒ SƠ ĐỊA CHÍNH VÌ CÁN BỘ NGHỈ VIỆC

Không chỉ lực lượng bảo vệ rừng, thời gian qua, nhiều công chức địa chính, xây dựng tại các xã, phường ở TP.Kon Tum cũng xin nghỉ việc.

Theo UBND TP.Kon Tum, từ năm 2022 đến nay, trên địa bàn có 6 cán bộ công chức địa chính tại các xã, phường xin nghỉ việc với các lý do hoàn cảnh gia đình khó khăn, đau ốm bệnh tật, không đảm bảo sức khỏe… Mặc dù, lãnh đạo các địa phương đã khuyên nhủ, động viên nhưng các cán bộ này vẫn cương quyết xin nghỉ.

Thực tế, nguyên nhân khiến nhiều cán bộ công chức địa chính xin nghỉ là do áp lực công việc, chế độ thấp, trong khi khối lượng công việc nhiều, sợ không đảm đương hết nhiệm vụ, sợ công việc chậm trễ, ảnh hưởng đến quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị…

P.Quang Trung là phường trung tâm của TP.Kon Tum, có hơn 5.000 hộ dân với 22.000 người. Hiện, UBND phường này đang quản lý trên 10.000 thửa đất, với 8 dự án đang được triển khai cần đo đạc, kiểm đếm thu hồi đất và nhiều hồ sơ về đất đai cần có cán bộ địa chính, xây dựng để xử lý. Tuy nhiên, năm 2022 và đầu năm 2023, cả hai cán bộ công chức địa chính, xây dựng tại phường đều viết đơn xin nghỉ.

Hệ quả là mọi hoạt động liên quan đến công tác địa chính, xây dựng bị ách tắc; toàn bộ hồ sơ đất đai của các cá nhân và tổ chức chuyển đến đều không có người xử lý. Theo ông Lý Tấn Bông, Chủ tịch UBND P.Quang Trung, khoảng giữa tháng 4.2023, phường phải thông báo tạm dừng tiếp nhận và xử lý hồ sơ liên quan đến đất đai đến khi TP tuyển dụng, điều động cán bộ địa chính mới về phường. Đến đầu tháng 6.2023, UBND TP mới bố trí được một cán bộ địa chính. Cũng theo ông Bông, quy định thì phường phải có tối thiểu 2 cán bộ địa chính để phụ trách xử lý hồ sơ. Việc chỉ có một cán bộ địa chính sẽ khiến việc giải quyết hồ sơ đất đai cho công dân, các nội dung khác liên quan đất đai, xây dựng bị ùn ứ, chậm trễ xử lý.

TRIỂN KHAI GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC

Để giải quyết vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Mân, Chủ tịch UBND TP.Kon Tum, cho biết bước đầu địa phương đã điều chuyển công chức địa chính tại các xã, phường từ 2 công chức địa chính trở lên đến nhận nhiệm vụ tại các xã, phường khuyết công chức địa chính để đảm đương nhiệm vụ. TP cũng điều chuyển một số cán bộ địa chính có kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ tốt ở các xã, phường đến nhận nhiệm vụ tại các xã, phường đang triển khai khối lượng công việc nhiều về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính về đất đai, địa chính, xây dựng để tránh tình trạng ùn ứ hồ sơ.

Tuy nhiên, đây cũng chỉ mới là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành chỉ thị triển khai các giải pháp khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc.

Theo đó, UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu thủ trưởng các sở, ban ngành, đơn vị, UBND các huyện, TP, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp cơ sở. Thường xuyên rà soát biên chế, số lượng người làm việc để đề nghị tổ chức tuyển dụng các vị trí công chức, viên chức còn thiếu tại các cơ quan, đơn vị, đảm bảo đáp ứng theo vị trí việc làm.

Bố trí, phân công công việc một cách công bằng, hợp lý, khoa học, bảo đảm phù hợp với yêu cầu vị trí việc làm, trình độ đào tạo, phát huy được năng lực, sở trường công tác nhằm góp phần giảm căng thẳng, áp lực trong công việc. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách tiền lương, chế độ làm thêm giờ, quan tâm hỗ trợ các trường hợp có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Tăng cường quản lý sử dụng hiệu quả ngân sách, tiết kiệm chi nhằm tăng thu nhập tăng thêm cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Ngoài ra, UBND tỉnh Kon Tum cũng chỉ đạo các đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao, khẩn trương tham mưu, đề xuất UBND tỉnh đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Từ đó, thực hiện đảm bảo phương án giao quyền tự chủ tài chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi để đơn vị sự nghiệp chủ động mở rộng cung ứng dịch vụ, tăng nguồn thu, nâng cao thu nhập cho người lao động.

Nhiều kiểm lâm, cán bộ bảo vệ rừng ở Gia Lai nghỉ việc

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai, từ năm 2012 đến nay, đã có hơn 100 công chức kiểm lâm, nhân viên bảo vệ rừng nghỉ việc. Cụ thể, đối với công chức kiểm lâm, có 21 công chức nghỉ hưởng chính sách tinh giản biên chế, nghỉ việc theo nguyện vọng cá nhân; 15 người nghỉ việc tại các ban quản lý bảo vệ rừng. Đáng chú ý, tại các công ty lâm nghiệp, trong 3 năm qua có 82 trường hợp xin nghỉ việc. Nguyên nhân là do công việc, trách nhiệm nặng nề, địa bàn được giao quản lý, bảo vệ lại rộng trong khi phụ cấp thấp nên nhiều trường hợp đã không chịu được áp lực công việc. Tình trạng thiếu hụt nhân lực đang khiến việc gìn giữ và bảo vệ rừng thêm khó khăn, rừng đối mặt nhiều hơn với nguy cơ bị xâm hại. 

Trần Hiếu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.