OPEC chưa thống nhất cách giảm sản lượng

29/10/2016 09:57 GMT+7

Quan chức các nước thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vừa nhóm họp hôm 28.10 nhưng vẫn chưa đạt được thỏa thuận cắt giảm nguồn cung sau nhiều giờ đàm phán.

Theo Reuters, cuộc đàm phán ở Vienna (Áo) của OPEC thất bại trong việc đi đến thỏa thuận cách giảm sản lượng vì Iran miễn cưỡng trước chuyện đóng băng hạn ngạch. Cuộc họp của Ủy ban Cấp cao chủ yếu gồm đại diện quốc gia và các quan chức đảm trách nhiệm vụ báo cáo với bộ trưởng chuyên trách vấn đề năng lượng.
Sau 11 giờ đàm phán, OPEC vẫn chưa đạt được thỏa thuận dù có nhiều tiến triển. “Chưa có thỏa thuận nào được thống nhất, tất cả đều đồng ý ngoại trừ Iran”, một nguồn tin cho biết. Hồi tháng trước, các thành viên OPEC đồng ý giảm sản lượng dầu thô xuống mức từ 32,5 triệu thùng/ngày đến 33 triệu thùng/ngày. Đây là đợt cắt giảm hạn ngạch đầu tiên của OPEC từ năm 2008 để hỗ trợ giá cả.
Kế hoạch đề xuất đối mặt với nhiều trở ngại tiềm tàng từ lời kêu gọi cho phép được đứng ngoài thỏa thuận của Iraq cho đến nhu cầu nâng sản lượng của Iran, Libya và Nigeria - các quốc gia từng chịu ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt quốc tế hoặc xung đột nội địa. “Mọi thứ đang phức tạp lên. Mỗi ngày lại có thêm một vấn đề mới”, một đại diện OPEC cho biết trước khi cuộc họp hôm 28.10 diễn ra.
Dù vậy, một số quan chức OPEC, trong đó có Tổng thư ký Mohammed Barkindo, cho hay họ rất lạc quan rằng nhóm nước cuối cùng sẽ đạt được thỏa thuận. “Cuộc thảo luận của chúng tôi hôm nay và ngày mai với một số nhà sản xuất đứng ngoài OPEC có thể có nhiều tác động cơ bản cho thị trường, cho tương lai trung hạn và dài hạn của ngành công nghiệp”, ông Barkindo nói.
Hội nghị bộ trưởng các nước OPEC diễn ra vào ngày 30.11 sắp tới cũng ở Vienna nhận kiến nghị về chính sách cắt giảm sản lượng. Mỗi nước trong số 14 thành viên OPEC sẽ sản xuất bao nhiêu dầu là một trong các vấn đề sẽ được xem xét. Iraq, nhà sản xuất dầu lớn thứ nhì OPEC, vừa cho hay sẽ không giảm hạn ngạch và nên được để đứng ngoài thỏa thuận vì nước này cần tiền để chống tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS). Lập trường của Baghdad có thể vấp phải một số phản đối từ các thành viên OPEC khác.
Hôm nay 29.10, cuộc họp dự kiến sẽ tiếp diễn cùng đại diện đến từ các nước không thuộc OPEC như Nga, Kazakhstan, Mexico, Oman, Azerbaijan, Brazil và Bolivia.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.