Kinh tế phập phồng 'nhìn' giá xăng lập đỉnh

22/02/2022 06:44 GMT+7

Nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại hiệu quả gói phục hồi kinh tế sẽ bị ảnh hưởng bởi giá nhiên liệu tăng mạnh.

Ngày 21.2, sau khi được điều chỉnh tăng lần thứ 5 liên tiếp, giá xăng RON95 vọt trên mức 26.000 đồng/lít, cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại hiệu quả gói phục hồi kinh tế sẽ bị ảnh hưởng bởi giá nhiên liệu tăng mạnh.

Người dân đổ xăng tại một cây xăng ở TP.HCM, sáng 21.2

NGỌC DƯƠNG

Đau đầu bài toán chi phí

Chiều 21.2, đúng như dự đoán, liên Bộ Công thương - Tài chính điều chỉnh tăng gần 1.000 đồng cho một lít xăng, đưa giá xăng E5 RON92 lên 25.530 đồng/lít, xăng RON95 là 26.280 đồng/lít. Với mức tăng giá lần này, xăng RON95 vượt mức “đỉnh” vào tháng 7.2014 (26.140 đồng/lít) - mức cao nhất từ năm 2005 trở lại đây.

Giá xăng dầu tiếp tục leo thang ảnh hưởng không nhỏ đến chương trình phục hồi kinh tế quốc gia

Khả Hòa

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN, lắc đầu nói chi phí vận tải nội địa và quốc tế trong năm qua đã liên tục gia tăng. Nay khi xăng dầu lên cao thì các khoản phí này sẽ còn tiếp tục tăng, trong và ngoài nước đều tăng, khó khăn bủa vây. Đó là chưa kể các phụ liệu trong hoạt động sản xuất thường tăng theo như bao bì, nhãn mác…

Ông nhấn mạnh: “Đây là một yếu tố bất lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp (DN). Nhiều DN chưa kịp mừng khi sản xuất đã hồi phục trở lại và chờ mong sức mua gia tăng sau khi thuế GTGT các loại sản phẩm được giảm, nay đang “đứng ngồi không yên” vì giá xăng dầu tăng phi mã. Điều này lại khiến họ khó lạc quan khi những khó khăn lại chồng chất ngay sau năm mới”.

Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty TNHH may mặc Dony, cho biết DN làm hàng nội địa hay xuất khẩu đều đang “gồng mình” với giá nhiên liệu tăng “chóng mặt” trong vòng 2 tháng qua. “Ngay xe chở vải nhập từ kho cảng Cát Lái về xưởng trước chỉ 2,8 triệu đồng/lượt, nay tăng lên 3,2 triệu, ngay chiều nay (21.2), bộ phận mua hàng báo nhà xe báo giá cho đợt hàng tới sẽ tăng nữa. Trong khi các đơn hàng chốt giá từ tháng 11.2021, làm sao tăng được. Rồi chi phí thuê nhân công sau Tết Nguyên đán cũng tăng khiến DN làm hàng, nhưng không thấy lãi”.

Trong nước, DN trong lĩnh vực kinh doanh thương mại cũng cho biết giá nhiên liệu tăng nhưng giá hàng hóa bán ra không dám tăng lúc này vì sợ mất khách hàng. Ông Nguyễn Viết Hồng, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Phú Hồng Thành, than thở giá nguyên vật liệu nhập khẩu tăng 10 - 15% từ đầu năm đến nay, giá vận chuyển trong nước tăng hơn 10%, song đến nay DN vẫn chưa dám điều chỉnh tăng giá bán.

Ông nói: “Chúng tôi đang cân đối tình hình sản xuất, kinh doanh, tăng giá bán ra lúc này là mất khách hàng ngay. Chỉ cần tăng thêm 50.000 đồng cho một sản phẩm bán ra, lượng khách hàng có thể mất 30%. Thế nên, lúc này vẫn đang giai đoạn cầm cự, nhưng rất khó”.

Ông Trương Tiến Dũng, Phó chủ tịch Thường trực Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, nhận định sản xuất kinh doanh của DN giảm hiệu quả vì chi phí đầu vào tăng liên tục. Nhưng vẫn phải cố gắng hoạt động để tạo công ăn việc làm, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng để chờ cơ hội thị trường phục hồi. Xăng tăng ảnh hưởng nhiều đến DN nhưng ảnh hưởng lớn hơn là người lao động. Bởi đây sẽ là ngòi nổ để lạm phát lên cao.

Vô hiệu hóa giảm VAT?

