Kinh nghiệm làm sách giáo khoa từ Anh quốc

07/05/2015 00:00 GMT+7

Kinh nghiệm làm sách giáo khoa của các nước phần nào giúp Bộ GD-ĐT học hỏi và giải đáp những băn khoăn trong quá trình thay đổi chương trình - sách giáo khoa sắp tới.

Kinh nghiệm làm sách giáo khoa của các nước phần nào giúp Bộ GD-ĐT học hỏi và giải đáp những băn khoăn trong quá trình thay đổi chương trình - sách giáo khoa sắp tới.

Ở nhiều nước, giáo viên có vai trò chính trong việc lựa chọn sách giáo khoa Ở nhiều nước, giáo viên có vai trò chính trong việc lựa chọn sách giáo khoa - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Trong ngày 6 và 7.5, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT tổ chức hội thảo biên soạn tài liệu hướng dẫn dạy học và sách giáo khoa (SGK) theo chương trình giáo dục phổ thông - kinh nghiệm quốc tế và vận dụng vào điều kiện của VN.

Bộ Giáo dục không tham gia gì vào quy trình biên soạn và xuất bản SGK mà chỉ hướng dẫn bằng các tiêu chí để những cuốn SGK được biên soạn đảm bảo chất lượng


Andrea Carr
(Giám đốc điều hành Công ty giáo dục Rising Stars and Hodder Primary)

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, bày tỏ những băn khoăn mà VN đang gặp phải khi đổi mới theo hướng một chương trình, nhiều bộ SGK thì xác định tiêu chí SGK như thế nào? Lựa chọn SGK để dạy nên dựa trên việc tham khảo ý kiến của giáo viên, phụ huynh hay học sinh (HS)?...

Xu hướng ngày càng ít phụ thuộc hơn vào SGK

Bà Sally Griffin, Giám đốc cao cấp về giáo dục vùng Cornwall, Anh quốc, cho biết từ tháng 9.2014, chương trình giáo dục quốc gia của Anh được thực hiện ở tất cả các trường tiểu học và trung học. Chương trình mới tập trung vào sự trải nghiệm học tập của HS. Bộ Giáo dục Anh cung cấp một khung nội dung bắt buộc và phần cho các nhà trường tự sáng tạo. Giáo viên đóng vai trò chủ đạo tổ chức các hoạt động trải nghiệm của HS.

Trước thắc mắc của GS Bùi Mạnh Hùng, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, về vai trò của SGK, bà Andrea Carr, Giám đốc điều hành Công ty giáo dục Rising Stars and Hodder

Primary của Anh, cho rằng khoảng 20 năm trước thì vai trò của SGK rất quan trọng nhưng xu hướng chung là càng ngày càng ít phụ thuộc hơn vào SGK. Nhiều môn học hiện nay thậm chí không cần đến SGK. “Nếu phụ thuộc quá nhiều vào SGK thì không tạo được sự sáng tạo trong HS”, bà Andrea Carr nói.

Cũng liên quan đến nội dung này, bà Andrea chia sẻ kinh nghiệm ở Anh: “Việc dạy và học hoàn toàn không chỉ dừng lại ở kiến thức trong SGK mà thông qua đó kích thích người học tiếp tục đào sâu, mở rộng kiến thức, kỹ năng. SGK giới thiệu những đường dẫn để người học tiếp cận được các nguồn học liệu khác cho mục đích bổ sung thông tin”.

Giáo viên là người quyết định chọn SGK

Liên quan đến quy trình biên soạn SGK ở Anh, bà Andrea Carr cho biết ở Anh không có ban thẩm định quốc gia về SGK. Bộ Giáo dục Anh đưa ra các tiêu chí, các nhà xuất bản (NXB) căn cứ vào đó để biên soạn và phát hành SGK. SGK của NXB nào được các giáo viên, các trường lựa chọn nhiều thì bán được và NXB đó “sống” được. “Bộ Giáo dục không tham gia gì vào quy trình biên soạn và xuất bản SGK mà chỉ hướng dẫn bằng các tiêu chí để những cuốn SGK được biên soạn đảm bảo chất lượng”, bà Andrea khẳng định.

Về quyền lựa chọn SGK, bà Andrea thông tin ở Anh, giáo viên chính là chuyên gia và người nắm được rõ nhất nhu cầu của HS. Do vậy quyết định lựa chọn SGK nào là tùy thuộc vào giáo viên và các trường học. Việc xây dựng tài liệu, SGK cũng theo xu hướng dành nhiều “không gian” để giáo viên và các trường có thể bổ sung, điều chỉnh các nội dung phù hợp với mục tiêu giáo dục của mình.

