Kinh tế Việt Nam - một hành trình kiên cường

31/12/2021 06:28 GMT+7

“Việt Nam kiên cường trong một thế giới suy sụp” là điều mà chuyên gia kinh tế trưởng của WB đã nói khi khép lại năm 2020 với quá nhiều thách thức từ đại dịch Covid-19.

Bước tiếp sang 2021 với những khó khăn chưa từng có, sự kiên cường đó càng được thể hiện đậm nét hơn.

Một năm 2021 kinh tế VN ngay giữa “tâm bão” vẫn ghi nhận hàng loạt kỷ lục, xác lập những lần đầu tiên, gây bất ngờ cho cả thế giới.

Phi hành đoàn chuyến bay thẳng đầu tiên đến Mỹ của VNA giới thiệu thực đơn đặc biệt trong chuyến bay được đánh giá là sự kiện của năm 2021

VNA

“3 tại chỗ” và cú sốc tăng trưởng quý âm

Ngày 15.7 có lẽ là “ngày không quên” đối với tất cả các doanh nghiệp (DN) sản xuất tại TP.HCM. Trước sự lây lan quá nhanh của dịch bệnh, UBND TP.HCM đã ban hành quy định khẩn về việc tổ chức hoạt động của DN sản xuất, chỉ cho phép tiếp tục hoạt động các DN đảm bảo thực hiện phương châm “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ và nghỉ ngơi tại chỗ) hoặc phương án “một cung đường - 2 địa điểm” - vận chuyển tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở. Mô hình sản xuất chưa từng có trong lịch sử, có hiệu lực chỉ 1 ngày sau khi văn bản được ban hành.

Hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Cát Lái những ngày cuối năm 2021

NG.NGA

Trở tay không kịp, không thể đáp ứng quy định lo chỗ ăn, chỗ ở cho toàn bộ công nhân trong thời gian quá gấp, hàng ngàn DN sản xuất tại TP.HCM buộc phải ngưng hoạt động. Hầu hết các DN tầm trung trở xuống không thể làm gì khác ngoài chấp nhận tạm dừng sản xuất, chờ dịch bệnh chuyển biến. Giai đoạn đó chỉ có khoảng 2.000 DN, chiếm 0,7% tổng số DN toàn TP, còn hoạt động. Tức là có khoảng 99% DN tạm ngừng hoạt động, kéo theo hàng triệu người lao động bị giảm hoặc mất thu nhập trong hơn 4 tháng. Một công ty may lớn như Việt Tiến cũng đã có lúc phải cho 34.000 lao động nghỉ việc vì không thể đáp ứng yêu cầu. Lãnh đạo của Tập đoàn dệt may VN gọi 2021 là năm chưa từng có trong lịch sử. “Có những lúc tưởng như tuyệt vọng, Công đoàn dệt may VN chưa bao giờ đối diện lượng lớn lao động nghỉ việc, cần hỗ trợ bởi dịch tới vậy”, vị này bồi hồi nhớ lại.

Tàu bay của Vietnam Arilines hạ cánh tại sân bay quốc tế San Francisco, ngày 29.11

VNA

Trong khi đó, ông chủ những DN quyết bằng mọi giá giữ đơn hàng thì đau đầu với bài toán chi phí. Những tháng tổ chức sản xuất “3 tại chỗ” cho hàng ngàn công nhân tại các nhà máy đã “ngốn” từ hàng chục đến hàng ngàn tỉ đồng của DN, từ mua trang thiết bị sinh hoạt hằng ngày, thuê khách sạn, chi phí ăn uống cho tới xây dựng thêm các công trình phụ, xét nghiệm… Tại nhà máy của Intel Vietnam, chỉ sau 1 tháng (15.7 - 15.8) tổ chức sản xuất “3 tại chỗ” cho hơn 3.000 lao động, DN này đã “bay” 140 tỉ đồng. Ròng rã 2 tháng trời, khoảng 700 DN/nhà máy trong số hơn 1.500 DN/nhà máy đặt tại 18 khu công nghiệp - khu chế xuất và Khu công nghệ cao TP.HCM đã gồng mình gánh lỗ. Nhiều doanh nhân dù vô tình hay chủ ý đã có khoảng thời gian ăn, ngủ, làm việc với công nhân trong giai đoạn đó, giờ nhớ lại vẫn không khỏi ám ảnh. Họ coi đó là những trải nghiệm không thể nào quên nhưng hy vọng không bao giờ quay trở lại.

