Kinh tế xanh 'hai trong một' của TP.HCM

TS Trương Minh Huy Vũ
(Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM)
14/09/2023 00:46 GMT+7

Dự báo TP.HCM là một trong những địa phương sẽ hứng chịu nặng nề ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tại VN. Cộng với tỷ lệ tăng trưởng suy giảm trong gần 10 năm qua, thì kinh tế xanh được xem là giải pháp và cũng là phương tiện để TP.HCM vừa bảo vệ môi trường vừa là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm trong tương lai.

Hơn nữa, là trung tâm công nghiệp của cả nước, việc chuyển đổi kinh tế xanh của TP.HCM sẽ tác động đến quá trình chuyển đổi xanh của cả nước. Song, thách thức đặt ra cho TP là phải cân bằng giữa mục tiêu tăng trưởng cao và chuyển đổi kinh tế xanh, bởi để thực hiện cuộc chuyển đổi này tất nhiên sẽ có sự đánh đổi.

Những bài toán mà thành phố cần phải có lời giải trong thực tế là: Chuyển đổi theo hướng sử dụng năng lượng tái tạo thay thế năng lượng điều chế; thúc đẩy cơ chế đổi mới công nghệ, ưu tiên sử dụng năng lượng xanh trong công nghiệp; thúc đẩy hướng tăng sản phẩm xanh trong quy trình sản xuất; và đồng bộ chuyên nghiệp hóa trong việc xử lý rác thải, chất thải.

TP.HCM đang phải đối mặt với nhiều thách thức về môi trường khi Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2022 chỉ xếp hạng 49 cả nước với 13,99 điểm. Quá trình đô thị hóa nhanh chóng với dân số ngày càng tăng dẫn tới nhu cầu cấp thiết cần giải quyết về cơ sở hạ tầng, nhà ở và dịch vụ; sử dụng đất hiệu quả, quản lý năng lượng đô thị bền vững, cải thiện hệ thống giao thông công cộng, giảm tiêu thụ tài nguyên và giảm ô nhiễm môi trường. Phát triển mảng xanh công viên chưa được quan tâm đúng mức, nhất là tại các dự án chung cư đô thị.

Vì thế, giải pháp căn cơ, bền vững đang được TP ưu tiên là phát triển đô thị ven sông hướng biển, tổng hòa với hạ tầng xanh và hình thành một vùng kinh tế biển đa ngành tầm cỡ cho toàn vùng tại tâm điểm TP.HCM, lấy H.Cần Giờ là trung tâm của kinh tế biển đa ngành. Phát triển các mô hình phát triển dọc theo các dòng sông, kênh rạch chính còn lại để tái định vị tầm quan trọng của hệ thống sông ngòi trong hệ thống liên kết sinh thái/sinh học của môi trường thiên nhiên. Gắn các trọng điểm đô thị, đặc biệt là các không gian mang tính biểu tượng cho TP với mạng lưới sông ngòi kênh rạch, biến cấu trúc hạ tầng xanh trở thành những hành lang kinh tế trọng yếu.

Để đảm bảo nguồn lực và gia tăng tính thực thi, trước hết cần thống nhất và đồng bộ trong (tái) quy hoạch tổng thể TP với quy hoạch kinh tế - xã hội, trong đó cần xây dựng liên kết vùng dựa vào xây dựng mạng lưới, nối kết hạ tầng và nâng cao năng lực từng lĩnh vực cụ thể trong nội tại của sự liên kết của TP với vùng Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long.

Trong triển khai, cần vận dụng luật và các điều khoản trong Nghị quyết 98 để kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược tiếp cận "đàn nhạn bay" để phát triển các ngành liên quan kinh tế xanh và tăng trưởng xanh, xây dựng cơ chế thí điểm có kiểm soát (sandbox) để TP được phép triển khai trong phạm vi hẹp các ý tưởng mới, thúc đẩy các mô hình kinh doanh đột phá nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.