Xúc tiến du lịch: Khéo co vẫn ấm

05/08/2017 08:08 GMT+7

Chi cho xúc tiến du lịch chỉ vỏn vẹn 2 triệu USD/năm được coi là nguyên nhân khiến công tác này chưa phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng nếu biết tận dụng, chúng ta hoàn toàn có thể dùng tiền ít nhưng mang lại hiệu quả cao.
“Dạo chơi trong xúc tiến”
Theo Tổng cục Du lịch VN, ngân sách quảng bá du lịch hằng năm trên thị trường quốc tế của VN chỉ ở mức 2 triệu USD. Theo Forbes, con số này chỉ bằng 2,9% ngân sách chi cho quảng bá du lịch của Thái Lan (69 triệu USD/năm), 2,5% của Singapore (80 triệu USD/năm), 1,9% của Malaysia (hơn 105 triệu USD/năm) và chỉ bằng 1% chi phí mà Indonesia đã bỏ ra trong việc tiếp thị du lịch quốc gia (200 triệu USD/năm). Forbes nhấn mạnh mức chi phí này là một con số vô cùng nhỏ, rất khó để quảng bá du lịch trên phương diện quốc tế, thậm chí không đủ để quảng cáo thường xuyên trên những hãng truyền thông quốc tế nổi tiếng như CNN. Tại Hội nghị xúc tiến du lịch 2017, do Bộ VH-TT-DL, Tổng cục Du lịch tổ chức sáng 3.8, ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch VN đánh giá: “Với số tiền 2 triệu USD/năm, chúng ta chỉ dạo chơi trong xúc tiến”.
Theo nhận xét của chuyên gia du lịch Nguyễn Minh Mẫn, chi phí quá ít khiến tính hiệu quả trong công tác xúc tiến du lịch VN chưa tương xứng với kỳ vọng của doanh nghiệp (DN) cũng như định hướng tạo sự khác biệt, sức hút thực sự đối với khách quốc tế. VN hiện không có cơ quan chuyên trách về xúc tiến du lịch và chưa mở được các văn phòng đại diện du lịch nên không tiếp cận, thâm nhập được thị trường nguồn.
Thạc sĩ Dương Đức Minh, giảng viên bộ môn du lịch - Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, đánh giá công tác xúc tiến du lịch của VN những năm gần đây có cải thiện nhưng vẫn làm theo kiểu khoe những gì mình có chứ không hướng về cái khách hàng cần. Xúc tiến theo kiểu đi lòng vòng, không có trọng tâm. “Như Thái Lan, hình ảnh trước đây họ hướng tới là một đất nước tự do, chào đón càng đông khách tới càng tốt. Hiện nay, họ dần chuyển sang hướng làm sao “móc hầu bao” của khách càng nhiều càng tốt. VN vẫn chưa xác định được hình ảnh du lịch của mình, chưa có chương trình chung của quốc gia, nên còn loay hoay, làm chưa tới”, ông Minh nói.