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông khai thác thương mại

ĐẬU TIẾN ĐẠT

Sản xuất đứt gãy, nhà máy, công trường buộc dừng hoạt động hoặc kiệt quệ duy trì sản xuất… GDP quý 3/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức giảm sâu nhất và cũng là lần đầu tiên VN ghi nhận tăng trưởng quý âm, kể từ khi tính và công bố GDP quý đến nay. Từ đầu năm, các tổ chức quốc tế dự báo GDP năm nay tăng trưởng 7,5 - 7,8%. Đa số đều nhận định tỷ lệ này là hợp lý trong bối cảnh VN đã vượt qua dịch năm 2020 một cách ngoạn mục, sản xuất tăng trưởng tốt, đặc biệt dòng vốn đầu tư nước ngoài vào VN trong năm 2020 và quý 1/2021 được duy trì ổn định. Thế nhưng, hai đợt dịch bùng phát vào đầu và giữa năm đã khiến mọi dự báo trở thành bất khả thi.

Vực dậy mạnh mẽ

Lay lắt suốt gần nửa năm với những thách thức vô tiền khoáng hậu, song ngay khi dịch bệnh bước đầu được kiểm soát, các DN đã nhanh chóng bật dậy. Ngay trong quý đầu tiên ghi nhận mức tăng trưởng âm, cán cân thương mại quay trở lại “vị thế” xuất siêu. Kim ngạch xuất khẩu quý 3 đạt 83,89 tỉ USD, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước và tăng 7,2% so với quý 2. Tháng 10, TP.HCM và nhiều tỉnh thành bắt đầu mở cửa, từng bước phục hồi các hoạt động sản xuất. Giao thông liên tỉnh nối lại, các đơn hàng rục rịch chạy, đà tăng trưởng tiếp tục được đẩy lên mạnh mẽ. Hết tháng 11, đã có 34 nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỉ USD trở lên, trong đó 7 nhóm hàng đạt trên 10 tỉ USD. Kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt kỷ lục 668,5 tỉ USD, tăng 22,6%, tương đương tăng tới 123 tỉ USD so với năm 2020.

Cơ cấu xuất khẩu cũng chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng sản phẩm công nghiệp chế biến, giảm tỷ trọng hàng nông, lâm, thủy sản. Chuỗi cung ứng toàn cầu hồi phục dần sau dịch và nhu cầu của các thị trường tăng trở lại đã giúp xuất khẩu quý cuối năm tăng trưởng trở lại. Đặc biệt, tình trạng thâm hụt thương mại kéo dài gần nửa năm cũng đã chấm dứt. Theo tính toán của Bộ Công thương, kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm 2021 chạm mức 660 tỉ USD, tức có thêm 58 tỉ USD trong tháng cuối năm và xuất siêu khoảng 2,1 tỉ USD. Bên cạnh đó, thu hút FDI vẫn không suy giảm nhiều, về cơ bản vẫn tương đương năm 2020, khoảng hơn 26 tỉ USD vốn FDI đăng ký và giải ngân khoảng hơn 17 tỉ USD.

