Kinh tế Ấn Độ có gì hơn Trung Quốc?

07/06/2016 17:54 GMT+7

Câu trả lời là rất nhiều. Khi Trung Quốc, Nga và Brazil đều đi chậm lại, kinh tế Ấn Độ vẫn tiến về phía trước. Ấn Độ là điểm sáng trong các thị trường mới nổi.

Tăng trưởng kinh tế Ấn Độ trong 25 năm qua chậm hơn so với Trung Quốc. Tăng trưởng của Ấn Độ tăng lên gần 11% GDP Mỹ năm 2014 từ mức chỉ 4% trong năm 1990. Trong khi đó, hai số liệu trên của Trung Quốc lần lượt là 60% và 9%.
Song không như Trung Quốc, Ấn Độ không phải một người khổng lồ định hướng xuất khẩu và do đó tăng trưởng của nước này đã và đang ổn định hơn. Năm 2015, quốc gia Nam Á đi lên với tốc độ 7,5%. Ấn Độ cũng không hưởng nhiều lợi ích như Trung Quốc khi hoạt động sản xuất chuyển từ Tây phương sang các nước đang phát triển. Do đó so với Trung Quốc, sự sụt giảm ở nước ngoài cũngi ít làm Ấn Độ tổn thương hơn.
Theo cây bút A. Gary Shilling, Chủ tịch hãng tư vấn A. Gary Shilling & Co. kiêm tác giả bài báo trên hãng tin Bloomberg, Ấn Độ chắc chắn có vấn đề của riêng họ. Một vài ví dụ là chuyện quan liêu chậm chạp, thiếu cơ sở hạ tầng tốt, hàng rào quy định và tham nhũng. Các vấn đề này cần phải được giải quyết trước khi kinh tế có thể bùng nổ. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nỗ lực cải cách trong thời gian qua, dù điều này cho đến nay vẫn đem lại ít thành công.
Nhiều dữ liệu đáng tin cậy cho thấy kinh tế Ấn Độ còn mờ nhạt. Hầu hết các doanh nghiệp là nhỏ và thiếu kiểm soát, nhiều người lao động không làm việc và được trả lương chính thức. Ấn Độ cũng sử dụng giá bán buôn để giảm GDP danh nghĩa. Vì giá dầu thấp, chỉ số giá bán buôn vừa có tháng giảm thứ 17 liên tiếp trong khi giá bán lẻ tăng lên với tốc độ 5% hằng năm. Những con số GDP báo cáo ra được phóng đại.
Buôn bán tại một khu chợ ở Ấn Độ Reuters
Dù vậy, Ấn Độ vẫn có lợi thế lớn so với Trung Quốc.
Thứ nhất, chính sách một con của Đại lục sẽ dẫn đến việc ít người mới tham gia vào lực lượng lao động trong nhiều thập niên. Đây sẽ là nguyên nhân bóp nghẹt tăng trưởng, vì người trẻ có xu hướng di động và linh hoạt hơn trong vấn đề nghề nghiệp, họ cũng dễ dàng học hỏi kỹ năng mới.
Ngược lại, Ấn Độ ít có hạn chế về tăng trưởng dân số. Tỷ lệ phụ thuộc, tức số trẻ em và người cao tuổi so với số dân trong độ tuổi lao động, sẽ tiếp tục giảm ở Ấn Độ trong lúc tăng lên ở Trung Quốc. Năm 2015, Ấn Độ có 1,25 tỉ dân, Trung Quốc có 1,37 tỉ dân. Chẳng bao lâu nữa, Ấn Độ sẽ đông dân hơn quốc gia Đông Á.
Chính sách một con của Trung Quốc vừa được nới lỏng gần đây Reuters
Thứ nhì, dù bạn có nghĩ thế nào về chủ nghĩa thực dân, việc người Anh hiện diện trên đất Ấn trong nhiều thế kỷ đã để lại cho nước này một nền dân chủ mạnh mẽ và hình thức nghị viện chính phủ. Điều này đặc biệt hữu ích trong việc vận hành nước lớn.
Người Anh cũng để lại trên đất Ấn hệ thống đường sắt tạo điều kiện vận chuyển người và hàng hóa trên một vùng lãnh thổ rộng lớn. Trái lại, Trung Quốc không muốn cấp trạng thái thường trú cho nông dân từ miền quê lên đô thị để tìm việc làm.
