'Phải làm cuộc cách mạng du lịch Việt Nam'

09/08/2016 15:55 GMT+7

Đó là chỉ đạo đầy quyết tâm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng 2 Phó thủ tướng Vương Đình Huệ và Vũ Đức Đam tại Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch, tổ chức tại TP.Hội An (Quảng Nam) sáng 9.8.

Đông đảo các bộ ngành T.Ư, cùng đại diện lãnh đạo 63 tỉnh thành phố trên cả nước, đại diện các doanh nghiệp du lịch lữ hành, khách sạn, hàng không… tham gia hội nghị với tham vọng thúc đẩy du lịch VN phát triển như một ngành mũi nhọn với đầy đủ cơ chế quản lý và tư duy xứng tầm mũi nhọn.

Nhiều vướng mắc trong quản lý, đầu tư và phát triển du lịch, dịch vụ được các địa phương, doanh nghiệp đưa ra tại hội nghị để kêu gọi giải pháp tháo gỡ như vấn đề đầu tư hạ tầng du lịch, đào tạo nhân lực du lịch, cấp phép cho hướng dẫn viên, chính sách mở rộng diện miễn thị thực cho các thị trường khách, chính sách ưu đãi đối với các địa phương đặc thù phát triển du lịch…
Bên cạnh những vướng mắc trong cơ chế quản lý thì yếu tố con người làm du lịch được ưu tiên nhấn mạnh. Phó thủ tướng Vương Đình Huệ vạch ra những điểm yếu của du lịch VN trong mắt bạn bè quốc tế như nạn cướp giật, trộm cắp, chặt chém, kẹt xe, tai nạn giao thông, thái độ phục vụ, hệ thống vệ sinh công cộng. Ông cũng khẳng định đây là những lý do chính khiến cho gần 70% khách quốc tế không trở lại, dù VN có tiềm năng du lịch bất tận.
Sau khi ghi nhận hơn 45 ý kiến tâm huyết lẫn những bức xúc, tồn tại trong phát triển du lịch VN từ các địa phương, doanh nghiệp du lịch, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định Hội nghị sẽ lấy tiêu chí phát triển trọng điểm của ngành du lịch để lãnh đạo chính phủ ban hành những cơ chế phù hợp và đặc thù.
Ngay sau những kiến nghị và giải pháp được đề xuất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo “nóng”, tháo gỡ không ít khó khăn mà ngành du lịch VN đang đối mặt. Cụ thể, Thủ tướng quyết định thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch (trong tháng 8.2016) để tăng cường nguồn lực phát triển du lịch, đào tạo, bồi dưỡng nhân lực du lịch và nâng cao năng lực thể chế ngành du lịch. Theo đó, Nhà nước sẽ cấp ngân sách ban đầu 300 tỉ đồng để hình thành Quỹ, nguồn thu từ lệ phí thị thực nhập cảnh, phí tham quan du lịch, các chủ thể hưởng lợi từ hoạt động du lịch và các nguồn khác.
Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì, triển khai cấp thị thực điện tử với kinh phí đầu tư thực hiện lên đến 200 tỉ đồng, đảm bảo đưa vào sử dụng từ ngày 1.1.2017. Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ VH-TT-DL đề xuất áp mức lệ phí thị thực nhập cảnh phù hợp với từng nước, từng đối tượng nhập cảnh theo hướng tạo điều kiện tăng cường thu hút phân khúc khách du lịch mục tiêu.
Tại Hội nghị, Thủ tướng chính phủ cũng chỉ đạo các bộ ngành, địa phương nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch cho bằng với mức điện sản xuất, miễn tiền sử dụng đất và tiền thuê đất đối với diện tích đầu tư xây dựng nhà ở, ký túc xá cho người lao động, miễn thuế nhập khẩu trang thiết bị cho khách sạn 5 sao, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bất động sản nghỉ dưỡng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.