Vẫn còn nhiều việc phải thực hiện như chính sách kích cầu thế nào khi hiện nay tiêu dùng đang khá yếu, làm sao đẩy nhanh đầu tư công hiệu quả... Nhưng nhìn chung, với các điểm tích cực như trên thì VN đã vượt qua những khó khăn nhất của đại dịch Covid-19 và có điều kiện để đẩy mạnh chính sách hỗ trợ cho DN trong năm 2022

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành

PGS-TS Nguyễn Thường Lạng, Viện Thương mại và kinh tế quốc tế (Trường đại học Kinh tế quốc dân), cho rằng những con số tích cực 3 tháng cuối năm cho thấy sự thay đổi uyển chuyển trong điều hành chính sách phòng chống dịch của VN có hiệu quả rõ rệt. Một phần là chúng ta đang dần kiểm soát được dịch bệnh, nhưng nguyên nhân trực tiếp là do thay đổi cách tiếp cận giải quyết dịch bệnh theo hướng an toàn, linh hoạt, hiệu quả. Được trở lại bình thường mới, tự chủ trong việc phòng chống dịch là yếu tố tâm lý cực kỳ quan trọng giúp DN lấy lại niềm tin để tăng tốc “chiến đấu”. Ngoài ra, chính sách tiêm chủng diện rộng hiện là “chỗ dựa” tốt cho DN.

“Trong quá khứ, khi nhà máy đóng cửa, sản xuất đứt gãy, rất nhiều DN đề xuất, kiến nghị, xin chính sách được phủ vắc xin mũi 2 cho công nhân quay trở lại nhà máy nhưng tiêm phủ ngay lúc đó lại không dễ. Nhìn chung, các biện pháp phòng chống dịch nay được đồng bộ và sáng tạo, tùy tình hình địa phương, khu trú bệnh tật đúng người, đúng khu vực, đúng thời điểm, không làm đại trà gây lãng phí đang có hiệu quả đáng kể để phục hồi kinh tế”, vị này nhận xét.

Vươn ra thế giới

Không chỉ kiên cường kiểm soát dịch, phục hồi kinh tế trong nước, VN còn gây ấn tượng mạnh với cộng đồng quốc tế về hình ảnh một VN đã sẵn sàng trở lại sau rất nhiều khó khăn, mất mát. Chưa đầy 1 tháng mở cửa sau khi kiểm soát được dịch, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có chuyến công tác châu Âu tham dự Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), mang về “những bàn thắng tuyệt vời”. Không chỉ ký kết ghi nhớ những hợp đồng trị giá hàng tỉ USD từ tất cả các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục..., tại COP26, lần đầu tiên VN chính thức công bố cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Các chuyên gia về môi trường đánh giá đây là một bước ngoặt lịch sử trong chính sách ứng phó biến đổi khí hậu của VN, đưa chúng ta hội nhập cùng khoảng 140 nước trên thế giới thực hiện NetZero vào năm 2050.

Dưới góc nhìn kinh tế, PGS-TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế VN, cho rằng cam kết của VN tại COP26 đã khẳng định chủ trương phát triển nền kinh tế theo hướng xanh, nhanh chóng hòa cùng xu thế của thế giới. Cụ thể, thế giới trong khủng hoảng vẫn nghĩ đến các mục tiêu phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu. Vì thế đang có xu hướng phục hồi kinh tế theo hướng xanh, sử dụng năng lượng tái tạo nhiều hơn, xanh hóa nền sản xuất, sản xuất và sử dụng ô tô điện, phát triển hạ tầng xanh, triển khai các dự án xanh… Nhiều quốc gia trên thế giới đã có những gói kích cầu có nội dung phục hồi xanh. Tất cả đều nhằm mục tiêu thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính để góp phần giữ nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 2 độ C và nỗ lực giới hạn mức tăng ở mức 1,5 độ C. Điều này đã được đưa vào Thỏa thuận chung Paris về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc năm 2015.

“Mục tiêu giảm phát thải ròng khí nhà kính để đạt mức trung hòa vào năm 2050 là một mục tiêu hết sức thách thức, đòi hỏi phải có tư duy đột phá và có sự quyết tâm cao nhất của tất cả các chủ thể, trong đó có cả yếu tố công nghệ. Tuy nhiên, về ý nghĩa, COP26 đã giúp định hình cho con đường phát triển của VN xanh hơn, hiện đại hơn, đóng góp cho cộng đồng thế giới nhiều hơn trong việc bảo vệ hành tinh xanh của loài người”, TS Tuấn nhận định.

