Kinh tế Mỹ - Trung Quốc: 10 năm tới ai hơn ai?

13/05/2016 14:50 GMT+7

Trung Quốc muốn vượt qua Mỹ, trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Liệu điều này có khả thi trong một thập kỷ tới hay không? Bài viết này sẽ cho bạn lời giải.

Hãng tin Bloomberg cho rằng Trung Quốc có thể vượt Mỹ sau 10 năm nữa, nếu nước này có thể chuyển đổi khéo léo nền kinh tế từ phụ thuộc vào chính phủ sang định hướng thị trường, với dịch vụ và tiêu dùng đóng vai trò lớn hơn nhiều so với hiện tại.

Dưới đây là vài số liệu thú vị về hai cường quốc kinh tế hàng đầu, có thể là tư liệu giúp bạn trả lời câu hỏi trên. Trong các biểu đồ, đồ thị màu xanh là số liệu của Mỹ còn màu đỏ là của Trung Quốc.

Theo biểu đồ trên, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ vào năm 2026 với tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mục tiêu của năm 2030.

Cụ thể, năm 2015, GDP của Mỹ gấp 1,6 lần GDP Trung Quốc. Nền kinh tế số một thế giới có quy mô 18.000 tỉ USD trong khi kinh tế quốc gia Đông Á có kích thước 11.400 tỉ USD.

Với mục tiêu tăng trưởng GDP của Mỹ và Trung Quốc lần lượt là 2% và 6,5% vào năm 2030 thì đến năm 2026, 22.300 tỉ USD là quy mô kinh tế Mỹ còn 22.800 tỉ USD là quy mô kinh tế Đại lục. Trung Quốc vượt Mỹ vào năm này.

Mỹ và Trung Quốc cùng nhau chiếm khoảng 36% kinh tế toàn cầu. Khi Đại lục đi lên, nước này cũng hưởng miếng bánh lớn hơn trong kinh tế thế giới.

Suốt từ những năm 1984 đến năm 2014, miếng bánh của Mỹ trong kinh tế thế giới luôn lớn hơn nhiều so với của Trung Quốc. Biểu đồ trên cho thấy vào năm 2014,  Đại lục chiếm 13,4% trong khi Mỹ chiếm 22,3% trong kinh tế toàn cầu, cao hơn 1,7 lần so với nước bạn.

Xét trung bình, một người Trung Quốc vẫn nghèo hơn nhiều so với người Mỹ. Giới hoạch định chính sách Đại lục muốn tăng lương cho người dân để thúc đẩy tiêu dùng, song lương tăng cũng kéo cao chi phí hoạt động của các doanh nghiệp, nhà máy. Để bắt kịp mức sống của Mỹ, Trung Quốc cần tập trung hơn và vận hành hiệu quả hơn.

Biểu đồ trên cũng cho thấy từ năm 1984 đến năm 2014, số liệu GDP bình quân đầu người của Mỹ luôn hơn Trung Quốc. Năm 2014, GDP bình quân đầu người ở Mỹ là 54.360 USD, gấp 7,1 lần so với Trung Quốc là 7.626 USD.

Hiện nay Trung Quốc đã là nước có thương mại lớn nhất thế giới. Năng lực xuất khẩu của nước này thúc đẩy thặng dư và căng thẳng thương mại lớn. Tỉ phú ứng cử tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng Trung Quốc có “hành vi trộm cắp lớn nhất trong lịch sử thế giới”. Giới chức Đại lục đã và đang cố gắng cân bằng, tránh phụ thuộc vào nhu cầu bên ngoài bằng cách thúc đẩy chi tiêu nội địa.

Biểu đồ trên cùng trong ảnh thể hiện số liệu thương mại của Mỹ, Trung với thế giới qua các năm từ 1996 đến 2015. Năm 2015, hai số liệu này lần lượt là 3.724 tỉ USD và 4.068 tỉ USD, tức thương mại của Mỹ với thế giới bằng 0,9 lần so với thương mại Trung Quốc với toàn cầu.

Hai biểu đồ bên dưới thể hiện tình hình xuất khẩu (bên trái) và tình hình nhập khẩu. Năm 2015, xét về xuất khẩu, Mỹ chỉ bằng 0,6 lần so với Đại lục còn về nhập khẩu thì Mỹ gấp 1,4 lần so với Đại lục.

Hiện tại, Trung Quốc có ít cư dân thành thị hơn Mỹ hồi năm 1930. Nông thôn nước này đang thay đổi nhưng vẫn còn rất nhiều thứ cần cải thiện. Nhiều nhu cầu về việc làm, nhà ở và dịch vụ vẫn hiện diện tại các thành phố Trung Quốc.

Biểu đồ trên thể hiện số dân đô thị ở hai nước. Năm 2010, 81,4% dân số Mỹ sống ở thành phố, trong khi chỉ 54,4% dân số Trung Quốc sống ở đô thị.

Kinh tế Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng gắn bó với nhau. Quan hệ song phương hai nước trở thành nhân tố trọng yếu cho triển vọng kinh tế toàn cầu. Thế kỷ 20 thuộc về nước Mỹ, song liệu thế kỷ 21 có thuộc về Trung Quốc hay không vẫn là câu hỏi đang chờ lời giải. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.