Cũng chính vì vai trò của giáo viên trong việc lựa chọn SGK như vậy nên theo bà Andrea, ở Anh, các NXB luôn lắng nghe và coi trọng ý kiến góp ý, nhận xét của giáo viên về SGK chứ không phải là một bộ, ngành nào đó.

Nếu mỗi sở có một bộ SGK?

Viết SGK không phải là một chuyện dễ dàng, nhất là khi chúng ta quyết tâm thay đổi cách tiếp cận giáo dục theo hướng phát triển năng lực cá nhân mỗi HS. Khi có một chương trình tổng thể, những cuốn SGK không phải là một sản phẩm đơn lẻ mà là một khâu thống nhất trong chuỗi SGK phổ thông; không chỉ phục vụ một môn học mà còn là mối liên kết giữa các môn học.

Ở lần “cải cách” trước, chúng ta làm SGK cũng có tổng chủ biên, chủ biên và các tác giả. Việc viết những cuốn SGK theo chương trình hiện nay sau khi đã có bộ SGK thường không khó lắm vì nó liên quan chủ yếu đến nội dung khoa học của cuốn sách. Người viết, nếu có kinh nghiệm giảng dạy, biết vận dụng phương pháp, phương tiện dạy học thì hoàn toàn có thể viết một cuốn sách khác hơn (và hay hơn) những cuốn đã có. Nhưng việc biên soạn SGK lần này có đôi chút khác biệt quan trọng: các tác giả (chính xác là nhóm tác giả) phải căn cứ vào nội dung của chương trình để biên soạn trong khi dự kiến chương trình mới không giống cách thức chương trình giáo dục phổ thông được ban hành năm 2006. Vì thế nên rất lo lắng trước thông tin các sở GD-ĐT đăng ký biên soạn SGK.

Biên soạn SGK là một công việc khó khăn, nhất là khi được viết không chỉ dựa trên kinh nghiệm có sẵn. Để biên soạn SGK mới cần có những người ngoài kinh nghiệm còn phải được trang bị những kiến thức về chương trình, về phát triển chương trình học và cách thức viết đáp ứng chương trình phổ thông mới. Ở các nước phát triển, các bộ SGK thường là do các NXB có kinh nghiệm xuất bản. Họ có thể lựa chọn tác giả hoặc tập thể tác giả tham gia viết sách theo chương trình đã được nhà nước ban hành.

Thay đổi chương trình giáo dục phổ thông lần này dẫn tới việc cần có nhiều bộ SGK khác nhau để các trường phổ thông lựa chọn sao cho đáp ứng được yêu cầu của chương trình. Nhưng nếu thiếu đi sự chuẩn bị và nếu việc biên soạn giản đơn đến mức các sở đăng ký biên soạn là được thì có thể dẫn đến tình trạng mỗi sở sẽ sử dụng bộ SGK của riêng mình.

Nguyễn Kim Hồng
(Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

 

Đề xuất 5 tiêu chuẩn đánh giá SGK mới của VN

Tại hội thảo, GS Đinh Quang Báo, ủy viên Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực VN, thành viên Ban Thường trực Đề án đổi mới giáo dục phổ thông, lần đầu tiên đã đưa ra đề xuất về 5 tiêu chuẩn đánh giá SGK.

1. SGK không vi phạm quy định tại Hiến pháp 2013, luật Giáo dục và các quy định hiện hành tại các văn bản luật khác có liên quan. SGK phải tuân thủ chương trình giáo dục phổ thông.

2. Cung cấp nội dung kiến thức bảo đảm đồng bộ và phù hợp với mục tiêu chương trình; thể hiện tường minh, cụ thể, đúng và đủ yêu cầu cần đạt của chương trình môn học ở từng lớp của từng cấp học.

3. Hỗ trợ giáo viên về phương pháp, hình thức tổ chức dạy, học và đánh giá kết quả học tập của HS. Hỗ trợ HS phương pháp học, đánh giá kết quả học tập.

4. Tùy theo môn học, nội dung giáo dục, dạy học được thiết kế theo phần, chương, bài. Đối với các môn học tích hợp: Nội dung SGK được thiết kế theo hướng giữ nội dung chính của từng phân môn và sắp xếp vào một chương hoặc một số chương đồng thời thiết kế các chủ đề liên phân môn. Đối với chuyên đề học tập, hoạt động trải nghiệm sáng tạo và các môn học mà HS được phép tự chọn một số nội dung trong các môn học: Nội dung dạy học, giáo dục được thiết kế theo các modul với thời lượng giáo dục từ 15 tiết/modul.

5. Trình bày văn bản SGK với các tiêu chí về tính mỹ thuật; kỹ thuật trình bày nội dung; kỹ thuật trình bày về hình thức đối với SGK giấy, SGK điện tử.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.