Trả lời Thanh Niên, một số chuyên gia kinh tế bày tỏ lo ngại về hiệu quả chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ đưa ra sẽ bị ảnh hưởng nếu giá nhiên liệu cứ tiến mãi. Thậm chí có thể làm vô hiệu hóa chính sách tài khóa cắt giảm 2% thuế giá trị gia tăng mà Chính phủ đã triển khai nhằm kích cầu, giảm áp lực lạm phát mới đây.

Theo tính toán của ngành thống kê, khi giá xăng dầu tăng khoảng 10%, khiến GDP giảm 0,5%. Tỷ lệ này khá lớn và sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, giá xăng dầu tăng gây tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI), ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân. Hiện chi tiêu cho xăng dầu chiếm 1,5% trong tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình, xăng dầu tăng sẽ khiến các gia đình cắt giảm một phần chi tiêu, khiến giảm tổng cầu của nền kinh tế.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói, giá xăng dầu tăng không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, đời sống người dân mà khiến đà phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 của cả nước bị ảnh hưởng. Nói đúng hơn là “gây khó” thêm cho nỗ lực phục hồi kinh tế quốc gia.

“Chính khu vực đóng góp quan trọng nhất cho tăng trưởng là DN, nhưng khu vực này đang bị thiệt hại kép. Ngoài ảnh hưởng lớn buộc phải ngưng hoạt động, tăng chi phí để vừa sản xuất vừa phòng chống dịch Covid-19 trong năm qua, nay họ bị giáng thêm đòn “chí tử” nữa là giá nhiên liệu tăng quá cao. Năm 2022 vẫn được coi là năm không kém phần cam go, nhưng rất có ý nghĩa cho DN toàn tâm toàn ý để lấy lại phong độ và phát triển. Thế nhưng, giá nhiên liệu, đầu vào tăng vùn vụt ngay từ đầu năm tạo thách thức vô cùng lớn cho DN. Chính phủ đang có những chính sách phục hồi kinh tế khá quyết liệt nhưng theo tôi, cần có chính sách trong ngắn hạn để giúp DN giảm áp lực giá đầu vào đang tăng mạnh thế này”, bà Phạm Chi Lan chia sẻ.

Đồng quan điểm, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, nhận định việc giá xăng dầu tăng cao sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế VN. Việc giá dầu thế giới vẫn trên đà tăng không ngừng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và trong nước. Song song đó, nguy cơ VN bị thâm hụt thương mại về xuất nhập khẩu xăng dầu gia tăng. Năm 2021, nhập siêu từ các sản phẩm xăng dầu đạt khoảng 6,3 tỉ USD. Ngoài ra, giá xăng dầu tăng sẽ kéo theo giá hàng hóa đi lên, tạo áp lực lên lạm phát, trong bối cảnh VN đang nỗ lực phục hồi kinh tế. Giá xăng tăng liên tục cũng làm vô hiệu hóa một số chính sách tài khóa.

Cụ thể, ông Lực dẫn chứng: “Chính phủ vừa giảm thuế giá trị gia tăng ở mức 2% cho một số hàng hóa đang chịu thuế suất 10% để kích thích tiêu dùng nhưng giá xăng dầu lại tăng cao khiến nhiều hàng hóa lại tăng giá theo. Từ đó chính sách giảm thuế không mang lại hiệu quả như mong muốn”.

Giảm thuế, phí xăng dầu

Giải pháp tình thế theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan là phải dùng chính sách tài khóa linh hoạt, giảm thuế phí trong ngắn hạn đối với mặt hàng xăng để chương trình phục hồi kinh tế quốc gia không bị ảnh hưởng. Nếu chi tăng, DN khó cạnh tranh nổi thì phục hồi là chuyện rất khó. Theo bà Phạm Chi Lan, thuế và phí liên quan xăng dầu đang chiếm hơn 40% giá bán ra, nên mạnh dạn giảm tỷ lệ này xuống.

Bên cạnh đó, cần công cụ kiểm soát giá tốt hơn. Có vẻ một số DN đầu mối và nhà máy lọc dầu cũng đang có yêu sách. Câu chuyện thực ra ở đây là gì? Chúng ta có thể chủ động không lọc trong nước được thì nhập khẩu ngay, và theo đó, chính sách bao tiêu mua hết sản phẩm cũng có thể thay đổi hoặc giảm dần đi. Bởi trong khó khăn, giá xăng dầu thế giới tăng, nhà máy lại ngưng sản xuất chứng tỏ thiếu thiện chí. Vậy có cần thiết nuông chiều mãi không? Vấn đề này cần đưa lên bàn họp mổ xẻ cho rõ.

