Nhà máy 700 triệu USD chết dở với công nghệ Trung Quốc

16/07/2014 09:00 GMT+7

Được hy vọng là một trong những nguồn cung lớn (công suất 560.000 tấn u rê/ năm), góp phần đáp ứng cơ bản nhu cầu phân bón trong nước, giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, nhưng Nhà máy đạm Ninh Bình từ ngày đi vào vận hành đến nay chưa ngày nào có lãi.

 Nhà máy đạm Ninh Bình
Nhà máy đạm Ninh Bình, một công trình tiêu biểu cho sự thất bại do sử dụng công nghệ Trung Quốc - Ảnh: CTV

Theo một nguồn tin từ Bộ Công thương, bộ này vừa nhận được công văn kêu gọi “cấp cứu” cho Công ty TNHH một thành viên đạm Ninh Bình  (thuộc Tập đoàn hóa chất VN - Vinachem) - một nhà máy lớn có quy mô vốn 700 triệu USD, khởi công xây dựng năm 2008 và hoàn thành năm 2012. Trong công văn, Tổng giám đốc Tập đoàn Vinachem Nguyễn Gia Tưởng cho biết chi phí sản xuất quá cao, giá u rê trên thị trường lại liên tục giảm nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty đạm Ninh Bình rất khó khăn. Năm 2012, công ty lỗ 75 tỉ đồng, năm 2013 lỗ 759 tỉ đồng. Ước 6 tháng đầu năm 2014 lỗ 237 tỉ đồng và lỗ lũy kế đến nay đã là 1.071 tỉ đồng.

 

Tôi không ngạc nhiên là Công ty đạm Ninh Bình thua lỗ như vậy. Tôi nghĩ còn thua lỗ dài dài vì nhà máy này đầu tư rất lớn nhưng chi phí quá cao. Nói chung, sản xuất đạm ngày nay mà còn sử dụng than trong khi giá than tăng liên tục như vậy thì không có nhà máy nào chịu nổi

Ông Vũ Duy Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinacam

Nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng này là chi phí cao, công nghệ lạc hậu khi chọn Tổng công ty tư vấn và thầu khoán Hoàn Cầu của Trung Quốc làm tổng thầu. Chính ông Nguyễn Gia Tưởng cũng thừa nhận: “Dây chuyền, máy móc thiết bị chủ yếu được nhập từ Trung Quốc, chất lượng ở mức trung bình, thường xuyên xảy ra sự cố. Việc mua vật tư, thiết bị dự phòng phải phụ thuộc vào nhà thầu Trung Quốc nên dây chuyền sản xuất thường xảy ra các sự cố, tiêu hao định mức nên chưa đạt mức thiết kế”.

Vì công nghệ không phù hợp, Nhà máy đạm Ninh Bình phải chi thêm mỗi năm khoảng 42 tỉ đồng để sử dụng than cám 3c thay cho loại than cám 4a đang sử dụng. Theo Vinachem, các chi phí khấu hao, chi phí lãi vay đầu tư tăng cao, giá than cám 4a, 5a lại cao hơn giá than tại thời điểm phê duyệt dự án đã đẩy giá thành sản xuất của Nhà máy đạm Ninh Bình lên rất cao so với các nhà máy sản xuất phân đạm khác ở trong nước.

Về vấn đề này, ông Vũ Duy Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinacam, đối tác mua hàng của Công ty đạm Ninh Bình, nói: “Tôi không ngạc nhiên là Công ty đạm Ninh Bình thua lỗ như vậy. Tôi nghĩ còn thua lỗ dài dài vì nhà máy này đầu tư rất lớn nhưng chi phí quá cao. Nói chung, sản xuất đạm ngày nay mà còn sử dụng than trong khi giá than tăng liên tục như vậy thì không có nhà máy nào chịu nổi”. Ông Hải đặt vấn đề: "Tôi không hiểu tại sao họ lại không đặt nhà máy ở Quảng Ninh mà phải đặt tại Ninh Bình để việc vận chuyển than đi khá xa, tăng nhiều chi phí. Đừng nói là lỗ do không cạnh tranh nổi với phân bón Trung Quốc vì ta cũng đã đánh thuế khá cao vào phân bón nhập khẩu. Tôi nghĩ Đạm Ninh Bình thua lỗ chính là do công nghệ nhập, chi phí lớn”.

Nhiều kiến nghị không thực tế

Theo nguồn tin từ Bộ Công thương, Tập đoàn Vinachem, trong văn bản kêu cứu có kiến nghị rất nhiều giải pháp như: điều chỉnh giá bán than bằng 90% giá xuất khẩu, không xuất khẩu than cám 3, 4; tạm dừng hoạt động nhập khẩu phân bón biên mậu, tăng thuế nhập khẩu phân bón u rê lên 7%... Nhưng một quan chức của Bộ Công thương cho biết sẽ rất khó để giải quyết tất cả các kiến nghị này vì “có những kiến nghị không thực tế”. “Có những vấn đề khó khăn do tập đoàn không tính, không lường được trước khi lựa chọn đầu tư, bây giờ phát sinh thì phải gánh chịu hậu quả thôi chứ nhà nước làm sao có thể có cơ chế ưu ái để xử lý riêng cho Vinachem được”, ông này nói.

Mạnh Quân

>> Còn 56 lao động Trung Quốc ở Tân Rai
>> Gần một nửa số lao động Trung Quốc chưa được cấp phép
>> Vụ Lao động Trung Quốc làm chui tại Quảng Nam: Chỉ cấp phép cho lao động quản lý chuyên môn
>> Lao động Trung Quốc ở Cam Ranh "đang lách luật
>> Vụ hàng ngàn lao động Trung Quốc không phép ở Cà Mau: Chưa biết khi nào xử lý xong
>> Phát hiện hàng trăm lao động Trung Quốc không phép ở Quảng Bình
>> Có nhà thầu sử dụng 100% lao động Trung Quốc không phép

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.