Kinh nghiệm ôn thi để đạt điểm cao

17/12/2008 23:32 GMT+7

Nghe đọc bàiĐể học sinh ôn thi tốt nghiệp PTTH và ĐH-CĐ năm 2009, NXB Giáo dục vừa phát hành cuốn Cấu trúc đề thi các môn, trong đó có đề thi minh họa để thí sinh tham khảo. Để giúp thí sinh làm bài đạt điểm cao, chúng tôi xin giới thiệu nhận xét và kinh nghiệm ôn tập của các chuyên gia giáo dục xung quanh đề thi minh họa.

Môn tiếng Anh: Chú ý các câu hỏi bẫy

Đề thi minh họa (bao gồm cả đề thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2009) là những đề thi có kiến thức cơ bản và nâng cao. Muốn làm được điểm tuyệt đối, thí sinh cần lưu ý 3 phần:  phần dễ mắc lỗi nhất, phần dễ sai nhất và những phần khó nhất, yêu cầu phải có chuẩn các kiến thức nâng cao mới làm được. Cụ thể như sau:

Câu số 1, phần đề thi minh họa môn tiếng Anh (Cấu trúc đề thi năm 2009, NXB Giáo dục) thuộc về phần ngữ âm. Đây là phần ôn luyện căn bản nhất của môn tiếng Anh, tuy nhiên đối với nhiều học sinh phần ngữ âm, từ vựng lại là phần dễ gây nhầm lẫn và mất nhiều thời gian chọn đáp án nhất, một số lưu ý đối với việc ôn tập phần học này: Xác định dấu trọng âm, phương pháp đánh trọng âm đối với từ loại; Xác định nguyên âm đơn, nguyên âm dài, nguyên âm kép. Ví dụ: Yêu cầu đề bài tìm phương án đúng đối với phần gạch chân trong A, B, C hoặc D có cách đọc khác với các lựa chọn còn lại, cụ thể: A. clean; B. head; C. beat; D. heat. Đáp án là B vì  trong câu B, xuất hiện nguyên âm kép "ea" được phiên âm là /e:/ các từ còn lại phiên âm /i:/.

Ngoài ra, trong khi ôn tập, thí sinh cần xác định cách đọc các phụ âm như: b trong từ bee; n trong từ nose; d trong từ do... Để tham khảo và học tốt phần này các em có thể cài đặt và sử dụng bộ từ điển (Cambridge Advanced Learner's Dictionary). Một lưu ý quan trọng khác là thí sinh cần xác định nhóm các từ đồng âm dễ gây nhầm lẫn như: /i:/ bean-been, /e/ male-mail hoặc /ai/ aisle-I'll-isle...

Một phần cần chú ý là trong đề thi minh họa này có khoảng 6-8% là câu hỏi bẫy (trong đó đề thi tốt nghiệp THPT có 3 câu, đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ có 6 câu). Các câu hỏi bẫy này chủ yếu nằm ở phần cấu trúc ngữ pháp, từ vựng, tìm lỗi sai. Câu hỏi bẫy là các câu hỏi thường là các câu hỏi mẹo và gây nhầm lẫn cho các thí sinh trong quá trình làm bài. Trên thực tế, các câu hỏi này không khó nhưng lại gây sự nghi ngại cho các thí sinh khi lựa chọn đáp án đúng. Cần phải lưu ý rằng đây không phải là lần đầu đề thi có đưa vào những câu hỏi bẫy mà trong các năm vừa qua,  trong đề thi tiếng Anh đều có từ 5-10% câu hỏi bẫy. Đây cũng là những câu hỏi để thí sinh đạt điểm tối đa. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy những học sinh học lực khá giỏi rất chủ quan nên thường làm sai câu này, trong khi học sinh trung bình lại làm đúng. Vì vậy các em cần lưu ý với các câu hỏi bẫy này. Ví dụ: câu số 14, phần đề thi minh họa môn tiếng Anh - thi ĐH (Cấu trúc đề thi năm 2009, NXB Giáo dục). Yêu cầu đề bài chọn từ/cụm từ thích hợp (ứng với A hoặc B, C, D) để hoàn thành câu, cụ thể: "You stop working too hard _____ you'll get sick". Có 4 đáp án là: A. or else; B. if; C. in case; D. whereas