TS Cấn Văn Lực cũng cho rằng tỷ trọng thuế, phí trong mỗi lít xăng dầu khoảng 40 - 43% là quá cao. Vì vậy, cơ quan quản lý cần rà soát lại các loại thuế, phí trong cơ cấu tính giá cơ sở xăng dầu, như thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt… và đưa ra mức phù hợp hơn. Đồng thời, xem lại lại quy trình điều chỉnh giá xăng dầu 10 ngày một lần. Vẫn có thể chấp nhận tần suất điều chỉnh này, nhưng quy định cũng cho phép trong trường hợp khẩn cấp sẽ trình lãnh đạo cấp cao để thay đổi. Vậy trong đó cần xem quy trình báo cáo phải nhanh gọn hơn, không thể duy trì quy trình phức tạp kéo dài 3 - 4 ngày như hiện nay.

“Để ổn định lạm phát, thúc đẩy kinh tế phát triển thì các chính sách tài khóa, tiền tệ cần phối hợp linh hoạt và các bộ ngành cũng phải điều hành, kiểm soát tốt hơn giá xăng dầu để không gây ra những tác động nặng nề cho kinh tế”, ông Lực đề xuất.

Lần thứ 5 tăng giá, xăng RON95 lập đỉnh mới

Với mức tăng gần 1.000 đồng mỗi lít vào chiều qua (21.2), giá bán ra của xăng RON95-III đã tiến sát mức 26.300 đồng/lít, được ghi nhận cao nhất lịch sử. Chiều qua, liên bộ Công thương - Tài chính tiếp tục cho phép doanh nghiệp tăng giá bán lẻ xăng trong nước với lý do giá thế giới tiếp tục tăng cao. Để giảm áp lực lên giá bán lẻ, cơ quan điều hành yêu cầu không trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với xăng E5RON92, xăng RON95, dầu diesel, dầu hỏa và giữ nguyên mức trích lập đối với dầu mazút ở mức 300 đồng/kg như kỳ điều hành trước.

Đồng thời, tăng mức chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu với xăng E5RON92 lên 250 đồng/lít (kỳ trước là 200 đồng/lít), xăng RON95 ở mức 100 đồng/lít (kỳ trước không chi), dầu diesel ở mức 300 đồng/lít, dầu hỏa và dầu mazút không chi.

Mặc dù vậy, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu vẫn tiếp tục tăng mạnh khi cơ quan quản lý cho phép DN đầu mối tăng 961 đồng/lít đối với xăng E5RON92. Hiện giá bán ra của mặt hàng này không cao hơn 25.532 đồng/lít. Xăng RON95-III cũng được tăng 965 đồng/lít, giá bán ra không cao hơn 26.287 đồng/lít. Dầu diesel 0.05S tăng 936 đồng/lít, giá hiện nay không cao hơn 20.801 đồng/lít. Dầu hỏa tăng 758 đồng/lít và dầu mazút 180CST 3.5S tăng 273 đồng/kg. Như vậy, đây đã là lần tăng giá thứ 5 của các mặt hàng xăng, kể từ cuối năm 2021.

Chí Hiếu

Tình trạng găm hàng trước giờ điều chỉnh giá tái diễn

Ngày 21.2, trước giờ điều chỉnh giá, thị trường xăng dầu ở TP.HCM khá căng thẳng. Nhiều cây xăng rất đông khách, nhân viên phục vụ không xuể, xe bồn liên tục bơm thêm hàng; một số cây xăng lại hoạt động cầm chừng, không đóng cửa nhưng không giao dịch. Cụ thể, cây xăng của Petrolimex tại vòng xoay An Lạc (mũi tàu Phú Lâm, P.12, Q.6) suốt từ sáng và đến khoảng 12 giờ trưa lúc nào cũng rất đông khách. Ngược lại, những cây xăng dọc theo tuyến đường này qua khỏi Bến xe Miền Tây, đến giao lộ giữa đường Kinh Dương Vương và đường Tên Lửa P. Bình Trị Đông, Q. Bình Tân một số cây xăng mở cửa, nhưng không hoạt động. Mỗi khi khách ghé vào mua xăng thì nhân viên ngồi từ bên trong thông báo vọng ra là: “Hết xăng rồi! Và… không biết khi nào mới có!?”. Phổ biến nhất là các cây xăng bán cầm chừng, có 4 - 5 trụ bơm nhưng chỉ có một nhân viên. Có cây xăng hàng trục trụ bơm nhưng lại bỏ trống vài trụ bơm không có nhân viên phục vụ. Nhiều nơi đăng bản thông báo tuyển nhân viên. Chính vì vậy, khách hàng mua xăng lại đổ dồn về một số nơi làm cho thị trường càng thêm căng thẳng. Theo ghi nhận của phóng viên Thanh Niên, ở nhiều cây xăng đặc biệt là vùng xa trung tâm, khách mua xăng phải xếp hàng chờ có thể đến 30 phút.

Chí Nhân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.