Kinh tế TP.HCM tiếp đà tăng trưởng

28/09/2023 06:05 GMT+7

Dù các chỉ số chính của nền kinh tế tăng trưởng đều qua từng quý nhưng để đạt mức 7,5% là thách thức lớn đối với TP.HCM.

NHỮNG TÍN HIỆU TÍCH CỰC

Trong 3 kịch bản tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 9 tháng năm 2023 của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đưa ra hồi tháng 8, kịch bản bất lợi sẽ đạt khoảng 3,89% - 4,28%, kịch bản cơ sở từ 4,05% - 4,66% và kịch bản thuận lợi từ 5,31% - 5,96%. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang trên đà suy giảm và trong nước cũng gặp khó khăn, kinh tế TP.HCM ghi nhận tín hiệu tích cực của một số động lực thúc đẩy tăng trưởng, nhiều khả năng 9 tháng sẽ đạt tăng trưởng 4,05% - 4,66%. Theo ước tính của UBND TP.HCM, tăng trưởng quý 3/2023 khoảng 6,71% và 9 tháng năm 2023 tăng 4,57% so với cùng kỳ. Như vậy, kinh tế TP.HCM đạt mức tăng trưởng đều đặn trong 3 quý liên tiếp, trước đó quý 1 tăng 0,7%, quý 2 tăng 3,55%.

Kinh tế TP.HCM tiếp đà tăng trưởng  - Ảnh 1.

Doanh thu du lịch 9 tháng năm 2023 của TP.HCM ước đạt hơn 125.000 tỉ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ

Nhật Thịnh

Số liệu của Cục Thống kê TP.HCM tính đến ngày 20.9 cũng chỉ ra nhiều tín hiệu tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng nhẹ, cải thiện hằng tháng kể từ tháng 5, tính chung 9 tháng tăng 3,2% so với cùng kỳ. Ngành du lịch duy trì mức tăng khá ổn định, tác động lan tỏa lớn tới nhiều ngành dịch vụ như vận tải, lưu trú ăn uống, lữ hành, hoạt động vui chơi giải trí... Doanh thu du lịch 9 tháng đầu năm ước đạt 125.288 tỉ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 871.000 tỉ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ và dự báo tiếp tục giữ đà tăng trưởng do tác động từ việc tăng lương cơ sở.

Động lực chính cho tăng trưởng kinh tế TP.HCM còn đến từ đầu tư công và các khoản chi từ ngân sách (hơn 57.000 tỉ đồng) tạo tác động lan tỏa, đẩy tổng vốn đầu tư toàn xã hội 9 tháng hơn 253.000 tỉ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách ước đạt hơn 326.000 tỉ đồng, đạt 69% dự toán.

Bên cạnh đó, bà Nguyễn Trúc Vân, Giám đốc Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội TP.HCM (Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM), nhận định mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023 là 7,5% là thách thức lớn trong 3 tháng cuối năm. Là địa phương có độ mở kinh tế lớn, tăng trưởng của TP.HCM cũng sẽ tùy thuộc vào diễn biến tăng trưởng kinh tế toàn cầu, sự nỗ lực và hiệu quả thực thi công vụ...

Lo ngại làn sóng "di cư ngược"

Sở LĐ-TB-XH TP.HCM nhận định doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì các đối tác, khách hàng tiềm năng, một số doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, giảm giờ làm. Trong khi đó, hiện nhiều địa phương có khu công nghiệp, khu kinh tế nên người lao động có nhiều lựa chọn công việc để làm và quay về quê. Đây chính là thách thức cho một số ngành sử dụng nhiều lao động có nhu cầu khi phục hồi hoạt động, mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Thạc sĩ Lê Văn Thành, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu văn hóa xã hội, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, nhận định lực lượng lao động hiện nay tại TP.HCM không đạt được như thời điểm trước dịch Covid-19. Nếu trước dịch, xu thế lao động di cư từ các tỉnh về TP.HCM là chủ đạo. Thế nhưng, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, lao động cũng trở lại TP.HCM làm việc nhưng số lượng ít và tập trung vào một số lĩnh vực nhất định, những ngành đòi hỏi nhân lực chất lượng cao.

Ngoài ra, có một số lượng người lao động quay về địa phương, nơi họ ra đi và nay họ tìm việc ngay tại quê hương họ. Điều này cho thấy người lao động đang có sự thích nghi, chuyển hướng tạm thời trong lựa chọn công việc và nơi làm việc. Thạc sĩ Thành phân tích xu hướng này không phải vì thị trường lao động TP.HCM giảm sức hút mà đó là sự chuyển biến khi cơ cấu kinh tế thay đổi. Mặt khác, "sức khỏe" nền kinh tế của TP.HCM cũng đang trong quá trình hồi phục nên thị trường lao động có dấu hiệu chững lại là điều dễ hiểu. Do vậy, TP.HCM cần có những chiến lược cải thiện tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp để tạo thêm việc làm, bởi nếu người lao động thấy khó tìm việc ở TP.HCM mà thu nhập không đủ sống thì họ sẽ chọn ở quê chứ không di cư tìm việc nữa.

