Kinh tế tăng trưởng nhanh nhưng tham nhũng, tiêu cực chưa được đẩy lùi

21/10/2006 23:26 GMT+7

Ngày 21/10, tuy vào ngày nghỉ nhưng Quốc hội (QH) vẫn dành cả ngày để thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2006, phương hướng, nhiệm vụ của năm 2007.

Mặc dù ghi nhận những kết quả lớn đã đạt được: phần lớn các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều đạt và vượt kế hoạch, những cố gắng đấu tranh phòng chống tham nhũng… đã khởi sắc nhưng nhiều đại biểu (ĐB) vẫn tỏ ý chưa hài lòng khi trong báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội chưa nêu đầy đủ những yếu kém, khuyết điểm, nhất là những nguyên nhân dẫn đến tốc độ tăng trưởng thấp hơn năm 2005, chất lượng tăng trưởng kém, chi tiêu trên một số lĩnh vực chưa hiệu quả và cải cách hành chính chưa đem lại kết quả cao.

Những dấu hiệu đáng lo ngại

Việt Nam sẽ đứng thứ 17 trên thế giới về tiềm lực kinh tế vào năm 2025?

ĐB Nguyễn Đăng Vang (Bình Định): Theo nhà kinh tế - tiến sĩ Lê Đăng Doanh thì một cơ quan tài chính lớn nhất hành tinh ở Mỹ đánh giá rằng vào năm 2025, nước ta có thể đứng thứ 17 trên thế giới về tiềm lực kinh tế. Đó là những thông tin có thể nói rằng rất phấn chấn, sở dĩ chúng ta có được thứ hạng như vậy vì theo tôi, nước ta không phải là nước nhỏ. Tôi cũng nghĩ rằng chúng ta không nên tự ti mãi, cũng nên đưa con số như vậy để tiếp tục xông trận như thời kỳ nào chúng ta vẫn đánh thắng cường quốc lớn nhất thế giới".

ĐB Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng): "Chúng ta nợ trong dân hiện nay qua bán trái phiếu, các thứ khoảng 22 tỉ đô la, nợ nước ngoài xấp xỉ gần 20 tỉ đô la, thế thì một bức tranh kinh tế như thế mà nói rằng đến năm 2025 sẽ đứng thứ 17 trên nền kinh tế của thế giới thì tôi cũng rất nghi ngờ, gắng sống thêm 19 năm nữa coi đứng thứ bao nhiêu? Trừ cách là nếu có cái gì trói hết các nước lại, hoặc bảo ông bỏ nhiệm sở đi du lịch thì họa may chúng ta mới đạt được mức đó".

Phó chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của QH Nguyễn Ngọc Trân (ĐB tỉnh An Giang) nói: "Chúng ta cũng phải nhìn ra mặt trái của những chỉ tiêu mà chúng ta đã đạt và vượt kế hoạch". Lấy ví dụ về sự tăng trưởng quá nhanh về tổng vốn đầu tư toàn xã hội, theo ông Trân, tỷ lệ vốn đầu tư trong GDP đã đạt đến mức khoảng 41% GDP đang đưa Việt Nam trở thành "một trong số các nước có tỷ lệ vốn đầu tư trong GDP lớn nhất trên thế giới". Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là vốn đầu tư tăng nhanh nhưng ngay Chính phủ cũng tự đánh giá là "chất lượng tăng trưởng chưa cao, sức cạnh tranh của hàng hóa, nền kinh tế thấp".

Theo ĐB Trân, lý do chính là "năng lực quản lý điều hành sử dụng vốn đầu tư thấp và chất lượng quy hoạch thấp..., huy động được lượng vốn đầu tư lớn nhưng giải ngân lại quá chậm". "Không sớm khắc phục những yếu kém này thì chính nó lại dẫn đến đầu tư dàn trải, lãng phí, thất thoát và tham nhũng", ông Trân bày tỏ quan điểm. Ông nói thêm: "Ngân hàng Thế giới (WB) đã cho rằng, tỷ lệ huy động vốn đầu tư trong GDP là 29-31% là phù hợp với các nước đang phát triển. Ở đây, họ căn cứ vào khả năng hấp thụ vốn và khả năng điều hành, quản lý của các nước. Có một mối liên quan giữa tăng trưởng vốn đầu tư và thất thoát, tham nhũng mà nếu chúng ta xử lý không tốt sẽ không giải quyết được tận gốc tình hình lãng phí, tham nhũng trong đầu tư xây dựng hiện nay".

Cải cách hành chính: chưa nhìn thấy hiệu quả

Dẫn báo cáo về vấn đề cải cách hành chính cho rằng, "trong 5 năm qua, hệ thống, thể chế tiếp tục được hoàn thiện, quy trình, thủ tục hành chính đã tạo được thuận lợi nhiều hơn cho người dân và doanh nghiệp...", ĐB Lê Văn Tâm (Cần Thơ) nói: "Tôi xin nói là đánh giá này quá cao, chưa thật sát với thực tiễn". "Người dân hiện nay vẫn kêu về thủ tục quá rườm rà, quá nhiều văn bản quy định để được giải quyết một vấn đề. Nếu ai thực hiện việc chuyển quyền sử dụng đất hay mua bán nhà đất, hay liên quan đến xây dựng mà không đi đến môi giới, không qua dịch vụ thì tôi nghĩ có lẽ cán bộ mới làm được việc này, chứ còn người dân rất khó khăn, không phải đơn giản", ông Tâm nói.

