Kinh tế toàn cầu trước nguy cơ Mỹ tăng lãi suất

28/08/2023 07:00 GMT+7

Nếu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất cơ bản, như thông điệp vừa được đưa ra, thì có thể sẽ gây nhiều thách thức cho kinh tế toàn cầu.

Hội nghị chuyên đề kinh tế Jackson Hole của Fed vừa diễn ra tại bang Wyoming (Mỹ) từ ngày 24 - 26.8 (theo giờ địa phương). Hội nghị thường niên này tập trung sự tham dự của lãnh đạo ngân hàng trung ương nhiều nước, cũng như giới chuyên môn. Đây được xem là hội nghị chuyên đề kinh tế có ảnh hưởng hàng đầu thế giới.

Kinh tế toàn cầu trước nguy cơ Mỹ tăng lãi suất - Ảnh 1.

Lạm phát ở Mỹ đã giảm nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu Fed đề ra

Hoàng Đình

Lý lẽ của Fed

Reuters dẫn lời Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu tại hội nghị trên tiết lộ Fed có thể cần phải tăng lãi suất cơ bản để hạ nhiệt lạm phát vẫn còn quá cao. Tuy nhiên, ông Powell cũng cam kết: "Chúng tôi sẽ tiến hành một cách cẩn thận khi quyết định xem có nên thắt chặt hơn nữa hay giữ nguyên lãi suất chính sách và chờ đợi dữ liệu tiếp theo".

Giải thích cho ý định tăng lãi suất, ông cho biết: "Nhiệm vụ của Fed là đưa lạm phát xuống mức mục tiêu 2% của chúng tôi và chúng tôi sẽ làm như vậy". Fed đã tăng lãi suất thêm 5,25 điểm phần trăm kể từ tháng 3.2022 và lạm phát đã giảm từ mức đỉnh hơn 7% hồi giữa năm ngoái xuống còn 3,3% hiện tại. Dù Chủ tịch Fed thừa nhận mức giảm vừa nêu là "đáng hoan nghênh" nhưng "vẫn còn quá cao" so với mục tiêu 2%.

Ông nói: "Chúng tôi sẵn sàng tăng lãi suất hơn nữa nếu phù hợp và giữ ở mức cao cho đến khi chúng tôi tin rằng lạm phát đang giảm đúng hướng theo mục tiêu của chúng tôi".

Kinh tế toàn cầu trước nguy cơ Mỹ tăng lãi suất - Ảnh 2.

LO HIỆU ỨNG DOMINO

Thực tế, nếu Fed tăng lãi suất cơ bản có thể dẫn đến nhiều ảnh hưởng đáng quan ngại cho kinh tế nhiều nước cũng như kinh tế toàn cầu.

Cảnh báo hệ lụy cho đổi mới công nghệ

Trong khi đó, một nghiên cứu chỉ ra những hệ lụy của việc Fed tăng lãi suất cơ bản cũng được trình bày vào ngày 26.8 tại hội nghị chuyên đề trên.

Được thực hiện bởi nhà kinh tế học Yueran Ma (Trường Kinh doanh Booth thuộc Đại học Chicago, Mỹ) và nhà kinh tế học Kaspar Zimmermann (Viện Nghiên cứu tài chính Leibniz SAFE, Đức), nghiên cứu cho rằng việc các ngân hàng trung ương tăng lãi suất khiến chi phí sử dụng vốn tăng lên, nhu cầu tiêu dùng giảm làm suy yếu các khoản đầu tư vào các công nghệ đổi mới - vốn có thể giúp nền kinh tế mạnh hơn về lâu dài.

Nghiên cứu chỉ ra việc tăng lãi suất cơ bản thêm 1 điểm phần trăm khiến các doanh nghiệp giảm đến 3% chi phí cho đầu tư nghiên cứu phát triển, thậm chí có thể làm giảm đến 25% vốn đầu tư mạo hiểm, và rồi số bằng sáng chế giảm đi 9%. Qua đó, việc tăng lãi suất cơ bản để kiềm chế lạm phát có thể gây "ảnh hưởng dai dẳng đến năng lực sản xuất của nền kinh tế".

