Hơn nửa số startup tỉ đô ở Mỹ là của người nhập cư

22/03/2016 17:59 GMT+7

Một nghiên cứu mới đây cho hay người nhập cư khởi động 51% số doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) có giá trị hơn 1 tỉ USD ở Mỹ. Phần lớn nhà sáng lập startup trên đến từ Ấn Độ, Canada, Anh.

Một nghiên cứu mới đây cho hay người nhập cư khởi động 51% số doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) có giá trị hơn 1 tỉ USD ở Mỹ. Phần lớn nhà sáng lập startup trên đến từ Ấn Độ, Canada, Anh. 

Nhà đồng sáng lập hãng Uber Garrett Camp là một người nhập cư - Ảnh: ReutersNhà đồng sáng lập hãng Uber Garrett Camp là một người nhập cư - Ảnh: Reuters
Theo tờ The Wall Street Journal, một nghiên cứu của Quỹ Quốc gia về chính sách Mỹ, viện nghiên cứu phi đảng phái, cho thấy những người nhập cư khởi động hơn một nửa số doanh nghiệp khởi nghiệp trên đất Mỹ và có giá trị hơn 1 tỉ USD.
44 doanh nghiệp trên có tổng giá trị 168 tỉ USD và mỗi công ty tạo ra trung bình khoảng 760 việc làm. Nghiên cứu cũng ước tính rằng người nhập cư chiếm tới hơn 70% vị trí quản lý hoặc phát triển sản phẩm tại các công ty trên.
Quỹ Quốc gia về chính sách Mỹ nghiên cứu 87 doanh nghiệp Mỹ được định giá trên 1 tỉ USD vào ngày 1.1 và được theo dõi bởi Câu lạc bộ Khởi nghiệp tỉ đô. Các tác giả đã dùng dữ liệu công khai và thông tin từ doanh nghiệp để tìm ra tiểu sử của người sáng lập.
Trong số các nhà sáng lập startup tỉ đô Mỹ, 14 người có quê ở Ấn Độ, 8 người có quê lần lượt ở Canada và Anh. 7 doanh nhân lập startup đến từ Israel và 4 người đến từ Đức. Ngoài ra, Pháp và Ireland cũng là cái nôi của nhiều ông chủ startup lớn ở Mỹ.
Ba startup Mỹ có nhà sáng lập là người nhập cư và được định giá cao nhất là: dịch vụ gọi taxi Uber Technologies, hãng dữ liệu phần mềm Palantir Technologies và hãng sản xuất tên lửa Space Exploration Technologies.
Tác giả nghiên cứu kiêm Giám đốc điều hành Quỹ Quốc gia về chính sách Mỹ Stuart Anderson cho hay kết quả nghiên cứu cho thấy kinh tế Mỹ có thể hưởng lợi từ nhân tài sinh ra ở nước ngoài và thậm chí sẽ còn được lợi thêm nữa nếu chính sách thị thực được nới lỏng.
Một số lãnh đạo công nghệ như CEO Facebook Mark Zuckerberg và tỉ phú Bill Gates đã kêu gọi tăng số lượng visa H-1B, cho phép lao động nước ngoài có tay nghề cao ở lại Mỹ. Hai lãnh đạo này cho rằng người nhập cư giúp ích rất nhiều cho cộng đồng công nghệ và hiện tại, vì các rào cản thị thực, nhiều doanh nghiệp khó thuê mướn lao động sinh ra ở nước ngoài và các doanh nhân nhập cư thì khó bắt đầu kinh doanh.
Trước thông tin trên, một số ý kiến cho rằng các giám đốc điều hành hãng công nghệ chỉ đơn giản là đang tìm kiếm lao động giá rẻ hơn. Một số chính trị gia, đơn cử như ứng viên tổng thống Mỹ Donald Trump, còn muốn hạn chế chương trình visa.
Một đề xuất được ứng viên tổng thống thuộc đảng Cộng hòa Ted Cruz và thượng nghị sĩ Jeff Sessions đưa ra hồi tháng 12.2015 nhắm đến việc cải cách chương trình thị thực H-1B. Những người muốn xin cấp visa loại này phải có trình độ đại học nâng cao, làm việc ít nhất 10 năm ở nước ngoài và không được trả lương thấp hơn công dân Mỹ.
Quá trình xin visa Mỹ hiện cồng kềnh. Thị thực được cấp giới hạn 85.000 cái mỗi năm, trong đó 65.000 được dành cho người nước ngoài nộp đơn xin lần đầu tiên và 20.000 áp dụng cho sinh viên ngoại quốc tốt nghiệp từ các trường đại học Mỹ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.