Vị chuyên gia này cũng chỉ ra bất cập trong kết nối cung cầu lao động khi người lao động thất nghiệp khó tìm việc còn doanh nghiệp lại khó tuyển dụng lao động, đồng thời cho rằng cần có hướng tiếp cận mới, sâu sát hơn với đời sống của người lao động.

Thu Ngân

Trong 9 tháng năm 2023, lãnh đạo TP.HCM dành nhiều thời gian trực tiếp tháo gỡ vướng mắc khó khăn của doanh nghiệp. Bà Vân nhìn nhận sự chủ động này đã tạo hiệu ứng tích cực, củng cố niềm tin cho doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cũng như xây dựng hình ảnh TP.HCM luôn đồng hành cùng doanh nghiệp. Sự tăng trưởng còn cộng hưởng từ cú hích của những cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 98/2023, nhiều dự án trọng điểm khởi công, lĩnh vực bất động sản ấm dần lên…

Tuy nhiên, bà Vân cũng cho rằng cần phải tiếp tục cải cách mạnh mẽ, đột phá thủ tục hành chính, loại bỏ các rào cản pháp lý, hoàn thuế giá trị gia tăng nhanh chóng, tăng cường kết nối tạo thế "cộng sinh" giữa các doanh nghiệp. Song song đó, cần tiếp tục dành vốn tín dụng cho các dự án bất động sản đủ điều kiện pháp lý, các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án nhà ở thương mại giá rẻ có hiệu quả cao; khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay…

ÁP LỰC GIẢI NGÂN ĐẦU TƯ CÔNG

Công tác giải ngân đầu tư công được TP.HCM tập trung từ đầu năm, đến tháng 9.2023 giải ngân hơn 22.500 tỉ đồng, đạt 33% kế hoạch vốn. Tỷ lệ này chưa đạt mục tiêu đề ra là 58% nhưng cao gấp đôi so với cùng kỳ. Đáng lo ngại là vốn bồi thường đang ở mức báo động khi có đến hơn 100 dự án chưa giải ngân đồng nào, và nhiều dự án sẽ phải chuyển vốn qua năm 2024 vì không kịp giải ngân. Mặt bằng bàn giao chậm dẫn đến việc thi công kéo dài, một số chủ đầu tư thiếu chủ động trong việc theo dõi, kiểm tra, làm phát sinh khối lượng, hạng mục.

TP.HCM tháo gỡ được bao nhiêu vướng mắc của doanh nghiệp ?

Theo thống kê của UBND TP.HCM, trong 232 kiến nghị về các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, đến nay đã giải quyết xong 117 kiến nghị, số còn lại tiếp tục xử lý.

Ở lĩnh vực bất động sản, TP.HCM đã có hướng xử lý 16/32 dự án do Tổ công tác của Chính phủ chuyển đến. Qua làm việc với Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, có 189 kiến nghị liên quan đến vướng mắc của 148 dự án; đến nay, các sở ngành đã giải quyết 43 kiến nghị của 39 dự án. Đối với 30 kiến nghị của 30 dự án liên quan quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, TP.HCM đã giao Sở TN-MT tiếp tục rà soát, đẩy nhanh tiến độ giải quyết.

Đối với doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài, tính đến tháng 9.2023 có 362 kiến nghị, TP.HCM đã giải quyết 348 kiến nghị, còn 14 kiến nghị đang tiếp tục giải quyết.

Ở khối doanh nghiệp tư nhân, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM thống kê các khó khăn, vướng mắc chủ yếu tập trung 5 nhóm vấn đề: quản lý hành chính và đầu tư công; thuế, hải quan; tiếp cận tín dụng; lao động, bảo hiểm xã hội; quy hoạch, đất đai. Trong 14 kiến nghị, TP.HCM đã giải quyết cơ bản 3 nội dung thuộc thẩm quyền, còn lại 11 nội dung về thuế, hải quan, tiếp cận tín dụng, lao động, bảo hiểm xã hội thuộc thẩm quyền của cơ quan T.Ư.

TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP.HCM, nhận định công tác giải ngân của TP chậm một phần do những tháng đầu năm tập trung vào bồi thường, giải phóng mặt bằng cho dự án Vành đai 3. Trong khi đó, việc bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án khác nhìn chung còn chậm, thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị.

TS Thắng cho rằng TP.HCM cần điều hành kế hoạch vốn linh hoạt, bổ sung vốn cho các dự án có tiến độ nhanh, hấp thụ vốn tốt. Cùng với đó, tập trung giải ngân nhanh các dự án trọng điểm như đường Vành đai 3, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương), nút giao thông An Phú, cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, mở rộng QL50. Ngoài ra, TP.HCM cũng sớm triển khai 5 dự án BOT trên đường hiện hữu mà HĐND TP.HCM vừa mới thông qua, gồm mở rộng QL1, QL13, QL22, nâng cấp trục Bắc - Nam và xây dựng cầu đường Bình Tiên (Q.8).

Để thúc đẩy lĩnh vực này, bà Nguyễn Trúc Vân cho rằng cần tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án có thu hồi đất. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát và phân công cụ thể lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ từng dự án để đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.