Kinh tế phục hồi gần như trước đại dịch

Chí Hiếu
Chí Hiếu
05/04/2022 06:31 GMT+7

Tại phiên họp thường kỳ tháng 3 diễn ra hôm qua (4.4), Chính phủ thống nhất nhận định tình hình KT-XH quý 1/2022 khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực.

Hi Trong đó nhiều lĩnh vực đạt mức tăng trưởng nhanh nhất tính từ năm 2020 đến nay, tiệm cận mức tăng trước đại dịch.

Kỷ lục về số doanh nghiệp tái gia nhập thị trường

Tại họp báo diễn ra chiều muộn cùng ngày, về tình hình KT-XH, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, người phát ngôn Chính phủ cho biết, quý 1 khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực, trong đó nhiều lĩnh vực đạt mức tăng trưởng nhanh nhất tính từ năm 2020 đến nay, tiệm cận mức tăng trước đại dịch trong khi kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát dù chịu nhiều sức ép; các cân đối lớn, an ninh lương thực, năng lượng được bảo đảm.

Sản xuất công nghiệp trong quý 1/2022 tiếp tục khởi sắc

Ngọc Thắng

Theo đó, thu ngân sách nhà nước trên 460.000 tỉ đồng, đạt 32,6% dự toán, tăng 7,7% so cùng kỳ. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội đạt kết quả tích cực với hơn 562.000 tỉ đồng, tăng 8,9%. Tăng trưởng tín dụng đạt 4,03% (năm 2021 tăng 1,47%). Vốn thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đạt 76.300 tỉ đồng, bằng 14,4% kế hoạch năm và tăng 10,6% so cùng kỳ. Vốn FDI thực hiện đạt 4,42 tỉ USD, tăng 7,8%, đạt mức cao nhất so với quý 1 các năm từ 2018 đến nay.

Doanh nghiệp (DN) thành lập mới, tái gia nhập thị trường đạt kỷ lục với 60.000 DN, gấp 3 lần cùng kỳ, trong đó riêng tháng 3, số DN thành lập mới tăng 96,3% với số vốn đăng ký tăng 127,3%. Sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp tăng 7,07%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,37% để tiếp tục là động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt kết quả tích cực khi chăn nuôi phục hồi tốt; sản lượng thủy sản quý 1 tăng 2% với nuôi trồng tăng 5,1%; đặc biệt các sản phẩm chủ lực như tôm thẻ chân trắng, cá tra... được mùa, được giá.

Thương mại, dịch vụ phục hồi tích cực, đặc biệt sôi động trong tháng 3, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý 1 tăng 4,4% so với cùng kỳ, trong đó tháng 3 tăng 9,4%. Hoạt động du lịch trên cả nước có dấu hiệu “ấm” trở lại, khách quốc tế đạt gần 91.000 lượt người, tăng 89,1% so với cùng kỳ. Hoạt động xuất nhập khẩu phục hồi mạnh mẽ khi kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hóa tháng 3 đạt 66,73 tỉ USD, tăng 36,8%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 176,35 tỉ USD (tăng 14,4%).

Dù vậy, Chính phủ xác định vẫn còn không ít khó khăn. Đó là các cân đối lớn tiềm ẩn rủi ro; áp lực lạm phát tăng khi giá cả tăng, nhất là giá xăng dầu. Tội phạm chứng khoán, bất động sản, tội phạm công nghệ cao diễn biến phức tạp. Bộ trưởng Sơn cho hay, kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu trước hết phải tập trung giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô bằng mọi biện pháp; bám sát tình hình, diễn biến thị trường trong và ngoài nước để bảo đảm các cân đối lớn, không để bị động, bất ngờ.

Covid-19 sáng 5.4: Cả nước 9.867.045 ca nhiễm | Hướng dẫn mới nhất cho F0

Vắc xin cho trẻ em về VN trong tháng 5

Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng nêu rõ các bộ trưởng, trưởng ngành, thủ trưởng cơ quan ngang bộ cần tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, giải ngân vốn ODA. Tiếp tục rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách đầu tư công. Đầu tư công phải dứt khoát không manh mún, chia cắt, dàn trải, kéo dài, làm mất thời gian, tăng thủ tục hành chính, giảm hiệu quả đầu tư. Cùng với đó, chỉ đạo quyết liệt triển khai các chương trình phục hồi nhanh, phát triển bền vững theo các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ.

Thủ tướng cũng yêu cầu khẩn trương trong việc nhập khẩu và triển khai tiêm vắc xin cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi và nghiên cứu, tham khảo các nước phát triển, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền về việc tiêm cho trẻ từ 3 - 5 tuổi thời gian tới. Tổ chức hình thức dạy học phù hợp, không để học sinh, sinh viên học trực tuyến kéo dài; sớm triển khai đưa học sinh trở lại trường học trực tiếp an toàn.

Thông tin thêm tại họp báo về vấn đề vắc xin cho trẻ em, ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho hay ban đầu Bộ đề nghị Chính phủ cho mua 21,9 triệu liều vắc xin cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận với đối tác thì có tìm kiếm được một số nguồn tài trợ từ các nước như Úc, Hà Lan. Do đó, Bộ Y tế đang điều chỉnh để giảm số lượng mua mà vẫn đảm bảo đủ tỷ lệ tiêm cho trẻ em theo quy định.

“Chiều 3.4, Bộ đã làm việc với Đại sứ quán Úc, hai bên đều thống nhất nỗ lực đưa vắc xin về VN sớm nhất có thể. Phía Úc dự kiến, nếu nhanh nhất thì lô vắc xin Moderna đầu tiên sẽ về VN vào ngày 10.5”, ông Tuyên nói. Theo ông Tuyên, hiện mức độ đồng thuận của phụ huynh để cho các con tiêm ở các nơi vẫn có khoảng cách, từ 60 - 80%, do đó Bộ đang tập trung tuyên truyền tạo sự đồng thuận.

Hạ nhiệt tình hình sốt đất

Nói về giải pháp nhằm hạ nhiệt tình hình sốt đất ở tại nhiều địa phương thời gian qua, Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Công Thành cho rằng các tỉnh, thành cần công bố, công khai thông tin kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất để người dân không bị nhiễu, tránh bị lợi dụng đầu cơ, thổi giá. Bên cạnh đó, cần có biện pháp quản lý sau khi phê duyệt kế hoạch và quy hoạch được phê duyệt.

“Địa phương cũng cần chủ động điều tiết quỹ đất ra thị trường thông qua việc tạo quỹ đất sạch và cần sửa luật đấu giá tài sản đất, trong đó chú trọng làm sao các quy định chặt chẽ, tránh bị lợi dụng kẽ hở của pháp luật để đầu cơ, tăng giá đất”, ông Thành nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.