Nước Anh rời EU: Ngân hàng trung ương toàn cầu cam kết hành động

24/06/2016 14:24 GMT+7

Các ngân hàng trung ương trên thế giới cam kết sẽ hành động khi cần để ngăn chặn sự cố thanh khoản thị trường tài chính. Một số nhà băng đã hành động ngay sau kết quả Brexit, hay Anh rời EU.

Theo Bloomberg, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) cho hay họ sẽ tiến hành tất cả các bước cần thiết để đảm bảo sự ổn định, có kế hoạch ứng phó với Kho bạc Anh và các ngân hàng trung ương khác.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Haruhiko Kuroda và Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso, hai quan chức tài chính hàng đầu của quốc gia đứng đầu G7, nhấn mạnh nhà băng trung ương của sáu nước phát triển lớn có các dây chuyền hoán đổi tiền tệ sẵn sàng để cung cấp thanh khoản. Các đường dây này nối ngân hàng trung ương Nhật Bản, Mỹ, khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone), Anh, Thụy Sĩ và Canada, xuất hiện từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và được thiết lập vĩnh viễn vào năm 2013.
Phó chủ tịch Krishna Guha của hãng Evercore ở Washington, người từng công tác tại ngân hàng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ở New York, cho hay: “Trong khi sẽ có một tuyên bố từ phía G7 và khả năng can thiệp, phối hợp quốc tế nếu các thị trường tiền tệ bất thường, chúng tôi nghĩ rằng khả năng cho sự can thiệp như trên là cao và ngờ rằng chúng ta có thể có hành động đơn phương”. G7 là nhóm bảy nước có nền công nghiệp hàng đầu thế giới.
Hàn Quốc và Ấn Độ là hai trong số các ngân hàng trung ương được cho là đã can thiệp trong nỗ lực làm mịn giao dịch đồng tiền của họ. Giới phân tích cho hay nhà băng trung ương Đan Mạch có thể cũng vừa làm thế, còn Singapore thì có khả năng can thiệp. Ngân hàng trung ương Kenya cho biết sẵn sàng làm dịu biến động thị trường và Thái Lan đang theo dõi tình hình.
Tám năm kể từ thời điểm bắt đầu cuộc khủng hoảng tín dụng toàn cầu, tình trạng hỗn loạn hậu Brexit dường như đang tiến đến việc tiếp tục mở ra làn sóng nới lỏng tiền tệ. Giới chuyên gia kinh tế hôm nay 24.6 cho hay Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) có thể hành động, thông qua cả việc can thiệp để chống đỡ nội tệ và cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc dành cho các nhà băng thương mại. Với Fed, thị trường bất ổn là lý do cho quyết định hoãn tăng lãi suất trong tháng này.
Chiến lược gia Mansoor Mohi-uddin tại Royal Bank of Scotland ở Singapore cho hay: “Fed sẽ muốn quan sát các tác động từ cuộc bỏ phiếu ở Anh trước khi xem xét tiếp tục nâng lãi suất, nên việc họ hành động vào tháng 7 có rất ít khả năng xảy ra. Đô la Mỹ có thể sẽ tiếp đà tăng giá khi ngân hàng trung ương nhiều nước khác xem xét giảm lãi suất hoặc can thiệp ngoại hối”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.