Trung Quốc khuyên Mỹ đừng tự đánh giá kinh tế nước này

04/12/2016 16:21 GMT+7

Yêu cầu Mỹ bỏ cách tiếp cận dùng để tính toán biện pháp chống phá giá đối với hàng xuất khẩu Trung Quốc đến cận lúc thỏa thuận gia nhập Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) của quốc gia Đông Á kết thúc.

Theo Russia Today, thỏa thuận làm thành viên WTO của Trung Quốc sẽ hết hạn vào ngày 11.12. Phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Shen Danyang mới đây cho hay Washington nên ngừng cách đánh giá nền kinh tế thị trường của họ để từ chối “quyền lợi” của Trung Quốc.
Quan chức Danyang nói: “Trung Quốc khuyên Mỹ ngừng việc pha trộn mọi thứ lại với nhau và tránh nghĩa vụ quốc tế của mình. Trung Quốc kêu gọi Mỹ thực hiện đầy đủ, kịp thời các quy tắc và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của mối quan hệ thương mại Trung Quốc - Mỹ”.
Tháng trước, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Penny Pritzker cho hay hiện tại không phải là thời điểm “chín muồi” để Mỹ thay đổi cách đánh giá xem liệu Đại lục có là nền kinh tế thị trường hay chưa. Bà Pritzker nói thêm không có quy định thương mại quốc tế nào đòi hỏi Mỹ phải thay đổi cách tính thuế chống bán phá giá.
Theo ông Shen, Trung Quốc nên được hưởng quyền của nước này với tư cách thành viên WTO, tất cả thành viên khác cũng nên thực hiện nghĩa vụ của họ.
Năm 2001, theo điều kiện gia nhập WTO, Trung Quốc đồng ý rằng các nước thành viên tổ chức này có thể xem họ như một “nền kinh tế phi thị trường” đến khi thỏa thuận làm thành viên hết hạn. Việc sử dụng một nước thứ ba để đo đạc xem liệu Trung Quốc có đang bán hàng phá giá hay không đã và đang được áp dụng. Khi thỏa thuận sắp hết hạn, một số thành viên WTO tranh cãi về việc tự động công nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường.
Hồi tháng 7, Washington cảnh báo Bắc Kinh rằng họ chưa nỗ lực đúng mức nhằm hội đủ các điều kiện để được công nhận là nền kinh tế thị trường, đặc biệt là trong ngành công nghiệp thép và nhôm. Đặc sứ Trung Quốc ở WTO cho biết việc thỏa thuận kết thúc sẽ loại bỏ cơ sở pháp lý đối với các nước tiếp tục dùng “phương pháp chống bán phá giá mang tính phân biệt đối xử” với Trung Quốc.
Giá xuất khẩu thấp của Đại lục là trở ngại trong quan hệ thương mại giữa nước này với Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các nước khác là thành viên của WTO. Nhiều quốc gia lên án Trung Quốc có hoạt động thương mại thiếu lành mạnh tại thị trường nước ngoài, chẳng hạn như ồ ạt bán phá giá. Các nhà sản xuất thép than phiền rằng Đại lục bóp méo thị trường toàn cầu bằng “cơn lũ” thép, nhôm dư thừa.
Tháng trước, Bộ Thương mại Mỹ khởi động cuộc điều tra chính thức vào nhiều doanh nghiệp thép Đại lục, cáo buộc họ vận chuyển thép qua Việt Nam để tránh thuế quan nhập khẩu Mỹ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.