Đáp án đúng sẽ là A. Trong câu này sẽ có không ít thí sinh có xu hướng chọn đáp án C thay vì đáp án chính xác là A. Về cơ bản, liên từ "in case" có nghĩa là đề phòng, phòng khi và như thế khi sử dụng câu trên ở nghĩa tiếng Việt xét về góc độ nào đó các thí sinh thấy có vẻ hợp lý. Nhưng trên thực tế, cấu trúc "or else" được sử dụng như một dạng phủ định trong các lời khuyên, cảnh báo, nhắc nhở và là một dạng của mệnh đề "if... not" (có nghĩa tiếng Việt là nếu... không). Chẳng hạn, cấu trúc trên có thể chuyển về cách diễn đạt khác, tương đồng: If you work too hard, you'll get sick.

Đề thi minh họa còn có một phần khó, đó là từ vựng. Để làm được các câu hỏi của đề thi này học sinh nên tập trung vào ôn tập các phần: Các dạng từ phái sinh; Từ đồng nghĩa, trái nghĩa; Các từ thuộc chuyên đề và chủ điểm liên quan tới vi tính, công nghệ, khoa học tự nhiên, văn hóa...; Các từ vựng, cụm câu hội thoại; Biến đổi từ (thêm tiền tố, hậu tố) khi dựng hội thoại, viết câu... Ví dụ: Câu số 24, phần đề thi minh họa môn tiếng Anh tốt nghiệp THPT (Cấu trúc đề thi năm 2009, NXB Giáo dục). Yêu cầu đề bài chọn từ/cụm từ thích hợp (ứng với A hoặc B, C, D) để hoàn thành câu, cụ thể: To be successful, an artist must show great. Có 4 phương án trả lời là: A. originality; B. origin; C. original; D. originally. Đáp án là  B. Lý do: vị trí cần điền là một danh từ, tuy nhiên phần đáp án lại thể hiện 3 danh từ liên quan có ý nghĩa khác nhau, do đó buộc thí sinh phải chọn 1 trong 3. Ở câu này, đáp án là B (origin - bản thân, bản chất), câu A (originality - công trình ban đầu), câu C (original - bản gốc, bản chính).

Đặc biệt có một phần khó trong đề thi là đọc hiểu. (Đề thi  THPT từ câu 41-45. Đề thi ĐH, CĐ có 3 đoạn văn: đoạn 1: từ câu 36-45; đoạn 2: từ câu 46-55; đoạn 3: từ 56-65). Đối với bài đọc hiểu thường liên quan đến các chuyên đề: khoa học, đời sống xã hội, giáo dục, ngôn ngữ hằng ngày. Để làm được câu này, ngoài việc hoàn thiện các vốn từ vựng cần thiết các học sinh nên tập trung luyện các kỹ năng đọc theo phương pháp và trình tự: Đọc trước các câu hỏi và đáp án liên quan; đọc lướt nhanh toàn văn (cả đoạn); đọc tìm thông tin truy vấn trong phần câu hỏi, đáp án gợi ý; chọn đáp án đúng; Sử dụng các suy luận để loại trừ phương án sai/đúng. Đặc biệt thí sinh không nên: Quá tập trung vào phần từ mới; Hiểu sai ý câu hỏi; Tự diễn giải theo cách hiểu của cá nhân thay vì tác giả; Chọn đáp án có cách diễn đạt có nhiều ý nghĩa, cách hiểu.

Nguyễn Danh Huy
(Giáo viên Anh Văn) 

Môn Sử: Phần thi ĐH - CĐ có cả chương trình 11

Phần thi ĐH-CĐ, đề thi minh họa gồm 4 câu cho mỗi thí sinh, trong đó 3 câu (thuộc phần chung) và 1 câu (thuộc phần tự chọn) theo chương trình chuẩn hoặc chương trình nâng cao. Học sinh cần lưu ý 2 điều sau đây từ đề minh họa này:

1. Khác với đề minh họa thi tốt nghiệp THPT chỉ giới hạn trong chương trình Lịch sử 12 hiện hành, phạm vi kiến thức của đề thi này ngoài chương trình lớp 12, còn bao gồm một phần nội dung chương trình Lịch sử 11. Do vậy, học sinh cần học và ôn đủ nội dung đã quy định trong cấu trúc đề thi đã được phổ biến.