Theo ĐB của tỉnh Cần Thơ: "Trước đây, người dân vay vốn ngân hàng chỉ mang quyền sử dụng đất đến chính quyền xác nhận thì ra ngân hàng người ta cho vay. Nhưng hiện nay nếu là nhà thì phải qua công chứng, còn đất thì phải qua tài nguyên môi trường, vậy thì gọi là "giản" ở chỗ nào?". "Tôi đề nghị Chính phủ cần có chỉ đạo thực hiện về việc này thực chất hơn, cụ thể rõ ràng hơn và không đánh giá chung chung", ông kiến nghị. Cùng suy nghĩ như ĐB Tâm, ĐB Lê Mạnh Hùng (Hà Tĩnh) nói: "Cải cách hành chính, tuy Chính phủ đang chỉ đạo tích cực nhưng kết quả đạt vẫn thấp, thậm chí có những thủ tục lại gây phiền hà hơn". "Đội ngũ cán bộ công chức ở các bộ, ngành ở Trung ương, ở UBND các cấp, một số bộ phận chưa thực sự phục vụ nhân dân, mà lợi dụng nhiệm vụ, công tác được phân công gây phiền hà cho doanh nghiệp, cho người dân khi đến quan hệ công việc chung và riêng. Họ vận dụng quan hệ cơ chế thị trường có phong bì là công việc trôi chảy, người dân nói rằng ở bộ nào, vụ nào cán bộ thường diễn ra vòi vĩnh thì người lãnh đạo đó sẽ biết", ông Tâm nói và đề nghị: "Các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành ở Trung ương chỉ đạo nghiêm ngặt, quy định cụ thể, có thái độ xử lý rõ ràng nghiêm minh kịp thời đối với những công chức vi phạm. Ở cấp trên mà gương mẫu thì chắc chắn rằng ở cấp dưới không dám làm theo kiểu hành dân như các phương tiện thông tin đại chúng đã nêu".

Hãy tập trung chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai

Nhiều ĐB lên tiếng bày tỏ sự ủng hộ những chỉ đạo mạnh mẽ của Chính phủ, đặc biệt là của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về một số vụ việc tham nhũng, tiêu cực lớn vừa qua như vụ án Nguyễn Lâm Thái, vụ án PMU 18, vụ án Rusalka (Khánh Hòa)... ĐB Đỗ Trọng Ngoạn (Bắc Giang) lên tiếng: "Chúng tôi đề nghị hãy tập trung chống tham nhũng về đất đai, đây đang là vấn đề bức xúc nhất". Theo ông: "Dân biết rõ danh sách những ai chiếm đất, chiếm rừng phi pháp ở các địa phương. Việc xử lý vụ án đất ở Đồ Sơn là sai, đã hủy rồi và xử lại, ở Hải Phòng còn xử lại, ở các nơi khác hàng trăm, hàng trăm vụ án nữa nghiêm trọng hơn Đồ Sơn thì không xét xử, không ít vụ án đã bao che cho nhau".

Nói về vụ chia chác đất đai ở hồ Trị An, ĐB Ngoạn tỏ ý bức xúc: "QH đã yêu cầu phải giải quyết, tôi biết Thanh tra Nhà nước, Chính phủ kiểm tra khá chặt chẽ, khá tốt. Tôi biết có cả danh sách từng người một vi phạm ra làm sao, tôi biết cả, nhưng tôi hỏi, thanh tra nói báo cáo Thủ tướng rồi, tại sao Thủ tướng không xử lý. Vấn đề này theo tôi không nghiêm, gây ra một tình hình tức là chúng ta nể nang, né tránh nhau". "Điều đó không làm gương cho các địa phương khác. Theo tôi vấn đề này chúng ta phải làm nghiêm, nếu không sẽ gây ra bất ổn trong nhân dân và rất bất lợi cho chúng ta", ĐB Ngoạn nói.

Ý kiến đại biểu:

"Nhà công vụ là để tạo điều kiện chỗ ở cho cán bộ khi chưa có nhà, chủ trương đó là hợp lý, hợp tình, vậy mà phân công quản lý thế nào lại để xảy ra tình trạng có những nhà công vụ như những biệt thự lại thuộc quyền sở hữu của riêng cá nhân? Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, cử tri cả nước đang đặt một câu hỏi lớn đối với sự lỏng lẻo của việc quản lý Nhà nước. Đề nghị Chính phủ có báo cáo trước Quốc hội". (ĐB Trần Tiến Cảnh - Hà Nam)

"Cứ mỗi ngày trôi qua chúng ta bóc 1 tờ lịch thì 40 người chết, 40 người bị thương, có ngày chết nhiều hơn trong chiến tranh chống Mỹ, nhưng chúng ta lúng túng trong an toàn giao thông, tháng an toàn giao thông, lâu lâu đôn đốc một chút thôi chứ không có biện pháp mạnh mẽ". (ĐB Nguyễn Bá Thanh - Đà Nẵng)

"Phải hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng đầu tư không hiện thực, dẫn đến hàng trăm dự án treo. Có dự án treo 5 năm, 10 năm, 15 năm, báo chí nói có dự án treo 23 năm, họ có địa chỉ cụ thể, dẫn đến tình trạng đất thu hồi, dân mất đất sản xuất, dân nói: đời họ treo cùng quy hoạch". (ĐB Đỗ Trọng Ngoạn - Bắc Giang)

Mạnh Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.