Tất nhiên, Anh quốc cũng chuyển cho nước bạn ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi nhất thế giới. Tiếng Anh đặc biệt hữu ích vì phần lớn hoạt động làm ăn, kinh doanh trên thế giới dùng ngôn ngữ này. Nó cũng được xem là yếu tố thống nhất trong quốc gia sử dụng hàng trăm phương ngữ như Ấn Độ.
Tiếng Anh là yếu tố thống nhất ở đất nước sử dụng hàng trăm phương ngữ như Ấn Độ Reuters
Thứ ba, hiện Trung Quốc có các ngân hàng được chính phủ kiểm soát, một số doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả nhưng vẫn tạo ra một nửa sản lượng của đất nước và tuyển dụng 1/4 lực lượng lao động.
Tại Ấn Độ, dù Đạo luật Công nghiệp năm 1951 từng khiến nền kinh tế không thể nở rộ như một số nước láng giềng châu Á, Ấn Độ về lịch sử vẫn được định hướng thị trường tự do hơn các nước đang phát triển lớn khác, chẳng hạn như Trung Quốc và Nga.
Đơn cử, Bollywood ở Ấn Độ cho ra lò hàng loạt phim từ tuyệt vời cho đến dở tệ, còn tại Trung Quốc thì phim ảnh chủ yếu là công cụ tuyên truyền. Doanh nghiệp do nhà nước kiểm soát ở quốc gia Nam Á chỉ chiếm 13% GDP, trong khi doanh nghhiệp quốc doanh ở đất nước Đông Á chiếm 29% GDP.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi Reuters
Tiếp theo, hãy nhắc đến lĩnh vực dược phẩm và công nghệ vốn không chịu nhiều quy định phiền toái của Ấn Độ. Ngành công nghệ thông tin dựa vào nhiều hơn những công nghệ mới như truyền hình vệ tinh, có thể đi tắt đón đầu.
Doanh nghiệp Mỹ và châu Âu muốn thuê ngoài dịch vụ y tế, pháp lý và hoạt động văn phòng tìm đến Ấn Độ. Doanh thu gia công của đất nước đông dân thứ nhì thế giới là 95 tỉ USD/năm, chiếm 1/5 xuất khẩu. Lương bổng thấp và khả năng nói Anh ngữ tốt là những điểm giúp người Ấn nổi bật.
Thứ năm, nhiều người Ấn Độ có khuynh hướng kinh doanh mạnh mẽ và mức tăng trưởng kinh tế mà họ có thể tạo ra là yếu tố quan trọng để đẩy lùi tỷ lệ nghèo, tham nhũng và thay đổi quyền lực kinh tế từ tay chính trị gia sang doanh nghiệp. Dù vậy, hoạt động kinh doanh của người Ấn vẫn tập trung về các tập đoàn tồn tại lâu và có mối liên hệ mật thiết với chính phủ, hệt như các doanh nghiệp nhà nước ở Trung Quốc và các chaebol ở Hàn Quốc.
Giấy bạc rupee của Ấn Độ Reuters
Cuối cùng, dù Đại lục đang từ từ mở cửa thị trường tài chính và tiền tệ cho người nước ngoài, nhân dân tệ vẫn bị kiểm soát chặt chẽ. Rupee của Ấn Độ thì ngược lại, khá tự do khỏi sự can thiệp của chính phủ. Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ, tức ngân hàng trung ương nước này, phần lớn độc lập với ảnh hưởng của chính phủ. Trong khi đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc thì hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ.
Ấn Độ hẳn nhiên còn cần nỗ lực rất nhiều, chẳng hạn như cởi mở hơn các quy định dành cho doanh nghiệp, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và đẩy nhanh tốc độ thay đổi, cải cách.
Song nếu làm được những điều trên, Ấn Độ có nhiều lợi thế hơn so với Trung Quốc. Các yếu tố này có thể chuyển thành năng suất cao hơn và tăng trưởng nhanh hơn. Đây nên là một trong những thông điệp mà Thủ tướng Ấn Độ Modi gửi gắm trong chuyến thăm Mỹ vào ngày 8.6.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.