2. Tất cả các câu hỏi của đề này thuộc loại dễ, ở mức tương đương với các câu hỏi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, ngoại trừ nội dung thí sinh phải trình bày nhiều hơn trong thời gian được phép nhiều hơn. Trong số các câu hỏi của đề thi, chưa câu nào có độ khó tương đương câu phân loại trong các kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ những năm gần đây. Tuy nhiên, do đây chỉ là "đề minh họa" cho cấu trúc đề thi nên rất có thể đề thi tuyển sinh ĐH-CĐ 2009 sẽ còn có câu hỏi khó hơn hay yêu cầu thí sinh trình bày rõ hơn tác động của một sự kiện lịch sử thế giới cụ thể đối với Việt Nam... Học sinh cần lưu ý điều này để có sự chuẩn bị tốt. 

Phần thi tốt nghiệp THPT, cần học và ôn đủ nội dung chương trình.

Câu I không khó nhưng lưu ý: Mặc dù đáp án không nêu, ta vẫn phải hiểu rằng, chủ trương "mới" trong câu này là chủ trương chuyển hướng đấu tranh của Đảng ta so với thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936 - 1939). Nêu rõ: thời gian, địa điểm, nội dung cơ bản, ý nghĩa của hội nghị T.Ư 6 và hội nghị T.Ư 8. Nhưng để nhớ đủ ý và  không nhầm lẫn, thay vì học thuộc, học sinh nên so sánh nội dung của 2 hội nghị này. Cụ thể là so với hội nghị T.Ư 6, hội nghị T.Ư 8 đã kế thừa, bổ sung những gì và làm như thế có tác dụng như thế nào trong hoàn cảnh lúc bấy giờ? 

Câu II dễ nhưng phải chú ý:  Đề hỏi gì trả lời đó - như đáp án (không nói đấu tranh chống ngoại xâm, nội phản). Chú ý cách nhớ: trong từng biện pháp, có biện pháp trước mắt và biện pháp lâu dài. Ví dụ: Để giải quyết nạn đói, biện pháp trước mắt là "nhường cơm, sẻ áo" nhưng về lâu dài phải tích cực tăng gia sản xuất. Để diệt "giặc dốt", biện pháp trước mắt là xóa mù chữ, nhưng về lâu dài phải tổ chức giáo dục chuyên nghiệp. Để khắc phục khó khăn về tài chính cũng cần hai biện pháp như vậy.  

Câu IIIa (chương trình Chuẩn), câu này rất dễ. Từ 1945 đến 2000, các nước Tây u trải qua 4 giai đoạn: 1945-1950, 1950-1973, 1973-1991 và 1991-2000. Trong mỗi giai đoạn ấy, SGK trình bày cả nội dung kinh tế và chính trị. Đề chỉ yêu cầu thí sinh nêu những nét chính về kinh tế qua các giai đoạn (như đáp án), tức là lựa chọn và tổng hợp kiến thức ở mức độ thấp.

Câu IIIb (chương trình Nâng cao), câu này có 2 ý. Mỗi ý được trình bày ở một mục riêng trong SGK. Thí sinh chỉ nên viết đủ các ý như đáp án, không viết vào bài những gì SGK có nhưng đề không yêu cầu.

Tóm lại, dạng đề này dễ. Các em học theo sách nào cứ làm bài theo sách đó, nhưng cần: Một là, học và ôn đủ nội dung chương trình như cấu trúc đề thi đã nêu. Hai là, trình bày đủ, chính xác những nội dung mà đề yêu cầu chứ không phải viết ra tất cả những gì mình thuộc. Muốn vậy, cần thay thế cách "học thuộc" (mà không cần suy nghĩ) bằng những biện pháp hiệu quả khác.

Tưởng Phi Ngọ
(Giảng viên Khoa Lịch sử, trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

Nhóm phóng viên Giáo dục
(thực hiện)

(Kỳ tới: Nhận xét và kinh nghiệm ôn tập môn Toán, Hóa theo đề thi minh họa)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.