Nối ngay vào thành công sau chuyến công du của Thủ tướng, ngay trong tháng 11, VN tiếp tục ghi điểm với bạn bè thế giới bằng hàng loạt sự kiện như: VinFast chính thức giới thiệu hai mẫu xe điện tại Triển lãm ô tô Los Angeles, Mỹ (LA Auto Show 2021) - đánh dấu lần đầu tiên một thương hiệu ô tô Việt ra mắt sản phẩm tại Mỹ. Chỉ ít ngày sau, Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines khai trương đường bay thẳng thương mại đầu tiên đến Mỹ, gia nhập sân chơi cạnh tranh bậc nhất thế giới.

Những nỗ lực hội nhập, vươn ra thế giới của DN Việt ngay giữa tâm bão được TS Bùi Quang Tuấn đánh giá là sự trưởng thành rất đáng tự hào. Chúng ta vẫn luôn mong muốn điều đó và cần phải có nhiều DN Việt vươn ra bên ngoài như vậy. Nhất là các DN đi theo con đường áp dụng công nghệ hiện đại, ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

“VN đã có khá nhiều thành công trong hơn 30 năm đổi mới, chủ yếu là do mở cửa, hội nhập. Độ mở kinh tế của VN hiện nay gần 200%, tức là rất lớn. Vì vậy, không thể không tiếp tục dựa vào hội nhập để tăng trưởng và phát triển. Trong đó, vai trò của các DN là hết sức quan trọng. DN Việt lớn mạnh, vươn ra thị trường toàn cầu thì sự phục hồi tăng trưởng và phát triển của VN mới bền vững”, vị này nhấn mạnh.

Thiết lập hàng loạt kỷ lục

Nhìn lại năm qua, từng đợt “sóng thần” Covid-19 liên tiếp nối nhau đã giáng những đòn quá nặng vào sức khỏe DN cũng như toàn nền kinh tế VN. Thế nhưng ngay trong giai đoạn khó khăn nhất, thị trường chứng khoán (TTCK) VN lại ghi nhận 1 năm sôi động chưa từng có trong lịch sử và liên tục các kỷ lục được thiết lập. Chỉ số VN-Index lần đầu chinh phục ngưỡng 1.500 điểm và thanh khoản cũng đạt đỉnh lịch sử với trị giá hơn 56.300 tỉ đồng. Với mức đỉnh lịch sử trong phiên ngày 25.11 là 1.500,8 điểm, VN-Index đã tăng gần 36% so với cuối năm 2020, cao hơn gấp 2 lần so với mức tăng của cả năm 2020. Đồng thời, chỉ số HNX-Index cũng vượt đỉnh lịch sử với mức cao nhất 468,73 điểm tại ngày 18.11.2021, tăng 232% so với cuối năm 2020. Hay về thanh khoản, chỉ riêng trên sàn chứng khoán TP.HCM đã liên tục có nhiều phiên duy trì trên mức 30.000 tỉ đồng, ngang với nhiều TTCK phát triển trong khu vực. Tính bình quân, thanh khoản sàn này cả năm 2021 đạt khoảng 21.900 tỉ đồng/phiên, tăng 254% so với năm 2020.

