Kinh tế Đức có dấu hiệu rạn nứt

10/03/2017 14:34 GMT+7

Đức thường được mô tả là cường quốc kinh tế châu Âu nhưng 'sức khỏe' nền kinh tế lớn thứ tư thế giới không mang màu hồng như nhiều người nghĩ.

Theo CNBC, đây là ý kiến của chuyên gia kinh tế Carl Weinberg thuộc High Frequency Economics. Ông Weinberg cho hay: “Vết nứt của nền kinh tế Đức đã và đang thể hiện rõ nhất về mặt chi tiêu tiêu dùng. Doanh số bán lẻ ở Đức liên tiếp giảm kể từ khi tăng trưởng đạt đỉnh vào giữa năm 2015. Số liệu trên giảm mạnh trong sáu tháng qua”.
Dữ liệu cứng cho thấy Đức đang đối mặt với nhiều vấn đề trong ít nhất sáu tháng qua dù nước này tăng trưởng mạnh mẽ vào cuối năm ngoái. Cùng lúc, thu nhập tăng trưởng chậm lại đáng kể song hiện chưa rõ nguyên nhân gây ra thực trạng này.
“Nhu cầu trong nước đang chật vật và nhu cầu nước ngoài cũng vậy. Số liệu xuất khẩu giữ nguyên cho thấy sản lượng công nghiệp, thước đo số lượng hàng hóa được sản xuất để xuất khẩu, không đi lên. Nếu không có sự tăng trưởng trong xuất khẩu hay chi tiêu tiêu dùng quốc nội, sản xuất công nghiệp bị trì trệ”, ông Weinberg nói.
Hôm 9.3, số liệu cho thấy đơn đặt hàng công nghiệp mới của Đức hạ 7,4% trong tháng 1, mức giảm hằng tháng lớn nhất kể từ năm 2009. Theo Reuters, dữ liệu giảm trong tháng 1 thể hiện nhu cầu trong nước đi xuống 10,5% và số đơn đặt hàng từ nước ngoài hạ 4,9%.
Carsten Brzeski, nhà kinh tế trưởng tại hãng ING, cho biết sản xuất công nghiệp sụt giảm trong tháng 12.2016 là vì dịp Giáng sinh và thời tiết lạnh của mùa đông năm ngoái. Tuy nhiên, số liệu sản xuất công nghiệp không đổi cho thấy ngành công nghiệp Đức khó lòng thoát khỏi cảnh trì trệ.
Xem xét các dữ liệu cứng, ông Weinberg kết luận: “Các số liệu kinh tế thực của Đức đang chững lại. Nước này rõ ràng đang có sự rạn nứt trong quỹ đạo kinh tế. Các nhà đầu tư nên cân nhắc điều này khi ra quyết định”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.