Tràn ngập điện thoại di động lậu, nhái

01/05/2008 23:22 GMT+7

Cuối tháng 3 vừa qua, một vụ buôn lậu điện thoại di động (ĐTDĐ) lớn đã bị Đội 5 Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM phát hiện. Hàng ngàn ĐTDĐ xuất xứ từ Trung Quốc không có hóa đơn chứng từ đã theo đường bưu điện vận chuyển từ Bắc vào Nam.

Hàng lậu qua đường bưu điện

Một trinh sát của Chi cục QLTT TP.HCM tiết lộ, các đường dây buôn lậu ĐTDĐ đã lợi dụng đường bưu điện để vận chuyển hàng lậu nhằm che mắt cơ quan kiểm soát.

Chẳng hạn, vụ phát hiện 1.059 ĐTDĐ và 86 kg phụ kiện tại Trung tâm Bưu chính viễn thông Sài Gòn (10 Cô Giang, P.Cầu Ông Lãnh Q.1, TP.HCM) ngày 22.3.2008. Theo một cán bộ Đội 5A Chi cục QLTT TP.HCM, từ lâu, trinh sát QLTT đã đặt trong tầm ngắm các đối tượng có dấu hiệu chuyển hàng qua trung tâm này. Hai ngày trước khi phát hiện vụ buôn lậu lớn nói trên, các trinh sát đã bất ngờ kiểm tra một chiếc Honda Wave vận chuyển 3 cục hàng từ nơi này ra. Trong ba cục hàng được người đi chiếc Wave tên Lê Văn Dân chở theo này là 125 chiếc ĐTDĐ và hàng chục kg phụ kiện xuất xứ từ Trung Quốc không hóa đơn chứng từ. Hàng hóa ngay lập tức bị niêm phong, chủ hàng sau đó biến mất dù Đội 5A đã nhiều lần gửi giấy mời lên để làm rõ. Lần theo đầu mối, tổ công tác phát hiện thêm 2 chủ hàng khác là Nguyễn Ngọc Tân (ngụ 268/18 bis Hùng Vương, Q.5) và một người tên Thanh (ngụ cư xá Ngân hàng Q.7) nhưng sau đó họ cũng bỏ của chạy lấy người.

Người tiêu dùng nên chọn mua ĐTDĐ tại các điểm kinh doanh uy tín - Ảnh: Nghĩa Phạm

Trong vai người đi tìm mua điện thoại giá rẻ, dễ dàng nhận thấy thị trường đang có quá nhiều loại ĐTDĐ lậu, ĐTDĐ nhái xuất xứ từ Trung Quốc. Điện thoại Trung Quốc có 2 loại: loại có nhãn hiệu và loại hàng nhái. Hàng có nhãn hiệu như Elitek, W600 (của hãng Jong Sung), Easy, Cect, Kook (của hãng CK Telecom)... thì có chế độ bảo hành tương đối nghiêm túc (3-6 tháng). Trong khi đó, chiếm đa phần là hàng nhái muôn hình vạn trạng, nhái theo các mẫu Nokia, Samsung, Motorola... Tất cả đều có các chức năng thời thượng như: camera, MP3, MP4, hồng ngoại... thậm chí có cả bluetooth, xem TV song giá cả thì không ngoài 2 triệu đồng/chiếc.

Hàng nhái giá rẻ

Một người phụ nữ tên P. đứng bán cửa hàng ĐTDĐ trên đường Nguyễn Ảnh Thủ (Q.12) xởi lởi mời tôi mua chiếc N518 khá đẹp: "Anh lấy cái này đi, không thiếu một chức năng nào, giá chỉ có 1,4 triệu đồng". Khi tôi hỏi đến catalogue và chứng từ nguồn gốc thì nghe một giọng lạnh lùng: "Không có". Tại đường 3 Tháng 2 (Q.10, TP.HCM) một nhân viên cửa hàng T.K "tổng kết": "Cho dù anh có đi hết thành phố này thì cũng không có hóa đơn chứng từ nguồn gốc đâu. Ngoại trừ các siêu thị ĐTDĐ hay các cửa hàng lớn có thể bán hàng chính hãng còn hầu hết các chợ nhỏ lẻ như ở đây thì 80% là hàng nhái". Hầu hết các cửa hàng nhỏ đều chưng một vài cái điện thoại để bắt khách nhưng khi hỏi bất kỳ một model điện thoại nào họ đều có. "Anh chờ một chút để em điện thoại cho nhân viên đem tới", đó là câu nói gần như cửa miệng của giới kinh doanh điện thoại hiện nay.

Một chiếc ĐTDĐ Trung Quốc nhái

ĐTDĐ giá rẻ (chủ yếu là hàng Trung Quốc) đang tràn ngập thị trường Việt Nam. Theo một nhà buôn ĐTDĐ liên tỉnh, từ cuối năm 2006, hơn 40 nhà sản xuất và phân phối ĐTDĐ Trung Quốc, Đài Loan đã đồng loạt đánh tiếng về sự xuất hiện của họ trên thị trường Việt Nam bằng các mẫu ĐTDĐ giá rẻ thông qua sự xuất hiện tại Hội chợ triển lãm quốc tế Vietnam Telecom tổ chức tại TP.HCM. Điều đáng ngại là thay vì phân phối theo đường chính ngạch thì phần lớn các loại ĐTDĐ này lại theo các chuyến hàng lậu "chẻ" qua Việt Nam. Hàng hóa không thuế, không hóa đơn thì giá bán sẽ rẻ hơn rất nhiều. Đó cũng chính là nguyên nhân khiến thị trường ĐTDĐ gần đây bị hàng lậu giá rẻ thao túng. Anh Hùng, một người chuyên doanh ĐTDĐ đã giải nghệ cho biết, ngoài con đường nhập lậu tiểu ngạch, đường bưu điện, đường xách tay... thường thì ĐTDĐ núp dưới dạng các lô linh kiện rời, mỗi chủ  nhập về một loại sau đó trao đổi, cung cấp cho nhau để ráp lại thành chiếc ĐTDĐ hoàn chỉnh.

Một người bạn của tôi khoe anh ta mới tậu được chiếc Nokia W8800 giá 1,8 triệu đồng. Quả thật, nó không khác gì hàng chính hãng (giá trên 13 triệu đồng). Rất khó có thể biết đó là hàng nhái nếu không phải là người sành sỏi về ĐTDĐ. Riêng người bán thì dù biết rất rõ nguồn gốc, chất lượng các loại ĐTDĐ kiểu này nhưng không phải ai cũng nói và bán đúng giá của nó với khách hàng.

Hùng Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.