Số lượng nhà đầu tư cá nhân mới tham gia trên TTCK cũng ghi nhận kỷ lục mới với hơn 1,3 triệu tài khoản sau 11 tháng, lớn hơn tổng số tài khoản cá nhân mở mới trong 4 năm liên tiếp từ 2017 - 2022 (tổng cộng 4 năm số lượng tài khoản mở mới chỉ đạt 1,04 triệu tài khoản). Sự phát triển vượt bậc của TTCK đã tạo ra ngày càng nhiều DN Việt có vốn hóa tỉ USD. Đồng thời, nhiều công ty đã huy động thành công hàng ngàn tỉ đồng thông qua sàn chứng khoán để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và sẵn sàng cho những cơ hội mới bứt phá sau đại dịch.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhận định kinh tế VN đã trải qua một năm “đau đớn” vì đại dịch. Toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và đời sống của người dân đều cực kỳ khó khăn. Thế nhưng kinh tế vĩ mô vẫn duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp trong bối cảnh giá hàng hóa nguyên liệu đầu vào tăng cao. Hay như hệ thống ngân hàng, dù nợ xấu tăng nhưng vẫn lành mạnh và hỗ trợ cho các DN nói riêng cũng như nền kinh tế phục hồi và phát triển.

Bất chấp nhiều khó khăn, thu ngân sách cả năm cũng đạt khá. Ở góc độ thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tính chung cả năm, số vốn cam kết vẫn gia tăng trong khi số vốn giải ngân chỉ giảm nhẹ đã thể hiện VN vẫn là một điểm đến thật sự trong mắt các tập đoàn, DN quốc tế. “Vẫn còn nhiều việc phải thực hiện như chính sách kích cầu thế nào khi hiện nay tiêu dùng đang khá yếu, làm sao đẩy nhanh đầu tư công hiệu quả... Nhưng nhìn chung, với các điểm tích cực như trên thì VN đã vượt qua những khó khăn nhất của đại dịch Covid-19 và có điều kiện để đẩy mạnh chính sách hỗ trợ cho DN trong năm 2022. Từ đó có bệ phóng để thúc đẩy kinh tế hồi phục và phát triển mạnh hơn”, ông Thành khẳng định.

Chính sách cần tạo thuận lợi cho nội lực phát huy

Dữ liệu cho thấy những khó khăn do đứt gãy cung ứng vì dịch bệnh chỉ mang tính tạm thời và cục bộ. Thực tế, tiềm lực con người, tài sản, nguồn lực các loại và sức sáng tạo của DN còn rất lớn. Đó là chưa kể nguồn lực bổ sung từ bên ngoài, thị trường và các quan hệ thương mại, đầu tư, đối tác chiến lược. Khi dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động kinh tế sẽ ngay lập tức bật dậy trở lại. Vấn đề của chính sách là tạo mọi thuận lợi để nội lực đó được phát huy.

Cần tiếp tục hỗ trợ DN bằng nhiều công cụ như tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, tài khóa, số hóa và chuyển đổi số. Thúc đẩy đầu tư công để tạo động lực phát triển mới. Tiếp tục phát triển sâu cam kết, hình thành thể chế hợp tác chiều sâu với đối tác; Khuyến khích thu hút đầu tư tư nhân, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo; Kết nối hợp tác công tư, chuyển đổi số và giảm chí phí logistics bằng phát triển hệ thống hạ tầng cơ sở hiện đại...

PGS-TS Nguyễn Thường Lạng, Viện Thương mại và kinh tế quốc tế

Tăng trưởng sẽ phục hồi mạnh mẽ

Mặc dù chủng mới Omicron có thể gây một số hệ lụy đáng kể nhưng việc tiêm vắc xin với tỷ lệ cao sẽ giúp VN khống chế và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả hơn. Hiện nay chúng ta đang triển khai tiêm vắc xin mũi thứ ba. Việc mở cửa nền kinh tế để thông thương với bên ngoài theo lộ trình để tiến tới mức bình thường sẽ giúp phục hồi được một loạt các ngành dịch vụ, nhất là du lịch. Với các chuỗi cung ứng được khôi phục và cầu của thị trường bên ngoài phục hồi mạnh, các trụ cột tăng trưởng như xuất khẩu và đầu tư nước ngoài sẽ đóng vai trò quan trọng. Cầu trong nước cũng sẽ phục hồi trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, linh hoạt hơn. Như vậy, tăng trưởng sẽ phục hồi.

PGS-TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế VN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.