Sắp lạm phát gần 1.700%, Venezuela vẫn 'nghỉ chơi' với IMF

19/07/2016 10:37 GMT+7

Dù hầu hết nền kinh tế phát triển đang chật vật đẩy cao lạm phát, không nước nào muốn rơi vào tình cảnh của Venezuela: lạm phát giá tiêu dùng được dự báo đạt 480% năm nay, lên 1.640% năm sau.

Trên đây là nhận định của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Cảnh thiếu hụt vật tư y tế hiện nay ở Venezuela đồng nghĩa với việc trẻ sơ sinh và nhiều bệnh nhân đang chết dần vì các căn bệnh có thể điều trị. Binh lính đang bảo vệ những cửa hàng tạp hóa trống rỗng. Khi Caracas kéo dài tình trạng khẩn cấp kinh tế, không lạ gì chuyện nhiều chuyên gia cho rằng nước này sẽ sớm cần gói cứu trợ từ IMF.
Theo tờ The Wall Street Journal, tình hình ở quốc gia Nam Mỹ tệ đến nỗi trong tháng này, chính phủ giao quyền kiểm soát dự trữ lương thực cho quân đội, nhượng nhiều quyền hơn cho các lực lượng vũ trang. 
IMF dự báo lạm phát phi mã ở Venezuela Ảnh chụp màn hình trang The Wall Street Journal
Tuy vậy, Venezuela, nước có chính quyền cắt đứt quan hê với IMF gần một thập niên trước dưới thời ông Hugo Chavez, vẫn chưa cố gắng nối lại quan hệ với tổ chức cho vay khẩn cấp của thế giới.
“Không có sự thay đổi trong mối quan hệ của Venezuela với quỹ”, người phát ngôn IMF Gerry Rice cho hay. Trong khi IMF thúc giục Caracas tái thiết mối quan hệ, “giới chức Venezuela vẫn chưa liên lạc với chúng tôi”, phát ngôn viên trên nói thêm.
Trung Quốc - quốc gia đang tìm cách tận dụng mối quan hệ chính trị yếu kém mà nhiều nước Nam Mỹ, châu Phi có với Mỹ và các tổ chức phương Tây như IMF - đã và đang cho Venezuela cùng các nước xuất khẩu hàng hóa khác vay giá rẻ, hỗ trợ họ đi qua đợt lao dốc giá cả hàng hóa. Năm ngoái, Venezuela được cho là đã nhận 10 tỉ USD tín dụng rẻ để xoay sở.
Dù các khoản vay trên có thể hỗ trợ những nước này trong vấn đề ngân sách, duy trì nhiều chương trình trợ cấp lớn, tốn kém và tăng cường quan hệ chính trị với Bắc Kinh, chúng không yêu cầu việc sửa chữa sâu rộng chính sách - động thái mà nhiều nhà kinh tế cho là rất quan trọng để chuyển mình nền kinh tế èo uột.
Ngay cả khi Venezuela tái liên lạc với IMF, ông Rice cho biết tổ chức này vẫn “sẽ rất khó để đưa ra lời khuyên mà không thảo luận nhiều” với quốc gia Nam Mỹ. Lần cuối Venezuela cho phép IMF nhìn sâu vào tình hình tài chính nước nhà xảy ra cách đây khá lâu.
IMF nhiều lần dự báo ảm đạm về kinh tế Venezuela, lần lượt trong các báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới tháng 10.2015 và Triển vọng kinh tế thế giới tháng 4.2016.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.