tin liên quan

Quảng bá du lịch VN tại Úc
Triển khai Chương trình xúc tiến du lịch quốc gia năm 2017, Tổng cục Du lịch VN sẽ tổ chức Chương trình giới thiệu du lịch VN tại 3 thành phố của Úc gồm: Perth, Sydney và Melbourne từ ngày 12 - 19.8.
Khéo co thì ấm
Tuy vậy, theo ông Nguyễn Minh Mẫn, nếu chúng ta “liệu cơm gắp mắm”, "khéo co" thì vẫn "ấm" với chi phí xúc tiến như trên. Đơn cử, Tổng cục Du lịch Hàn Quốc (KTO) chủ trương xúc tiến theo điểm. Họ chọn ra các thị trường trọng điểm, sau đó kết hợp với chính quyền, lãnh đạo du lịch địa phương để cùng tổ chức các hoạt động xúc tiến với tần suất nửa tháng 1 lần. Trong mỗi thị trường trọng điểm lại chọn ra 10 DN lớn để hợp tác, “mượn” thương hiệu, uy tín của các DN này quảng bá du lịch Hàn Quốc trên mỗi thị trường. “Đây gọi là đầu tư thông minh, không tốn nhiều tiền nhưng hiệu quả. Các nước như Thái Lan, Singapore họ cũng làm vậy”, ông Mẫn nói và cho rằng VN nên học tập mô hình này. Trước hết, cần xác định tốp 10 thị trường trọng điểm mà VN đang hướng tới, tiếp cận 10 thị trường đó trước. Sau đó tìm 10 đơn vị kinh doanh lữ hành dẫn nhiều khách đến VN nhất, hợp tác với họ, làm từng bước thật bài bản. Việc này vừa tối ưu hóa được nguồn đầu tư, vừa có thể bám sát thị trường.
Cùng với đó là triển khai kế hoạch phân vai đầu tư. Cụ thể, cơ quan nhà nước đảm đương phần xây dựng hình ảnh, thương hiệu quốc gia. Các DN có trách nhiệm đảm bảo chất lượng, đáp ứng sản phẩm độc, lạ. Phân cấp thực hiện một cách đồng bộ sẽ mang lại hiệu quả cao hơn, khiến vấn đề nguồn vốn trở nên nhẹ nhàng hơn việc xúc tiến dàn trải như hiện nay. "Song song đó phải biết tận dụng công nghệ. Việc lấy chi phí xúc tiến đổ vào truyền hình chỉ thích hợp với các nước đã có nguồn lực chi phí mạnh, VN nên có hướng đi thông minh hơn là dựa vào thương mại điện tử, tiếp cận khách hàng qua nhiều kênh điện tử như mạng xã hội, chi phí sẽ rẻ hơn nhiều mà hiệu quả mang lại không hề thua kém truyền hình", ông Mẫn nói.
Thị thực cần thoáng để thu hút khách
Theo ông Nguyễn Minh Mẫn, trong bối cảnh cần tăng trưởng nóng với mục tiêu du lịch tăng trưởng 30%, đón ít nhất 13 triệu khách quốc tế mà Chính phủ đề ra, đầu tiên phải tiết kiệm, như hạn chế tổ chức các hội thảo mang tính chung chung. Tiếp đó, phải xác định cái gì là sản phẩm “đinh” thu hút khách du lịch để đầu tư đúng trọng tâm. Quan trọng nhất là phải kết nối được các đơn vị cung ứng dịch vụ để tạo lợi thế cạnh tranh. “Điểm yếu của VN hiện nay là giá dịch vụ cao nên giá tour nội địa cao hơn tour nước ngoài, “đẩy” khách trong nước đi nước ngoài ngày càng nhiều. Nếu không điều chỉnh bằng cách liên kết, hợp tác giữa các đơn vị cung ứng dịch vụ như hàng không, lữ hành, nhà hàng, khách sạn... lượng khách đi du lịch trong nước sẽ ngày càng giảm và lâu dần hình thành thói quen du lịch khó thay đổi. Khách trong nước còn giữ không xong, làm sao hút được khách ngoại”, ông cảnh báo.

tin liên quan

TP.HCM khánh thành 2 trạm thông tin hỗ trợ du khách
Chiều 2.8, Trung tâm Xúc tiến du lịch (Sở Du lịch TP.HCM) chính thức đưa 2 trạm thông tin hỗ trợ khách du lịch (VISC) tại Công viên Bến Bạch Đằng và Khu B, Công viên 23.9 (Q.1) vào hoạt động.
“Thu hút khách quốc tế phải có kế hoạch dài hạn từ 3 - 5 năm gắn với các chính sách gia hạn, ưu tiên miễn thị thực nhập cảnh cho các thị trường tiềm năng. Thị thực thoáng sẽ tạo nhiều lợi thế trong việc thu hút khách quốc tế. Khách đến càng nhiều, càng đỡ tốn nhiều công sức và chi phí quảng bá”, ông Mẫn nêu quan điểm.
Thạc sĩ Dương Đức Minh cũng cho rằng xúc tiến du lịch không phải chỉ chăm chăm đổ tiền vào các chương trình quảng bá lớn mà phải giới thiệu du lịch lồng ghép trong tất cả các lĩnh vực, định hướng tất cả các ngành cùng chung tay quảng bá du lịch VN.
“Đơn cử như có thể quảng bá du lịch qua phim ảnh, tận dụng từng thước phim để giới thiệu cảnh quan, ẩm thực, văn hóa Việt. Việc tận dụng quảng bá du lịch qua các ngành sẽ giúp tiết kiệm rất lớn về chi phí, đồng thời mang lại hiệu quả cao, trực tiếp”, thạc sĩ Dương Đức Minh chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.