Khi Fed tăng lãi suất cơ bản trong bối cảnh sức mua đang giảm mạnh ở nhiều nước có thể khiến cho việc tiêu dùng hàng hóa sẽ tăng trưởng chậm. Điều này tạo ra tác động tiêu cực cho những nền kinh tế nghiêng về xuất khẩu, nhất là trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc - một động lực quan trọng của kinh tế toàn cầu - đang diễn biến ảm đạm và mãi lực tiêu dùng cũng giảm mạnh.

Một phân tích được đăng trên tờ The Wall Street Journal hôm qua 27.8 dẫn ý kiến một số chuyên gia, nhà hoạch định chính sách cho rằng tuy lạm phát đã được kiềm chế ở nhiều nước, nhưng câu hỏi đặt ra là nếu dừng thắt chặt tiền tệ vào thời điểm này thì có khiến xu thế giảm lạm phát bị đảo ngược hoặc chậm đi hay không? Đó chính là yếu tố khiến ngân hàng trung ương các nước có thể sẽ tiếp tục thắt chặt tiền tệ.

Chính vì thế, nếu Fed tăng lãi suất cũng có thể tạo ra phản ứng dây chuyền, ngân hàng trung ương của nhiều nước cũng tăng lãi suất khiến cho xu hướng thắt chặt tiền tệ lan rộng.

Cơ hội và thách thức cho VN

Trả lời Thanh Niên mới đây, GS David Dapice (chuyên gia kinh tế tại Trung tâm ASH thuộc Trường Chính sách công Kennedy của Đại học Harvard, Mỹ) cho rằng khi Fed giữ mức lãi suất cao sẽ khiến tiêu dùng của Mỹ giảm và tình hình tương tự cũng xảy ra ở nhiều nước phát triển. Đây là thách thức cho nền kinh tế có tỷ trọng xuất khẩu cao như VN.

Tuy nhiên, GS Dapice kỳ vọng quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu có thể tạo cơ hội chuyển dịch chuỗi cung ứng sang VN để VN duy trì xuất khẩu ở mức cao. Nếu làm được như vậy, việc USD tăng giá sẽ có lợi cho xuất khẩu của VN.

Chính vì thế, vấn đề đặt ra là VN phải thu hút hiệu quả sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng toàn cầu và có một chính sách phù hợp để thúc đẩy sản xuất.

Thực tế, ngày 26.8, bà Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu, cũng tuyên bố cơ quan này sẽ tiếp tục giữ lãi suất cơ bản ở mức cao. Tương tự, ông Ben Broadbent, Phó thống đốc về chính sách tiền tệ của Ngân hàng trung ương Anh (BoE), khẳng định BoE phải giữ lãi suất cơ bản ở mức cao trong thời gian lâu hơn vì lạm phát sẽ không giảm nhanh. Phát biểu trên cũng được đưa ra tại Hội nghị chuyên đề kinh tế Jackson Hole vừa qua. Thời gian qua, BoE đã tăng lãi suất 14 lần liên tiếp, lên mức 5,25% - mức cao nhất trong gần 16 năm. Đổi lại, lạm phát đã giảm từ mức đỉnh 11,1% xuống còn 6,8% nhưng vẫn cao hơn rất nhiều so với mục tiêu 2%.

Để đối phó với tình hình kinh tế ảm đạm cũng như kích thích thị trường bất động sản và nhu cầu tiêu dùng, Trung Quốc có thể sẽ nới lỏng tiền tệ, hạ lãi suất cơ bản. Tuy nhiên, kế hoạch này được dự tính trong bối cảnh các nước khác giảm nhiệt lãi suất. Cho nên, nếu hiệu ứng dây chuyền trên xảy ra, người ta không thể loại trừ khả năng Trung Quốc tiếp tục thắt chặt tiền tệ.

Nếu diễn biến này lan rộng, nguồn vốn của doanh nghiệp có thể gặp khó, dẫn đến nhiều thách thức chokinh tế toàn cầu. 

Vấn đề và Giải pháp: Kinh tế khó khăn tới bao giờ?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.