Nước nào sẽ thắng trong chiến tranh tiền tệ?

17/08/2016 13:31 GMT+7

Theo ông Satyajit Das, một trong 50 nhân vật ngành tài chính có sức ảnh hưởng lớn nhất năm 2014, sẽ không nước nào thắng trong một cuộc chiến tiền tệ.

Satyajit Das là cựu nhân viên ngân hàng, một trong 50 gương mặt ngành tài chính có sức ảnh hưởng lớn nhất thế giới năm 2014 do hãng tin Bloomberg bình chọn. Ông cũng là tác giả quyển sách Extreme MoneyTraders, Guns & Money. Dưới đây là lập luận của Das về việc vì sao sẽ chẳng có nước nào thắng trong một cuộc chiến tiền tệ.

tin liên quan

Trung Quốc bất ngờ phá giá nhân dân tệ

(TNO) Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) vừa bất ngờ giảm kỷ lục 1,9% tỷ giá tham chiếu hằng ngày của đồng nội tệ vào sáng nay. Đồng nhân dân tệ sụt giá mạnh nhất kể từ tháng 1.1994.

Đã một năm trôi qua kể từ sự kiện bất ngờ: nhân dân tệ (CNY) của Trung Quốc sụt giá 1,9%, làm rung chuyển thị trường toàn cầu, làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến tiền tệ thế giới. Trung Quốc xoa dịu nỗi lo bằng cách kiểm soát nội tệ kể từ đó. Song điều duy nhất có thể làm giảm bớt lo ngại là thực tế rằng không nước nào, kể cả Trung Quốc, có thể thắng một cuộc chiến tranh tiền tệ đúng nghĩa ngày nay.
Dĩ nhiên, sức cám dỗ của việc đạt được lợi thế trước đối thủ cạnh tranh bằng đồng tiền rẻ không hề giảm đi. Trước hết, phá giá tiền tệ là cách giữ lời hứa thúc đẩy xuất khẩu thông qua việc làm hàng hóa trông rẻ hơn. Trong trường hợp một nước đi vay đáng kể từ nước ngoài bằng đồng tiền của họ, nội tệ yếu cũng mở ra sự chuyển dịch tài sản từ những người tiết kiệm nước ngoài. Phá giá cũng có thể kích thích lạm phát vì hàng nhập khẩu đắt hơn đẩy cao mức giá.
Những năm gần đây, chính phủ các nước kiềm chế can thiệp trực tiếp vào thị trường tiền tệ, ưu ái việc sử dụng chính sách tiền tệ giúp kéo giá trị nội tệ đi xuống. Các chính sách này, đáng chú ý nhất là ở Nhật Bản và châu Âu, được cho là nhằm làm tăng nhu cầu. Tuy nhiên, các hộ gia đình và doanh nghiệp chần chừ trong việc vay thêm để tiêu dùng, đầu tư. Thay vào đó, lãi suất thấp hoặc âm trong một số trường hợp làm giảm chi phí trả nợ và tạo áp lực lên đồng tiền qua cách khuyến khích thoái vốn.
Song hiện chưa rõ chiến lược phá giá tiềm ẩn này có thể đạt được lợi ích nào lớn hơn. Nội tệ yếu hiện nay không còn đảm bảo cho mức tăng trong xuất khẩu. Nhu cầu nước ngoài vẫn còn chậm chạp vì tăng trưởng kinh tế thế giới ì ạch. Tăng trưởng thương mại vừa giảm mạnh kể từ năm 2014.
Ngoài ra, sự phức tạp của chuỗi cung ứng toàn cầu hiện đại, với sản xuất trải rộng trên nhiều quốc gia, làm suy yếu lợi thế của một đồng tiền yếu. Khi yen Nhật mạnh, các hãng sản xuất ô tô Nhật Bản chuyển cơ sở sản xuất đến nhiều nơi rẻ hơn ở nước ngoài, họ không hồi hương nhà máy trừ phi tin rằng nội tệ sẽ không tăng giá lần nữa. Ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy chuyện đồng tiền giảm giá chỉ còn một nửa hiệu quả trong việc gia tăng xuất khẩu giai đoạn 2004 - 2012 so với tám năm liền trước.
