Nhật Bản áp dụng lãi suất âm để vực dậy kinh tế

29/01/2016 16:45 GMT+7

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) tăng cường nỗ lực kích thích nền kinh tế đang gặp khó bằng cách đưa lãi suất về mức âm.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) tăng cường nỗ lực kích thích nền kinh tế đang gặp khó bằng cách đưa lãi suất về mức âm.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda - Ảnh: ReutersThống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda - Ảnh: Reuters
Theo CNN, BOJ hôm nay 29.1 cho biết ngân hàng sẽ cắt giảm lãi suất trên tài khoản hiện tại mà các ngân hàng thương mại đang nắm giữ còn -0,1%, và lãi suất sẽ còn thấp hơn nữa nếu cần. Động thái này về cơ bản khiến nhà băng phải tốn tiền khi giữ tiền ở ngân hàng trung ương.
Về lý thuyết, lãi suất âm khuyến khích các ngân hàng cho vay nhiều hơn và người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn tiết kiệm. Nó cũng có thể làm suy yếu nội tệ của một nước, hỗ trợ xuất khẩu. Đây là bước đi mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cùng nhiều ngân hàng trung ương khác thực hiện.
Thông báo trên là động thái bất ngờ mới nhất mà Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda đưa ra trong nỗ lực thúc đẩy đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. “Thống đốc Kuroda đã nổi tiếng với chuyện thay đổi khi có ít mong đợi nhất, và động thái hôm nay củng cố danh tiếng này”, chuyên gia Marcel Thieliant thuộc Capital Economics nói.
Giới đầu tư phản ứng tích cực trước thông tin trên. Cổ phiếu ở Tokyo tăng 2,8% và đồng yen giảm giá so với đô la Mỹ.
Biến động thị trường tài chính đầu năm 2016 đặc biệt gây khó cho Nhật Bản. Trước khi BOJ công bố lãi suất, cổ phiếu đã giảm khoảng 10% trong tháng 1, và yen Nhật đã mạnh lên. Trong khi đó, giá cả dầu thô lao dốc khiến BOJ càng khó đạt được mức lạm phát mục tiêu 2%.
BOJ cho hay kinh tế Nhật Bản đang ở giữa giai đoạn phục hồi vừa phải, song vẫn thể hiện quan ngại về giá dầu lao dốc và triển vọng kinh tế các thị trường mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc. Hiện không rõ có bao nhiêu đợt lãi suất âm nữa sẽ đến để hỗ trợ nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. ECB từng sử dụng biện pháp này nhưng khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu vẫn tiếp tục chật vật với giảm phát.
“Với lãi suất đã ở mức thấp kỷ lục, chúng tôi không kỳ vọng các biện pháp sẽ đem lại tác động đáng kể đến nền kinh tế thực hay lạm phát của Nhật Bản”, nhà kinh tế Izumi Devalier tại ngân hàng HSBC nhận định.
Nhật Bản từ lâu đã gặp khó với tình trạng giảm phát, giá cả trì trệ bất chấp các biện pháp kích cầu của BOJ trong những năm gần đây, bao gồm chương trình mua trái phiếu lớn. Hiện tại, chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe cố gắng kích thích kinh tế bằng cách tăng chi tiêu và thúc đẩy cải cách.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.