Ở nhiều nước, xuất khẩu trở nên ít quan trọng hơn xưa. Đơn cử, nhập khẩu và xuất khẩu Mỹ, quốc gia tương đối khép kín, chiếm khoảng 20% GDP nước này. Ngược lại châu Âu, nơi nhiều quốc gia dùng chung một loại tiền, thì tiếp xúc nhiều với thương mại hơn, đa phần diễn ra ở khu vực thương mại tự do. Trường hợp của Trung Quốc thì phức tạp vì quốc gia châu Á hiện hoạt động chủ yếu như một trung tâm sản xuất, lắp ráp, sử dụng lao động nội địa, để chuyển linh kiện nhập khẩu thành sản phẩm trung gian hoặc hoàn thiện. Nhân dân tệ rẻ do đó ít có tác động đến hoạt động kinh tế hơn so với trước.
Các ngành then chốt như sản xuất tiên tiến, công nghệ thông tin, dược và giải trí ít có khả năng bị ảnh hưởng bởi biến động tiền tệ nhờ hàm lượng sở hữu trí tuệ cao, cạnh tranh hạn chế và sự phổ biến của các hợp đồng dài hạn. Dịch vụ, ngành đang đóng vai trò ngày càng quan trọng ở Đại lục và nhiều nước khác, thì gần như mang tính địa phương. Một trong bốn việc làm ngành sản xuất ở Mỹ liên quan đến thương mại, trong khi chỉ có 6% việc làm ngành dịch vụ chịu ảnh hưởng tương tự.
Một vài nước thì chỉ đơn giản là tự vệ tốt hơn trước các loại hàng hóa nhân tạo giá rẻ. Những nước này giờ đây triển khai một loạt quy định hạn chế thương mại bí mật, từ chính sách mua sắm rất hạn chế đến quy định hàm lượng hàng nội địa có lợi cho giới cung cấp trong nước. Một số quốc gia thì cung cấp trợ cấp và tài chính ưu đãi cho doanh nghiệp nội. Năm 2015, số lượng biện pháp phân biệt được chính phủ các nước áp dụng tăng 50% so với năm 2014. Trong đó, các nước thuộc nhóm G20 chiếm hơn 80%.
Cuối cùng, điều quan trọng là cần nhớ rằng những yếu tố khác có thể xóa tan bất kỳ lợi thế nào có được từ chuyện phá giá. Biến động và sự thiếu chắc chắn tiền tệ có xu hướng làm giảm đầu tư kinh doanh lâu dài. Đồng tiền yếu cũng làm giảm sức mua của người dân. Đồng euro mất hơn 30% giá trị so với đô la Mỹ kể từ năm 2011, hạ bớt thu nhập và sự giàu có của người tiêu dùng khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone). Úc, nước phụ thuộc lớn vào nhập khẩu, cũng mất lượng sức mua tương tự. Kết hợp với thu nhập trì trệ, điều này chỉ ăn sâu hơn vào nhu cầu thế giới.
Một cuộc chiến tiền tệ chỉ có thể tìm ra người thắng nếu duy nhất quốc gia viện cách phá giá. Các nước không thể cùng lúc có nội tệ rẻ nhất, song điều này không có nghĩa là họ không cố gắng giành lợi thế trước đối thủ. Tuy vậy, cơ hội thành công của họ đang thấp hơn bao giờ hết.

tin liên quan

USD tăng giá mạnh nhất kể từ năm 1984
(TNO) Đô la Mỹ đang trong đợt tăng giá mạnh nhất kể từ năm 1984 và không giống như thời kỳ đó, gần như không có yếu tố nào hiện nay có thể ngăn đà tăng giá này. USD sẽ còn tăng nếu Fed nâng lãi suất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.